Vị tướng nào dùng 'trâu lửa' phá vòng vây, đánh bại đội quân chúa Trịnh?
Trong lịch sử Việt Nam, từng có vị tướng dùng động vật làm kế hỏa công, phá bỏ vòng vây và giành được chiến thắng trước đối thủ.
Người được nhắc đến chính là Nguyễn Hữu Cầu.
Nguyễn Hữu Cầu (1712-1751), xuất thân trong gia đình nông dân nghèo ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Khi còn nhỏ, ông giỏi văn võ, lại thạo bơi lội nên thường được người dân gọi là quận He (tên một loài cá biển).
Lớn lên Nguyễn Hữu Cầu gia nhập cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Cừ và được người này quý mến, gả con gái cho. Sau khi Nguyễn Cừ bị bắt, Nguyễn Hữu Cầu thay cha vợ lãnh đạo nghĩa quân. Ông lập căn cứ ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Đội quân của ông có đến hàng vạn người, quân chúa Trịnh nhiều lần tấn công nhưng đều thất bại.
Trong một lần giao tranh, nghĩa quân của Nguyễn Hữu Cầu bị bao vây bốn phía, không còn đường thoát. Quân Trịnh tin chắc sẽ bắt được ông liền bắc loa dụ hàng.
Trong tình thế khó khăn, Nguyễn Hữu Cầu quyết định dùng hỏa ngưu trận. Theo sách Binh thư yếu lược, ông cho buộc những mũi lao nhọn vào sừng và hai bên sườn từng con trâu. Sau đó, đuôi trâu được buộc giẻ tẩm nhựa thông và châm lửa đốt đồng loạt.
Bị nóng, đàn trâu điên cuồng lao thẳng vào hàng ngũ quân Trịnh, húc và dẫm đạp dữ dội làm rối loạn đối phương. Lợi dụng thời cơ, Nguyễn Hữu Cầu tung quân chủ lực ra đánh khiến quân Trịnh tan vỡ. Tuy nhiên vào năm 1751, Nguyễn Hữu Cầu thất bại trước quân Trịnh và bị bắt đem đi hành hình.
Cũng theo một giai thoại dân gian của Đồ Sơn, hội chọi trâu nổi tiếng ở vùng đất này bắt nguồn từ cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu. Tương truyền, khi ông mang quân về, dân trong vùng đã mang ba con trâu ra khao.
Khi nghĩa quân đang định làm thịt thì bất ngờ chúng lao vào húc nhau khiến rất đông quân lính và người dân kéo tới xem. Từ đó người Đồ Sơn thường mở hội chọi trâu để tưởng nhớ vị thủ lĩnh tài ba Nguyễn Hữu Cầu.