Vị tướng tài ba, đức độ, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo (25.10.1921 – 25.10.2021)

Vào một ngày cuối thu, tiết trời Thủ đô Hà Nội có gió heo may và se se lạnh, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Hoa Châu (tức Tạ Thái Nhân) ở số nhà 69 Phùng Chí Kiên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy để tìm hiểu tư liệu viết về cha của ông là Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo. Trong không khí đầm ấm, thân mật, bên tách trà nóng, tôi được nghe nhiều câu chuyện, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của một vị tướng tài ba, đức độ, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên.

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo bên vợ và các con, cháu năm 2006 (Ảnh do gia đình cung cấp)

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo (tên khai sinh là Tạ Thái An), sinh ngày 25.10.1921, quê quán xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên), con ông Tạ Quang Khai và bà Nguyễn Thị Tành. Cha ông là một thợ may, do tham gia phong trào yêu nước nên bị giặc Pháp lùng bắt, vì vậy đã đưa gia đình lên sinh sống tại vùng Tràng Định (Lạng Sơn). Sau khi hoàn thành lớp nhất (tương đương với lớp 5 hiện nay), ông được cha gửi xuống Hà Nội ở nhờ nhà ông Mai Phúc Tường (hiệu Quảng Thái) ở số nhà 29 Hàng Bồ để học tiếp bậc trung học tại Trường tư thục Thăng Long. Sau này, khi ông Hoàng Minh Thảo hoạt động cách mạng đã được gia đình ông Mai Phúc Tường che giấu. Cũng trong quãng thời gian này, trong những lần về Lạng Sơn nghỉ hè, ông giác ngộ cách mạng qua những đợt tham gia buổi tuyên truyền của Đảng. Năm 1937, ông tham gia Đoàn Thanh niên Dân chủ, rồi tham gia Việt Minh, lấy bí danh hoạt động là Tạ Quang. Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Với tầm nhìn xa của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi đó đã đoán được sự phát triển của cách mạng cần một lực lượng quân đội hùng mạnh, có những vị tướng giỏi chỉ huy quân đội sau này. Vì vậy, Người đã chọn Tạ Thái An và một số thanh niêu yêu nước đi học tại Trường quân sự Hoàng Phố ở Liễu Châu (Trung Quốc). Khi đi học, ông đã vinh dự được Bác Hồ đặt cho tên mới là Hoàng Minh Thảo, cái tên như một tiên đoán về cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng tài ba, đức độ trong quân đội. Theo đó, họ Hoàng là lấy tên của trường quân sự Hoàng Phố, đệm và tên Minh Thảo dành cho con người thông minh, có tấm lòng nhân hậu, tình nghĩa, hiếu thảo và cái tên đó đã theo ông suốt cuộc đời. Sau khi về nước, ngày 3.3.1945, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia giành chính quyền ở tỉnh Lạng Sơn.

Tháng 3.1945, đồng chí Hoàng Minh Thảo giữ chức vụ Chính trị viên Trung đội du kích huyện Tràng Ðịnh (Lạng Sơn). Để tổ chức Trung đội du kích huyện Tràng Định (Trung đội du kích), đồng chí và các cán bộ cốt cán tập hợp được khoảng 20 người, vận động Nhân dân đóng góp tiền, của để sang Trung Quốc mua sắm vũ khí. Tháng 5.1945, Trung đội du kích lập chiến công đầu tiên đánh chiếm đồn Pò Mã. Sau trận đánh đồn Pò Mã, Trung đội du kích chiêu tập thêm người, đi các địa phương xây dựng cơ sở. Bằng việc tổ chức các trận đánh hiệu quả bảo vệ cuộc sống Nhân dân, uy tín đội quân cách mạng được dân chúng tin yêu. Thời cơ đến, sáng ngày 22.8.1945, Trung đội du kích vũ trang đầy đủ chia làm hai mũi tiến vào phủ đường Tràng Định. Lực lượng vũ trang cách mạng đã nhanh chóng làm chủ tình hình, nắm chính quyền. Lập chính quyền mới ở huyện Tràng Định xong, đồng chí Hoàng Minh Thảo cùng các đồng chí của mình về thị xã Lạng Sơn tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đến năm 1954, đồng chí Hoàng Minh Thảo là Trưởng ban phụ trách công tác biên giới của Tổng Việt Minh, phái viên của Bộ quốc phòng ở các tỉnh thuộc vùng tả ngạn sông Hồng, Tư lệnh Chiến khu 3, Phó Tư lệnh Liên khu 3, Quân khu ủy viên Liên khu 3 và 4; Tư lệnh Liên khu 4; Tư lệnh Sư đoàn 304. Dưới sự chỉ huy của ông, Sư đoàn 304 đã có những trận đánh vang dội trên các chiến trường trung Lào, cánh đồng Chum; những trận đánh ngăn chặn địch bảo vệ hậu phương khu 4 để tập trung lực lượng, vật chất cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1954, Bộ Tổng Tư lệnh giao cho ông làm Hiệu trưởng Trường Bổ túc quân sự Bắc Sơn, đến năm 1956 chuyển thành Trường Quân sự trung cao cấp, sau là Học viện Quân sự. 12 năm sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, ông vừa làm công tác quản lý, vừa nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Ông đã có công lớn trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trung cao cấp của quân đội phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Từ năm 1966, tướng Hoàng Minh Thảo lại rời nhà trường ra trận, đúng vào thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt, khó khăn nhất khi Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam. Tháng 11.1966, ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, đến giữa năm 1967 làm Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3). Là một vị tướng đã kinh qua nhiều cương vị chỉ huy trận mạc và Hiệu trưởng Trường Quân sự trung cao cấp, với nhiều kinh nghiệm thực tiễn trên chiến trường cộng với những tổng kết khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự, ở cương vị mới qua kinh nghiệm những trận đối đầu với quân Mỹ, ông đã ghi nhận lại được những nguyên tắc quan trọng giúp Quân Giải phóng miền Nam giành được những lợi thế khi giao chiến với một đối phương có ưu thế tuyệt đối về hỏa lực và cơ động. Trong 7 năm làm Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3.1975, mỗi chiến dịch lớn đều ra đời một hình thức chiến dịch phù hợp với tình hình thực tế trên chiến trường, cùng với sự phát triển về chất của lực lượng vũ trang Tây Nguyên, tạo nên một kết cục trọn vẹn của Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3.1975 làm thay đổi cục diện chiến trường, kết thúc chiến tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Từ tháng 4.1974 đến tháng 12.1976, ông là Phó Tư lệnh Liên khu 5, Khu ủy viên Khu 5; từ năm 1977 đến tháng 2.1990 là Viện trưởng, Bí thư Ðảng ủy Học viện Quân sự cấp cao. Tháng 3.1990, ông được bổ nhiệm Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự (Bộ Quốc phòng); là Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng); Ủy viên Thường trực Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Ông được bầu là Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng khóa IV; Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa V. Ông được thăng quân hàm cấp Ðại tá năm 1948, Thiếu tướng năm 1959, Trung tướng năm 1974, Thượng tướng năm 1984. Do có nhiều công lao, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, Nhà nước, quân đội, Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo bên người thân trong gia đình và các học trò năm 1995 (Ảnh do gia đình cung cấp)

Là một vị tướng trận mạc, Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo là một trong những tướng lĩnh tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông cũng đồng thời là một nhà khoa học, nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam. Ngày 9.9.2008, nhận được tin ông mất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo. Bức thư viết: “Đồng chí Hoàng Minh Thảo sớm tham gia cách mạng, là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng đức độ và tài thao lược. Đồng chí đã có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến lâu dài giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp đào tạo cán bộ, xây dựng Quân đội tiến lên chính quy hiện đại, phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời, Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân, phục vụ Quân đội, yêu thương đồng chí, đồng đội, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó; nêu một tấm gương sáng mẫu mực cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta. Đối với tôi, đồng chí Hoàng Minh Thảo là một người đồng chí, người bạn chiến đấu rất thân thiết, thủy chung. Tôi luôn đặt niềm tin vào đồng chí trong mọi nhiệm vụ”.

Dẫu ông đã đi xa nhưng hình ảnh về một vị tướng vừa trực tiếp chỉ huy tác chiến, vừa tổng kết khoa học, những vấn đề chiến thuật và chiến lược quân sự để viết thành những cuốn sách có giá trị lớn phục vụ trực tiếp cho chiến đấu, góp phần vào thắng lợi trên nhiều chiến trường thì còn nguyên giá trị.

Hoàng Bền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/an-ninh-quoc-phong/202110/ky-niem-100-nam-ngay-sinh-thuong-tuong-giao-su-nha-giao-nhan-dan-hoang-minh-thao-25101921-25102021-vi-tuong-tai-ba-duc-do-nguoi-con-uu-tu-cua-que-huong-hung-yen-672245c/