Vicem Hoàng Thạch: Áp lực từ dây chuyền 1

Dây chuyền 1 đã xuống cấp, mức tiêu hao nguyên nhiên liệu khá cao; giá bán xi măng cao... là những vấn đề đang đặt ra với Vicem Hoàng Thạch.

Nhà máy Vicem Hoàng Thạch có logictic thuận lợi để đẩy mạnh tiêu thụ

“Lão tướng” và áp lực sau hơn 40 “dã chiến”

Thị trường tiêu thụ xi măng 6 tháng đầu năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong sản xuất và tiêu thụ, toàn Ngành tăng trưởng khá ở cả nội địa và xuất khẩu. Nhưng Vicem Hoàng Thạch lại gặp thách thức, khó khăn khi dây chuyền 1 của đơn vị này xuống cấp sau hơn 40 năm hoạt động, phải sửa chữa nhiều, tiêu hao nhiệt năng và điện năng lớn dẫn tới chi phí sản xuất cao (Vicem Hoàng Thạch có chi phí biến đổi lớn nhất trong 10 nhà máy của Vicem - PV), giá bán xi măng của Vicem Hoàng Thạch cao so với mặt bằng chung của các hãng xi măng khác cùng chủng loại. Áp lực chồng lên khi giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng không ngừng tăng cao; nằm trên địa bàn nhiều nhà máy xi măng, Vicem Hoàng Thạch đối mặt sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều thương hiệu xi măng khác giá rẻ hơn…

Kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của Vicem Hoàng Thạch chưa như kỳ vọng: Sản xuất hơn 1,5 triệu tấn clinker bằng 96% cùng kỳ năm ngoái; sản xuất hơn 1,72 triệu tấn xi măng bằng 94,2% so cùng kỳ; Tổng sản phẩm tiêu thụ xi măng và clinker đạt 2,5 triệu tấn, bằng 99,5% so cùng kỳ; trong đó, tiêu thụ xi măng đạt hơn 1,7 triệu tấn, bằng 99,5% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu 2.465 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 126 tỷ.

Với một doanh nghiệp lớn được ví như cánh chim đầu đàn của ngành Xi măng Việt Nam, với một thương hiệu nức tiếng từ Bắc vào Nam như Vicem Hoàng Thạch thì việc sản xuất những sản phẩm xi măng chất lượng cao phục vụ xây dựng những công trình lớn cho đất nước, đáp ứng niềm tin yêu của người tiêu dùng đã trở thành sứ mệnh. Nhưng một quy luật tất yếu của sản xuất kinh doanh là khi cỗ máy cũ thì chi phí biến đổi lớn, sản phẩm giảm sức cạnh tranh bởi phải gồng gánh chi phí khiến giá bán cao. Điều đáng nói là dây chuyền 2 và 3 được đầu tư sau thì không gặp áp lực nêu trên. Nhưng dây chuyền 2 và 3 không thể gánh mãi cho dây chuyền 1.

Bài toán đã rõ, buộc lãnh đạo Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) và lãnh đạo Vicem Hoàng Thạch phải đưa ra lời giải: Nâng cấp dây chuyền 1 là bức thiết.

Cần cải tạo dây chuyền 1, đẩy mạnh tiêu thụ

Tổng Giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh trăn trở: “Trong thời gian tới, Vicem Hoàng Thạch phải đầu tư chiều sâu để cải thiện công nghệ; thực hiện các giải pháp đưa chi phí biến đổi xuống để tăng sức cạnh tranh”.

Tổng Giám đốc VICEM đặt kỳ vọng khi Vicem Hoàng Thạch có trạm nghiền mới với công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay thì chi phí biến đổi của Vicem Hoàng Thạch sẽ giảm, giá thành giảm, chất lượng sản phẩm được nâng cao và tăng sức cạnh tranh.

Một bước đi chiến lược là từ tháng 4/2019, Vicem Hoàng Thạch gia công xi măng ở Vicem Hải Vân. Thương hiệu xi măng Vicem Hải Vân được thay thế bằng thương hiệu Vicem Hoàng Thạch. Với quyết tâm lấy lại thị phần và đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường miền Trung, Vicem Hoàng Thạch đang tập trung đưa đội ngũ cốt cán từ kỹ thuật đến tiêu thụ vào Hải Vân. Đồng thời, chủ động nắm bắt sự thay đổi của thị trường để có chiến lược đẩy mạnh tiêu thụ.

Theo Tổng Giám đốc Vicem Hoàng Thạch Lê Thành Long: “Vicem Hoàng Thạch đang tập trung giải quyết nút thắt công nghệ; tối ưu hóa các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh; tăng cường kiểm soát, quản lý, đồng thời xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt, phù hợp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm..

Hy vọng với những giải pháp đồng bộ cùng sự quyết tâm chinh phục thị trường thì mục tiêu đặt ra: Sản xuất clinker là 3.261.000 tấn; xi măng là 3.770.000 tấn; sản phẩm tiêu thụ đề ra 5.070.0000 tấn; doanh thu thuần phấn đấu đạt 4.960 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 507 tỷ đồng; phấn đấu nộp ngân sách 323 tỷ đồng trong năm 2019 sẽ đạt như kỳ vọng.

Vũ Huyền

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/vicem-hoang-thach-ap-luc-tu-day-chuyen-1.html