Vì sao Ukraine ưu tiên giành lại lãnh thổ trong điều kiện đàm phán với Nga?
Trong khi Nga nói sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine mà không ra bất cứ điều kiện tiên quyết nào, Kiev đã nêu một loạt điều kiện để hai bên nối lại đối thoại, đặc biệt là yêu cầu Moscow phải trả lại các vùng lãnh thổ đã kiểm soát.
Ukraine nêu điều kiện đàm phán với Nga
Phát biểu thông qua một video trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 hôm 15/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra kế hoạch gồm 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.
Các đề xuất mà nhà lãnh đạo Ukraine đề cập đến gồm đảm bảo an toàn hạt nhân và phóng xạ, an toàn an ninh lương thực và năng lượng, thả các tù nhân Ukraine, thực hiện Hiến chương Liên Hợp Quốc, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và trật tự thế giới; Nga phải rút quân và ngừng các hành động thù địch, tránh leo thang căng thẳng và bồi thường thiệt hại chiến tranh.
“Tôi muốn cuộc xung đột kết thúc một cách công bằng và trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Ukraine không nên thỏa hiệp với lương tâm, chủ quyền, lãnh thổ và độc lập của mình”, ông Zelensky nói.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho hay nước này luôn sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine mà không ra bất cứ điều kiện tiên quyết nào. “Không có điều kiện tiên quyết nào từ phía chúng tôi, ngoại trừ điều kiện chính là Ukraine phải thể hiện thiện chí”, ông nói.
Vào tuần trước, khi Nga thông báo rút quân khỏi Kherson và Ukraine tiến vào thành phố này, truyền thông phương Tây đã thảo luận về việc Moscow và Kiev nên đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn.
Nhiều chuyên gia và quan chức cấp cao đã kêu gọi Nhà Trắng thúc đẩy Ukraine ngồi vào bàn đàm phán, viện dẫn mối đe dọa hạt nhân leo thang từ Tổng thống Vladimir Putin.
“Những thành công trên chiến trường của Ukraine có thể đi quá xa. Việc giành lại quyền kiểm soát toàn bộ Donbass và Crimea không đáng để mạo hiểm một cuộc xung đột thế giới mới”, Charles Kupchan, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Georgetown (Mỹ), nói.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn kiên định ủng hộ Ukraine giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ có chủ quyền.
Trong khi đó, một số quan chức Mỹ lại ủng hộ Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. “Khi có cơ hội đàm phán để đạt được hòa bình, hãy nắm lấy nó”, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói.
Theo các nguồn tin của Wall Street Journal (WSJ), Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã khuyên Tổng thống Zelensky nên cởi mở với ý tưởng đối thoại cùng Nga.
“Hai nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết cố vấn Mỹ cho rằng, nhóm đàm phán của chính quyền Tổng thống Zelensky nên suy nghĩ về các yêu cầu thực tế và ưu tiên trong các cuộc đàm phán, bao gồm cả việc xem xét lại mục tiêu đã nêu là giành lại quyền kiểm soát Crimea”, WSJ cho hay.
Điều Ukraine thực sự muốn trên bàn đàm phán
Bên cạnh việc trao đổi tù nhân hay đảm bảo an ninh, yếu tố thực sự quan trọng của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào giữa Nga và Ukraine là lãnh thổ. Khoảng 18% diện tích Ukraine hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát của Nga.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 đang diễn ra ở Bali, Indonesia, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết quá trình đàm phán giữa Nga và Ukraine rơi vào bế tắc vì những điều kiện “phi thực tế” mà Kiev đưa ra.
“Tôi nhắc lại rằng tất cả vấn đề nằm ở phía Ukraine, bên đang kiên quyết từ chối đàm phán và đưa ra các điều kiện rõ ràng là phi thực tế”, ông Lavrov nói.
Với việc Ukraine giành lại khoảng 18.000km2 lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Nga kể từ đầu tháng 9, một lệnh ngừng bắn vào thời điểm hiện tại có thể là điều cần thiết đối với Điện Kremlin.
Một lệnh ngừng bắn sẽ giúp Nga có thời gian bổ sung thiết bị và đạn dược cho các lực lượng. Đồng thời, Nga cũng sẽ tích trữ tên lửa tầm xa và máy bay không người lái cảm tử nhằm phục vụ cho cho các cuộc tấn công hàng loạt mới có thể áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine cũng như làm tê liệt các cơ sở hạ tầng quan trọng của Kiev.
Tuy nhiên, với việc Nga tuyên bố sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine vào tháng 9, các cuộc giao tranh giành lãnh thổ vẫn sẽ xảy ra ác liệt trong thời gian tới.
Các thành phố, cơ sở năng lượng trên khắp Ukraine tiếp tục bị tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái trong bối cảnh Nga và Ukraine chưa thể ngồi vào bàn hòa đàm.
Ngày 15/11, nhiều khu vực ở Ukraine lại rung chuyển bởi các đợt tấn công tên lửa từ phía Nga, trong đó có thủ đô Kiev, tỉnh Lviv ở miền Tây, Kharkov ở Đông Bắc, Kryvyi Rih và Poltava ở miền Trung, Odessa ở phía Nam và Zhytomyr ở phía Bắc.
Phản ứng trước vụ tấn công tên lửa của Nga, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết: “Đây là những gì Nga đang nói về vấn đề đàm phán hòa bình. Hãy ngừng đề xuất Ukraine chấp nhận tối hậu thư của Nga”.
Đối Ukraine, quan điểm của quốc gia về các cuộc đàm phán hòa bình rất rõ ràng. Cho đến khi Ukraine vẫn giữ vững lập trường chống lại Nga, bất kỳ lệnh ngừng bắn hay sự nhượng bộ lãnh thổ nào đều là điều bất khả thi về mặt chính trị.
Đối với Tổng thống Zelensky, việc thay đổi chiến lược lúc này sẽ không có cơ sở hợp lý và gần như chắc chắn đi ngược lại đối với quan điểm chính trị của ông.
Trong cuộc điện đàm với Tướng Mark Milley gần đây, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi nhấn mạnh: “Quân đội Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán, thỏa thuận hoặc thỏa hiệp nào. Chúng tôi chỉ có một điều kiện để đàm phán, đó là Nga phải rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ đã chiếm được”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleh Nikolenko cho rằng Nga không có tư cách để đưa ra các điều khoản liên quan đàm phán hòa bình.
“Công thức hòa bình của Ukraine vẫn không thay đổi: chấm dứt chiến tranh ngay lập tức, rút toàn bộ binh sĩ Nga, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, bồi thường thiệt hại và cung cấp sự bảo đảm thực chất về việc không lặp lại hành động xâm lược. Nếu theo các điều kiện khác thì sẽ không thể đạt được hòa bình lâu dài”, ông Nikolenko cho biết.
Khi Ukraine giành được một số lợi thế trên chiến trường và Nga có bước lùi ở Kherson, vẫn chưa rõ bên nào sẽ nhượng bộ để đàm phán trước. Kyiv Independent nhận định rằng, Nga chưa chắc sẽ dừng lại chiến dịch quân sự đặc biệt nếu tham gia đàm phán./.