Vì sao Trung Quốc không quyết liệt vực dậy kinh tế?
Kinh tế Trung Quốc đang có nguy cơ rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài và vòng xoáy của khủng hoảng bất động sản đang đe dọa sự ổn định tài chính của nước này. Dù vậy, Bắc Kinh không quyết liệt vực dậy nền kinh tế và điều này có thể là do ưu tiên tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia hoặc lo ngại sự trổi dậy của khu vực tư nhân, theo nhận định của các chuyên gia.
Giới đầu tư, nhà phân tích và nhà ngoại giao cho rằng có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh dường như do dự trong việc đưa ra các chính sách táo bạo cần thiết để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế đang trì trệ ở thời kỳ hậu Covid-19.
Theo một số nhà quan sát Trung Quốc, việc Chủ tịch Tập Cận Bình tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia đang làm hạn chế các nỗ lực thúc đẩy kinh tế và khiến giới đầu tư thận trọng.
“Vấn đề cốt lõi trong năm nay là giới lãnh đạo đưa ra những chỉ thị cấp cao, mơ hồ cho các quan chức, nhằm cân bằng phát triển kinh tế với an ninh quốc gia. Nếu không chắc ban lãnh đạo muốn họ làm gì, các quan chức có thể sẽ trì hoãn mọi hành động cho đến khi nhận được thêm thông tin. Kết quả là chính sách bị tê liệt, ngay cả khi điều đó khiến nền kinh tế phải trả giá đắt”, Christopher Beddor, phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc của Công ty tư vấn Gavekal Dragonomics, nói.
Những chuyên gia khác cho rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu do dự triển khai các biện pháp có thể chuyển giao quyền lực từ nhà nước sang khu vực tư nhân. Hơn nữa, một chính phủ tập hợp những người trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đang bóp nghẹt cuộc tranh luận chính sách và cản trở các phản ứng kinh tế.
Chắc chắn, sự thay đổi chính sách ở Trung Quốc có thể mất thời gian. Điều này đã thể hiện qua việc nước này khăng khăng duy trì các hạn chế đi lại trong đại dịch Covid-19 trong hầu hết năm ngoái bất chấp các tổn thất kinh tế và ngay cả khi phần còn lại của thế giới đã mở cửa.
Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm kịp thời trong quá khứ, phản ứng toàn diện để ngăn chặn những lo lắng về tăng trưởng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và nỗi sợ hãi về dòng vốn tháo chạy trong năm 2015.
Nhưng các thay đổi chính sách lớn ở Trung Quốc cũng thường được dàn dựng kỹ lưỡng, với hội nghị kinh tế toàn quốc vào tháng 12 hàng năm thường là thời điểm để đưa ra các nghị quyết quan trọng.
Các nhà kinh tế cho rằng, Trung Quốc cần các biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng và niềm tin kinh doanh, chẳng hạn như cắt giảm thuế hoặc phát voucher mua sắm do chính phủ tài trợ. Tuy nhiên, họ lưu ý, không giống như những đợt kinh tế trì trệ trước đây, Trung Quốc không đưa ra giải pháp nhanh chóng.
Bắc Kinh thậm chí bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng nước này chậm phản ứng với các vấn đề kinh tế.
“Một số ít nhà chính trị và phương tiện truyền thông phương Tây khuếch đại và thổi phồng những vấn đề tạm thời tồn tại trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Họ cuối cùng sẽ bị thực tế tát vào mặt”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói với giới truyền thông hôm 16-8.
Bình luận của ông Vương được đưa ra sau khi một loạt dữ liệu hoạt động kinh tế yếu kém công bố hôm 15-8 làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng tri trệ nghiêm trọng hơn, lâu hơn.
Hôm 17-8, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ “tối ưu hóa” môi trường kinh doanh cho các công ty tư nhân và nỗ lực hơn nữa để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tuyên bố không nêu ra chi tiết nào cả. Khu vực tư nhân đóng góp 60% GDP của Trung Quốc và 80% việc làm ở thành thị.
Theo các nhà ngoại giao nước ngoài ở Trung Quốc, ngày càng có sự mất kết nối giữa các quan chức kêu gọi đầu tư và một cuộc chấn chỉnh an ninh quốc gia sâu rộng đang làm giảm niềm tin của doanh nghiệp.
Gần đây, Trung Quốc ban hành luật chống gián điệp và tiến hành các cuộc đột kích ở một số công ty tư vấn nước ngoài. Điều này gây ra làn sóng lo lắng trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
Trong cuộc họp với các doanh nghiệp nước ngoài hồi tháng 7, Bộ Thương mại Trung Quốc giải thích luật này bảo vệ hoạt động của các công ty nước ngoài đang kinh doanh ở Trung Quốc, theo một nguồn tin ngoại giao.
Nhưng thông tin trấn an này chỉ càng cho thấy một “khoảng cách nhận thức đáng kể” giữa chính phủ và các doanh nghiệp nước ngoài, nguồn tin ngoại giao cho biết.
Lee Smith, luật sư thương mại ở hãng luật Baker Donelson, nói: “Những gì mọi người thực sự nghe thấy các quan chức Trung Quốc là: Chúng tôi mở cửa cho kinh doanh, nhưng chỉ theo các điều khoản của chúng tôi”.
Lee Smith trước đây từng làm việc tại Bộ Thương mại Mỹ về các chính sách thương mại ảnh hưởng đến kinh doanh với Trung Quốc.
Xu Chenggang, một học giả tại Trung tâm Kinh tế và định chế của Đại học Stanford Mỹ, nhận định, có thể có nhiều lý do sâu xa hơn khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc không vội vàng đưa ra các biện pháp củng cố niềm tin ở khu vực tư nhân.
Theo ông, giới chức trách Trung Quốc có thể lo ngại chủ nghĩa tư bản sẽ trỗi dậy khi nền kinh tế tư nhân phát triển đủ mạnh.
Trong tuần này, một tạp chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng lại bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó, ông cảnh báo chống lại các mô hình kinh tế tư bản phương Tây. Bài phát biểu này được ông Tập đưa ra hồi tháng 2, không đề cập đến sự mất cân bằng cấu trúc trong nền kinh tế Trung Quốc hay cách giải quyết vấn đề này.
“Tất cả chúng ta có thể phải sống với một nền kinh tế Trung Quốc kém sôi động trong một thời gian dài”, Xu Chenggang nói.
Theo Reuters
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vi-sao-trung-quoc-khong-quyet-liet-vuc-day-kinh-te/