Vì sao Vietnam Airlines lại lùi ngày họp ĐHCĐ?
Đây đã là lần thứ hai Vietnam Airlines lùi ngày họp đại hội cổ đông. Trước đó, hãng hàng không quốc gia dự kiến tổ chức đại hội vào 29/6 rồi dời sang 16/7.
HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mới đây thông báo thay đổi thời gian tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 sang ngày 28/7 do chưa hoàn thành công tác chuẩn bị nội dung.
Đây đã là lần thứ hai Vietnam Airlines lùi ngày họp đại hội cổ đông. Trước đó, hãng hàng không quốc gia dự kiến tổ chức đại hội vào ngày 29/6 rồi dời sang ngày 16/7.
Hiện Vietnam Airlines cũng chưa công bố tài liệu cho cuộc họp đại hội cổ đông thường niên sắp tới.
Trước đó, chiều 13/7, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và các chuyên gia kinh tế đã làm việc với Vietnam Airlines để xem xét các đề xuất của hãng, liên quan đến các gói hỗ trợ tài chính của chủ sở hữu Nhà nước, hiện đang nắm giữ hơn 86% vốn tại doanh nghiệp này sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại buổi tọa đàm, CEO Vietnam Airlines Dương Trí Thành ước tính hãng lỗ ròng 13.000 tỷ đồng, dù thị trường nội địa đã dần phục hồi. CEO Vietnam Airlines dự đoán thị trường hàng không nội đến hết năm 2021 mới có thể phục hồi bằng mức trước dịch – năm 2019, còn quốc tế phải đến hết năm 2022.
Đứng trước tình hình đó, CEO Vietnam Airlines nói: "Chúng tôi đề nghị Chính phủ - với vai trò là chủ sở hữu hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng, nếu không đến cuối tháng 8 sẽ rất khó khăn".
Sở dĩ Vietnam Airlines phải xin Chính phủ hỗ trợ bởi theo ông Thành, All Nippon Airways (ANA) – cổ đông nắm giữ 8,6% vốn của Vietnam Airlines cũng đang cạn vốn.
Với đề xuất của hãng là Chính phủ sẽ hỗ trợ gói tài chính 12.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay lãi suất thấp ít nhất là 4.000 tỷ đồng, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế CIEM cho rằng không nên dùng từ "giải cứu" với Vietnam Airlines bởi không nên nhầm lẫn giữa 2 vai trò của Chính phủ.
"Tôi thấy cần phải phân định rất rõ vai trò Chính phủ là cơ quan quản lý, và vai trò Chính phủ là chủ sở hữu" - ông Cung nói và chia sẻ lý do vì sao chọn Vietnam Airlines là ví dụ cho vai trò của Chính phủ là chủ sở hữu: Chúng ta đều biết là Vietnam Airlines cần hỗ trợ. Hàng không là ngành chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất bởi Covid-19. Các chính phủ đều hỗ trợ các hãng hàng không, trong đó có hãng hàng không quốc gia.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đang làm nhanh hơn và mạnh hơn Việt Nam. Họ đồng thời cũng làm hai vai trò, Chính phủ với tư cách quản lý nhà nước và Chính phủ là người đầu tư, là cổ đông và là thành viên góp vốn”, ông Cung nói.
Kết luận buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc Hội, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết sẽ gửi đề xuất cho Thủ tướng về các giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines.
"Chính phủ các nước đang phản ứng rất nhanh và có các biện pháp mạnh để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, còn chúng ta phải "liệu cơm gắp mắm" vì điều kiện của chúng ta có hạn”, ông Kiên khẳng định.
Cũng theo Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Tổ sẽ báo cáo Thủ tướng những giải pháp càng nhanh càng tốt như tái cấp vốn, cho vay bắc cầu, phát hành cổ phiếu để tăng vốn hoặc điều chuyển vốn sẽ giúp Vietnam Airlines khắc phục khó khăn tài chính đồng thời đề xuất hãng cũng có kế hoạch tái cơ cấu 1 cách phù hợp với diễn biến của thị trường cũng như năng lực tài chính cho phù hợp.
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)