Vì sao phe Dân chủ chìa tay với Chủ tịch Hạ viện Mỹ?

Nhiều lý do khiến phe Dân chủ tại Hạ viện giúp ông Mike Johnson giữ lại ghế chủ tịch hạ viện khi Hạ nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Greene kiến nghị bãi nhiệm ông.

Chiếc ghế chủ tịch Hạ viện Mỹ lại một lần nữa trở thành tâm điểm của sự chú ý trong những tuần gần đây, sau khi Hạ nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn Marjorie Taylor Greene đệ trình kiến nghị bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson (thuộc đảng Cộng hòa).

Hơn nửa năm về trước, một kiến nghị bãi nhiệm đã khiến ông Kevin McCarthy (thuộc đảng Cộng hòa) bị phế truất khỏi vị trí chủ tịch Hạ viện. Khi ấy, phe Dân chủ tại Hạ viện đã quyết định không đứng về phía ông McCarthy. Tuy nhiên, lần này, đảng Dân chủ đã lựa chọn đứng về phía ông Johnson.

Đảng Dân chủ cứu ông Johnson

Tối 8-5 (tức sáng 9-5, giờ VN), Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu về kiến nghị bãi nhiệm của bà Greene về việc phế truất ông Johnson. Theo kết quả bỏ phiếu, 359 hạ nghị sĩ phản đối kiến nghị bãi nhiệm và 43 hạ nghị sĩ ủng hộ, trong đó có 11 thành viên Cộng hòa, theo tờ The Hill.

Tại cuộc bỏ phiếu trên, có tới 163/213 hạ nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu phản đối kiến nghị bãi nhiệm. Sự ủng hộ của đa số thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện đã giúp ngăn cản một cuộc bỏ phiếu toàn thể Hạ viện về việc phế truất ông Johnson.

 Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson. Ảnh: GETTY IMAGES

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson. Ảnh: GETTY IMAGES

Động thái trên cho thấy sự cam kết của đảng Dân chủ khi cuối tháng trước đảng này tuyên bố bỏ phiếu để giữ trật tự trong Hạ viện bằng cách bảo vệ ông Johnson khỏi nguy cơ bị bãi nhiệm, theo tờ The Washington Post.

Cụ thể, Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries hôm 30-4 tuyên bố rằng nếu bà Greene kích hoạt cuộc bỏ phiếu về đơn kiến nghị bãi nhiệm ông Johnson thì nỗ lực đó sẽ không thành công.

“Chúng tôi sẽ bỏ phiếu bác yêu cầu bỏ phiếu miễn nhiệm chủ tịch hạ viện của Hạ nghị sĩ Greene. Nếu bà ấy kích hoạt yêu cầu, nỗ lực này sẽ không thành công” - ông Jeffries tuyên bố.

Ông Jeffries nói rằng những nỗ lực nhằm lật đổ ông Johnson đang "làm suy yếu phúc lợi của người dân Mỹ và ngăn cản chúng tôi mang lại những kết quả thực sự và có ý nghĩa cho những vấn đề quan trọng”.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện coi việc bác bỏ yêu cầu bỏ phiếu của bà Greene là nhằm duy trì sự ổn định trong Hạ viện.

“Các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện không muốn hoặc không thể kiểm soát bà Greene và các đảng viên Cộng hòa theo đuổi lập trường cứng rắn, do đó sẽ cần có một liên minh và quan hệ đối tác lưỡng đảng để làm điều này" - lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries nói.

Bên cạnh đó, ông Jeffries nhấn mạnh rằng đảng Dân chủ tại Hạ viện sẽ "cật lực đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan MAGA. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó”. MAGA là viết tắt của “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), chỉ một nhóm đảng viên Cộng hòa có quan điểm cực hữu ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump.

Dân chủ lên tiếng bảo vệ, do đâu?

Lý giải về việc đa số hạ nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ ông Johnson, tờ Politico cho rằng ông Johnson là nhân vật có lập trường bảo thủ hơn người tiền nhiệm McCarthy, nhưng đảng Dân chủ lại coi ông là người “trung thực” hơn khi nói đến việc thực hiện thỏa thuận.

 Hạ nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Greene. Ảnh: AFP

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Greene. Ảnh: AFP

Bình luận về lý do phe Dân chủ quyết định bảo vệ ông Johnson, tay bút của tờ The Atlantic - ông Russell Berman nhận định rằng phía Dân chủ đang “khen thưởng chủ tịch Hạ viện vì ông đã cho phép dự luật viện trợ Ukraine được thông qua".

Cũng nhận định về điều này, Hạ nghị sĩ Dân chủ Steny Hoyer cho biết: “Tôi không nghĩ chúng ta nên trừng phạt một vị chủ tịch Hạ viện vì đã làm điều đúng đắn”.

Theo Hạ nghị sĩ Dân chủ Troy Carter, lần bãi nhiệm ông McCarthy vào năm ngoái đã khiến Hạ viện khi đó đối mặt tình trạng tê liệt, gây khó khăn cho việc thúc đẩy các đề xuất ngân sách của cơ quan này.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ nói rõ rằng họ chỉ cam kết ủng hộ ông Johnson đối phó bà Greene, đồng nghĩa họ vẫn có thể sẽ không ủng hộ ông này trong tương lai. "Chúng tôi muốn có khởi đầu mới" - Hạ nghị sĩ Dân chủ Pete Aguilar nói, thêm rằng các đảng viên Dân chủ không phải “bỏ phiếu tín nhiệm” đối với ông Johnson mà họ đang cố gắng ngăn chặn sự hỗn loạn mà bà Greene đang đe dọa gây ra cho Hạ viện.

Trước cuộc bỏ phiếu hôm 8-5, Hạ nghị sĩ Dân chủ Marie Gluesenkamp Perez cho biết bà sẽ giúp ông Johnson là vì “đồng cảm với ông ấy hơn với người tiền nhiệm McCarthy", nhưng “sẽ không bỏ phiếu cho ông ấy trong cuộc bầu cử chủ tịch hạ viện [tháng 11 tới]”.

Phần mình, Hạ nghị sĩ Dân chủ Zoe Lofgren cho biết bà sẵn sàng giúp đỡ ông Johnson đơn giản là vì bà là thành viên đảng Dân chủ và hiểu rằng đảng của bà đang muốn ngăn Hạ viện rơi vào tình trạng hỗn loạn một lần nữa.

Đảng Cộng hòa lên tiếng về cuộc bỏ phiếu

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu hôm 8-5, ông Johnson gọi hành động của bà Greene là “sai lầm” và cảm ơn các đồng nghiệp vì đã “thể hiện sự tin tưởng” vào khả năng lãnh đạo của ông, theo đài CNN.

“Tôi đánh giá cao việc thể hiện sự tự tin của các đồng nghiệp trong việc đánh bại nỗ lực sai lầm này. Như đã nói từ đầu, tôi dự định sẽ tiếp tục làm công việc này và dự định làm những gì tôi tin là đúng, đó là những gì tôi được bầu để làm” - ông Johnson nói.

Trên mạng xã hội Truth Social, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đây "không phải là thời điểm” để bà Greene thúc đẩy nỗ lực bãi nhiệm ông Johnson.

“Tôi tin rằng bà [Greene] sẽ ở bên cạnh chúng tôi và đứng về phía chúng tôi trong một thời gian dài sắp tới. Tuy nhiên, ngay bây giờ, đảng Cộng hòa phải chiến đấu với đảng Dân chủ Cánh tả Cấp tiến và tất cả những Thiệt hại mà họ đã gây ra cho Đất nước chúng ta” - ông Trump nói.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-phe-dan-chu-chia-tay-voi-chu-tich-ha-vien-my-post789359.html