Vì sự phát triển của trẻ em gái

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Phú Thọ hiện nằm trong nhóm hai về tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) với tỷ số giới tính khi sinh khoảng 109-112 bé trai/100 bé gái. Tư tưởng 'trọng nam khinh nữ', 'có nếp có tẻ' vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi đã dẫn đến những hệ lụy MCBGT, phân biệt đối xử hay bạo lực, xâm hại trẻ em gái…

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh luôn quan tâm, tạo cơ hội để học sinh nữ thể hiện ý kiến, quan điểm bình đẳng trong học tập và phát triển.

Thời gian gần đây, cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã xảy ra nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em gái khiến dư luận xã hội bức xúc. Những nạn nhân bị xâm hại là trẻ em gái có em thì lên tiếng kêu cứu, nhưng có em âm thầm chịu đựng trong một thời gian dài hoặc chưa nhận thức được nên dẫn đến những hậu quả hết sức đau lòng. Sau những vụ việc, sức khỏe, tinh thần của nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến nhiều trở ngại trong quá trình học tập, phát triển. Thực tế đó đòi hỏi sự quan tâm chăm sóc trẻ em gái nhiều hơn của các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo trong nhà trường, các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội.

Tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều biện pháp, trong đó trọng tâm là nâng cao kiến thức về giới, bình đẳng giới, giáo dục kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại… cho học sinh.

Đồng chí Triệu Trung Kiên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, Ban chỉ đạo công tác Dân số và phát triển xã tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa nhằm giúp các học sinh có cơ hội thể hiện ý kiến, quan điểm của mình trong việc đấu tranh và bảo vệ trẻ em gái khỏi tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực, xâm hại. Cùng với đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của giáo viên, học sinh về giáo dục giới tính, bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, tạo môi trường lành mạnh cho học sinh, đặc biệt là học sinh nữ.

Cộng tác viên Dân số tuyên truyền về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh cho nhân dân xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn.

Với mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng về bình đẳng giới, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho trẻ em gái phát triển, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phát động hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2022 với chủ đề “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” với nhiều hoạt động hướng về cơ sở. Theo đó, Chi cục đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, luật pháp, chính sách, tài liệu hiện hành của Đảng và Nhà nước về MCBGTKS, Pháp lệnh Dân số, bình đẳng giới ở các cấp. Tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông trọng điểm tại xã có mức sinh cao, các xã có tỷ lệ MCBGTKS, sinh con thứ ba trở lên cao, các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục duy trì hiệu quả các hệ thống cộng các viên dân số cơ sở trong việc tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thông tin về MCBGTKS, bình đẳng giới, tiếp nhận thông tin về các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em gái, qua đó kịp thời phát hiện, ứng cứu, giải quyết các vụ việc xảy ra.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật Đảng và Nhà nước, các cấp bộ, ngành và của tỉnh như: Luật Trẻ em, Luật bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật hôn nhân và gia đình; Pháp lệnh Dân số; Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2025; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030, Kế hoạch số 3314 ngày 02/8/2021 của UBND tỉnh Phú Thọ về thực hiện Đề án kiểm soát MCBGTKS trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025… nhằm thúc đẩy cộng đồng nâng cao nhận thức về vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt ở các gia đình sinh con một bề là gái, từ đó từng bước chuyển đổi nhận thức, hành vi của mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, chung tay hành động vì sự phát triển của trẻ em gái.

Đức Thiện

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/vi-su-phat-trien-cua-tre-em-gai/187644.htm