Vị trí Đại sứ ở Mỹ và Trung Quốc đều bỏ trống: Quan hệ 2 bên ngày càng khó đoán
Việc vị trí Đại sứ tại Mỹ và Trung Quốc hiện đều bỏ trống đang làm gia tăng thêm sự không chắc chắn trong quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Những vị trí quan trọng bị bỏ trống
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ có thời gian làm việc lâu nhất Thôi Thiên Khải đã thông báo sẽ rời nhiệm sở sau 8 năm giữ chức vụ này. Trải qua 3 đời Tổng thống (Barack Obmaba, Donald Trump và nay là Joe Biden), ông Thôi Thiên Khải, 68 tuổi, đã chứng kiến những dịch chuyển sâu sắc trong quan hệ Mỹ - Trung. Trong suốt thời gian này, Trung Quốc ngày càng quyết đoán và yêu cầu được đối xử một cách bình đẳng. Trong khi đó, Washington cũng ngày càng thận trọng trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh khi coi nước này là một đối thủ chiến lược và một mối đe dọa với trật tự thế giới.
"Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ở ngã ba đường khi Mỹ tham gia vào quá trình tái cấu trúc trong chính sách với Trung Quốc và đối mặt với sự lựa chọn giữa hợp tác và đối đầu", ông Thôi Thiên Khải nhận định trong một bức thư chia tay được công bố trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 22/6.
Hiện nay, cả Trung Quốc và Mỹ đều không có đại sứ tại thủ đô của nhau. Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad đã rời Bắc Kinh vào năm ngoái trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 diễn ra. Hiện cựu quan chức ngoại giao Nicholas Burns được cho là ứng viên hàng đầu đảm nhiệm vị trí này, song chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức.
Khoảng trống ngoại giao bất thường này là dấu hiệu gần đây nhất cho sự sụp đổ trong quan hệ chính thức giữa 2 quốc gia, vốn được cho là mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới này.
Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trên một loạt lĩnh vực, từ thương mại tới công nghệ, địa chính trị và quốc phòng.
Với việc coi Trung Quốc là một địch thủ của phương Tây, đồng thời tăng cường nỗ lực hình thành liên minh đối phó với Bắc Kinh, căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới dưới thời ông Biden có thể còn leo thang hơn nữa.
Ông Thôi Thiên Khải được coi là mẫu nhà ngoại giao truyền thống điển hình của Trung Quốc, một người giỏi thể hiện lập trường cứng rắn theo cách ôn hòa và với tông giọng chừng mực. Những đặc điểm này khiến ông trở nên khác biệt với các nhà ngoại giao "chiến lang" trẻ hơn ngày càng gia tăng tại Bắc Kinh hiện nay.
Hồi tháng 3/2020, ông Thôi Thiên Khải đã chỉ trích giả thuyết mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đưa ra rằng, dịch Covid-19 có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm quân sự của Mỹ.
"Làm sao chúng ta có thể tin tưởng vào những điều điên rồ này?", ông Thôi Thiên Khải nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn với Axios trên HBO.
Người kế nhiệm có tạo nên khác biệt?
Người được cho là có khả năng kế nhiệm ông Thôi Thiên Khải hiện nay là ông Tần Cương, hiện là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề châu Âu. Ông Tần Cương được cho là một cố vấn đáng tin cậy của Chủ tịch Tập Cận Bình khi thường đi cùng nhà lãnh đạo này trong nhiều chuyến công du nước ngoài. Tuy nhiên, không giống như ông Thôi Thiên Khải, ông Tần Cương chưa từng là đại sứ và cũng không có kinh nghiệm trực tiếp trong quan hệ với Mỹ.
Trước khi ông Thôi Thiên Khải tới Washington năm 2013, ông đã từng có nhiều cuộc trao đổi thân mật với chính quyền cựu Tổng thống Obama với vai trò là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực châu Mỹ và châu Đại Dương.
Nếu đảm nhiệm vị trí Đại sứ Trung Quốc kế tiếp tại Mỹ, ông Tần Cương sẽ đối mặt với quãng thời gian vô cùng khó khăn để xây dựng quan hệ với Washington giữa bối cảnh lưỡng đảng Mỹ đều có lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Với quan hệ 2 bên ngày càng căng thẳng như hiện nay, Đại sứ Trung Quốc sẽ khó có cơ hội để phát huy vai trò của mình khi các chính sách và quyết định quan trọng đều được chính quyền ở Bắc Kinh đưa ra. Tuy nhiên, ông Tần Cương vẫn có thể tạo ra khác biệt bằng cách không làm gia tăng căng thẳng cho mối quan hệ này qua việc tránh những bình luận khiêu khích giống như một số nhà ngoại giao "chiến lang" Trung Quốc đang làm./.