Vị tướng trận mạc tận tâm làm việc nghĩa

Hơn 40 năm phục vụ quân đội, tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường, lập nhiều chiến công xuất sắc, 11 lần bị thương, nhưng từ khi rời quân ngũ, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hồ Chí Minh luôn trăn trở, dành trọn tâm huyết, nghĩa tình để tri ân, chăm lo người có công với cách mạng và nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). Ông tâm niệm, còn sức thì còn làm việc nghĩa, để tri ân đồng đội và nhân dân, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Một thời lửa đạn xông pha…

Sinh năm 1947, ở miền quê xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, khi còn nhỏ, chứng kiến quân Pháp càn quét, gây bao tội ác với nhân dân, Trần Ngọc Thổ sớm có lòng căm thù giặc sâu sắc, nung nấu quyết tâm gia nhập quân đội để đánh đuổi quân xâm lược.

Cuối tháng 9-1966, chàng thanh niên Trần Ngọc Thổ lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn 304, Trung đoàn 5, Sư đoàn 320, đóng quân ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Sau ba tháng huấn luyện, đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu, đến đầu năm 1967, anh được biên chế về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, tiếp đó lại được điều động bổ sung cho chiến trường Đông Nam Bộ tham gia chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 5, Quân Giải phóng miền Nam.

 Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ và lãnh đạo Thành hội với các nạn nhân chất độc da cam.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ và lãnh đạo Thành hội với các nạn nhân chất độc da cam.

Trong cuộc đời binh nghiệp, người lính trận mạc Trần Ngọc Thổ đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu hàng trăm trận ở khắp các chiến trường: Miền Đông, miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, bên nước bạn Campuchia, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc…, 8 lần được tặng Danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới, Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ Quyết thắng, Chiến sĩ thi đua của trung đoàn…

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, đến giờ ông vẫn tự hào ôn lại với chúng tôi ký ức hào hùng, khi được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trực tiếp chỉ huy chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 88, đồng thời là Trưởng ban Tác chiến của cánh quân thứ 5, từ Tiền Giang vượt sông Vàm Cỏ; được sự giúp đỡ, đùm bọc của đồng chí, đồng bào, đơn vị đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, diệt nhiều sinh lực địch, cơ động thần tốc theo Quốc lộ 50 tiến về giải phóng Sài Gòn và vỡ òa trong niềm vui chiến thắng ngày 30-4-1975.

Từng là người lính trinh sát, đặc công, quen với trận mạc nhưng khi được giao đảm nhận cương vị Hiệu trưởng Trường Quân chính (nay là Trường Quân sự) Quân khu 7, ông đã tích cực đổi mới, sáng tạo, xây dựng nhà trường từ một cơ sở nghèo nàn, trở thành một trung tâm giáo dục quốc phòng chính quy, hiện đại ở địa bàn phía Nam. Sau này, trên cương vị Tham mưu trưởng quân khu, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cùng tập thể luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh, khu vực phòng thủ vững mạnh trên địa bàn chiến lược Quân khu 7.

Nghĩa tình, trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân

Hơn 40 năm trong quân ngũ, chiến đấu ở nhiều chiến trường ác liệt, 11 lần bị thương, với 61% thương tật, được tặng nhiều phần thưởng cao quý, năm 2008, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nghỉ công tác, nhưng ông không nghỉ việc, mà bắt tay ngay vào “trận tuyến” mới: Chung tay khắc phục hậu quả chất độc hóa học, bom mìn sau chiến tranh, nhất là sẻ chia, giúp đỡ NNCĐDC.

Ông tâm sự: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng nhiều đồng đội, cựu chiến binh (CCB), người dân và con, cháu của họ vẫn phải gánh chịu nỗi đau tột cùng do hậu quả của chất độc da cam (CĐDC) mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, với hơn 4 triệu người bị phơi nhiễm. Di chứng da cam truyền qua nhiều thế hệ, đến nay đã có nạn nhân thế hệ thứ tư. Càng chứng kiến và thấu hiểu những “thảm cảnh da cam”, tôi càng trăn trở phải làm thế nào để giúp đỡ, sẻ chia, giảm bớt những đau thương, mất mát đó…”.

Những năm tháng xông pha nơi lửa đạn đã hun đúc ý chí, phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, để Thiếu tướng, CCB Trần Ngọc Thổ (đồng đội và người dân thường gọi ông bằng cái tên trìu mến: Tám Thổ) tiếp tục phát huy trên “trận tuyến thời bình”. Năm 2009, ông tham gia Hội NNCĐDC/dioxin TP Hồ Chí Minh và được tín nhiệm bầu làm chủ tịch hội liên tiếp 3 nhiệm kỳ (từ 2009 đến nay); đồng thời là Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam từ 2009 đến tháng 12-2023; từ năm 2014 đến nay là Ủy viên Thường vụ Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn TP Hồ Chí Minh. Ông luôn tâm niệm: Để hội là chỗ dựa tin cậy, mái ấm nghĩa tình, thì cán bộ hội phải thực sự sâu sát, gắn bó, nắm chắc hoàn cảnh của nạn nhân để giúp đỡ thiết thực, hiệu quả.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tham gia Chương trình đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam năm 2024.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tham gia Chương trình đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam năm 2024.

Xác định tổ chức hội là “cánh tay nối dài” chăm lo cho nạn nhân, mặc dù gặp không ít khó khăn, đến nay Hội NNCĐDC/dioxin TP Hồ Chí Minh đã phát triển và thành lập được 15 tổ chức hội ở cấp quận, huyện và TP Thủ Đức, với hơn 200 chi hội cấp xã, phường, tổng số gần 4.500 hội viên. Điều băn khoăn, trăn trở của ông và đội ngũ cán bộ hội là còn nhiều nạn nhân là cháu, chắt của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, sinh ra bị khuyết tật, dị dạng, nhưng số cháu được hưởng chế độ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Trước thực trạng đó, ông đã chỉ đạo điều tra khảo sát nạn nhân thế hệ thứ 3, thứ 4 ở gần 40 xã, phường, bước đầu lập được hơn 500 hồ sơ, làm cơ sở đề nghị giám định sức khỏe, giải quyết chế độ chính sách, giúp nạn nhân và gia đình vơi bớt khó khăn.

Vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân được Chủ tịch hội Trần Ngọc Thổ đặc biệt quan tâm và coi đây là “thước đo” hiệu quả hoạt động của hội. Rồi ông “điểm” cho chúng tôi những con số: Gần 10 năm qua, Hội thành phố đã vận động được hơn 55 tỷ đồng, đã chi hỗ trợ xây mới, sửa chữa 46 căn nhà; trợ cấp 1.943 suất học bổng, gần 2.500 suất gia cảnh khó khăn; chi khám chữa bệnh cho hàng nghìn nạn nhân; hỗ trợ vốn sản xuất, tặng sổ tiết kiệm cho gần 100 hộ gia đình; tặng gần 49.000 suất quà trong các dịp lễ tết, Ngày Vì NNCĐDC (10-8).

Chị Trần Thị Hằng, con của CCB Trần Văn Dòn, ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi (gia đình có ba thế hệ đều là NNCĐDC) xúc động chia sẻ: “Những năm qua, tổ chức hội thực sự là “điểm tựa” của gia đình tôi và nhiều NNCĐDC, nhất là hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà, hỗ trợ vốn, sinh kế, học bổng cho các cháu học hành... Đó cũng là tâm huyết, nghĩa tình của bác Tám Thổ và đội ngũ cán bộ hội đối với những mảnh đời không may mắn”.

Với phương châm “cho cần câu hơn cho con cá”, quan tâm hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, lãnh đạo hội thành phố đã vận động Tổ chức Cải thiện môi trường Nhật Bản hỗ trợ thực hiện Dự án Phát triển mô hình đào tạo nghề cho NNCĐDC, như triển khai mô hình làm nông nghiệp tại Làng Cam (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn); mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, y tế..., góp phần giúp nạn nhân có việc làm, thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Hành trình không ngơi nghỉ…

Những năm gần đây, vào dịp Ngày Vì NNCĐDC (10-8), người dân TP Hồ Chí Minh và khán giả truyền hình thường chứng kiến hình ảnh Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cùng lãnh đạo thành phố dẫn đầu đoàn đi bộ vì NNCĐDC, với sự tham gia của hơn 5.000 người, đi qua nhiều tuyến phố, góp phần tuyên truyền sâu rộng ở trong và ngoài nước về thảm họa da cam, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý và kêu gọi sự chung tay giúp đỡ các NNCĐDC. Hơn 15 năm qua, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tích cực tham gia nhiều cuộc mít tinh, hội nghị, hội thảo; kiên trì vận động ủng hộ vụ kiện của các NNCĐDC/dioxin Việt Nam, yêu cầu chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm tẩy độc các khu vực bị nhiễm dioxin và hỗ trợ NNCĐDC. TP Hồ Chí Minh là một trong các địa phương tiêu biểu, đi đầu, có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, góp phần tạo phong trào mang tính quốc tế ủng hộ NNCĐDC/dioxin Việt Nam và đấu tranh chống sản xuất, sử dụng vũ khí giết người hàng loạt.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ trao tặng xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam huyện Củ Chi.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ trao tặng xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam huyện Củ Chi.

Với tấm lòng thiện nguyện, CCB Trần Ngọc Thổ cùng người thân, bạn bè, đồng đội còn tích cực đồng hành, vận động hỗ trợ nạn nhân, người nghèo; chia sẻ khó khăn với bà con vùng bị bão lũ, thiên tai, dịch bệnh… ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung... với tổng trị giá nhiều tỷ đồng. Điển hình, năm 2021 trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, ông và gia đình đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho hơn 2.000 hộ gia đình và nhiều bệnh nhân bị cách ly trên địa bàn thành phố và các tỉnh Bình Phước, Bình Dương…, tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng.

Hằng năm, vào các dịp lễ tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7…, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ lại vận động các cơ quan, đơn vị, đồng chí, đồng đội… tổ chức những “chuyến xe nghĩa tình” về vùng căn cứ cách mạng, kháng chiến thăm hỏi, tri ân, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công, người nghèo; ủng hộ xây dựng, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Gia Lai… Tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng suốt nhiều năm qua, CCB Trần Ngọc Thổ vẫn miệt mài cùng đồng đội hành quân về các chiến trường xưa tìm kiếm, quy tập, cất bốc được gần 200 hài cốt liệt sĩ, đưa các anh về yên nghỉ tại quê nhà.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin TP Hồ Chí Minh, người đã gắn bó, đồng hành cùng Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ trên hành trình nhân ái suốt gần 20 năm qua, chia sẻ: “Từng kinh qua trận mạc, nhiều lần bị thương, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, nhưng từ khi rời quân ngũ, trên cương vị công tác được giao, anh Tám Thổ luôn hết lòng, hết sức chăm lo cho người có công, NNCĐDC, gia đình chính sách… trên địa bàn thành phố và nhiều địa phương ở phía Nam. Nghĩa cử, tấm lòng, sự nhiệt huyết của anh thật đáng trân trọng, đồng thời là “đầu tàu”, tạo động lực để hội thành phố ngày càng phát triển, mở rộng quan hệ đối ngoại, hoạt động hiệu quả, thực sự là “mái ấm nghĩa tình” của NNCĐDC.

Nhiều đồng chí, đồng đội, người dân... có lời khen: “Cuộc đời binh nghiệp của anh Tám Thổ trọn vẹn cả trong chiến tranh và thời bình, “ngực đỏ huân chương” và luôn hết lòng vì việc nghĩa”. Tháng 8-2024, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ là một trong 5 chủ tịch hội tiêu biểu cấp tỉnh, thành phố trong toàn quốc được tôn vinh, khen thưởng tại Chương trình “Thắp sáng tương lai”, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam.

Những năm gần đây, sức khỏe giảm sút, CCB, thương binh Trần Ngọc Thổ phải đi viện nhiều hơn, nhưng thấm thía sự hy sinh, mất mát của đồng bào, đồng chí, nỗi đau của NNCĐDC, nạn nhân bom mìn…, nên ông vẫn không ngừng nghỉ trên hành trình nhân ái. Chia tay với chúng tôi, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ vẫn đau đáu nỗi niềm: “Điều trăn trở, mong đợi bấy lâu của tôi và nhiều cán bộ hội, là được thành phố tạo điều kiện sớm triển khai Dự án xây dựng Làng Cam, để các NNCĐDC có cơ hội được đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và có thể tự lao động, làm ra sản phẩm, trang trải một phần cuộc sống, nhất là với những NNCĐDC không còn nơi nương tựa…”

Bài và ảnh: ANH QUÂN-TRẦN LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/vi-tuong-tran-mac-tan-tam-lam-viec-nghia-800030