Video 'siêu to khổng lồ' tràn lan vì người xem ngày càng dễ dãi
Bên cạnh vấn đề từ phía nền tảng phát hành, phân phối, không ít ý kiến cho rằng người xem cũng có một phần trách nhiệm khi các kênh chuyên làm video nhảm nở rộ.
Văn phòng Chính phủ mới đây có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiên cứu, xử lý loạt video có nội dung nhảm nhí đang tràn lan trên mạng xã hội.
Chiều 7/10, Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang xử phạt Nguyễn Văn Hưng (tức Hưng Vlog, 28 tuổi, ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang) 10 triệu đồng vì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Gần một tháng trước, YouTuber này vừa bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng video có tiêu đề "Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết".
Trước đó, kênh YouTube của Hưng Vlog thu hút gần 3 triệu người đăng ký khi thường xuyên chia sẻ clip troll người thân cho đến loạt video vô bổ như luộc trứng với tương ớt, luộc cá lóc với sinh tố dưa hấu, cho xe máy nổ hất văng nước để gội đầu…
Tương tự Hưng Vlog, hàng loạt kênh YouTube khác như Lâm Vlog, Thắng Cá Chép, Dương Ka, NTN Vlogs… dù bị chỉ trích vì thường chia sẻ nội dung tạp nham, vô giá trị, lại thu hút hàng nghìn, thậm chí hàng triệu lượt xem, lượt đăng ký.
Bên cạnh vấn đề từ phía nền tảng phát hành, phân phối những video này, không ít ý kiến cho rằng người xem cũng có một phần trách nhiệm. Có cầu thì mới có cung nên chính thị hiếu ngày càng dễ dãi của người dùng Internet đã dung túng, thúc đẩy sự nở rộ của các kênh chuyên làm video nhảm.
Cơn khát của người xem
Không chỉ ở Việt Nam, các video nhảm từ lâu đã phổ biến, được một bộ phận khán giả ưa chuộng tại nhiều quốc gia khác. Một bài phân tích của nhà báo Mason Sands đăng trên Forbes vào tháng 1 vừa qua khẳng định: “Sự lãng phí đã trở thành một ngành công nghiệp trên YouTube”.
Khi cuộn trang chủ và trang thịnh hành của YouTube không khó để bắt gặp các video với tiêu đề, nội dung gây sốc như: “1 triệu chiếc khăn giấy có thể thấm hết nước trong bể bơi”, “Đập 30 chiếc iPhone bằng búa” hay “Liệu 10.000 bao cao su có thể chặn đứng một viên đạn?”…
Không chỉ phô trương lãng phí, một số vlogger còn tự hào khoe khoang điều đó. Bởi họ biết rằng người hâm mộ của mình yêu thích chúng. Trong khi đó, đội ngũ sáng tạo nội dung mang đến giá trị thực sự lại thừa nhận họ không hiểu hết về thị hiếu của người xem ngày nay.
Allison Raskin là tác giả sách bán chạy nhất của New York Times và đồng sáng tạo kênh YouTube tên Just Between Us. Raskin tham gia nền tảng từ tháng 4/2014 và đã thực hiện hơn 300 video.
Nhưng đến hiện tại, kênh của cô chỉ dừng ở quy mô trung bình vì chuyên về các chương trình tư vấn bệnh tâm thần, cộng đồng LGBT và nhiều chủ đề khác mà YouTube cho là “không phù hợp với các nhà quảng cáo”.
Sự phổ biến rộng rãi của các video chơi khăm, cổ xúy bạo lực, trò đùa ngớ ngẩn, nguy hiểm trên trang thịnh hành của nền tảng khiến Raskin thực sự bối rối.
Còn YouTuber Anthony Padilla - người nổi tiếng với các video trò chuyện, phỏng vấn người thuộc nhóm thiểu số, thiệt thòi - cố gắng lý giải về sức hấp dẫn của các video nhảm nhí: “Những con số khổng lồ, sự việc bất thường kích thích mọi người nhấp chuột vào xem. Đa số có thể vì sự hiếu kỳ. Nhìn ai đó lãng phí cả đống tiền chỉ để làm điều gì đó lố bịch, vô nghĩa lại hấp dẫn một cách kỳ lạ”.
Đồng tình với ý kiến này, nhà báo Mason Sands giải thích con người luôn thích những thứ kỳ quặc. “Nó cũng giống như việc những kỷ lục lạ lùng, không mang nhiều ý nghĩa vẫn có trong sách kỷ lục Guinness. Cơn khát của chúng ta với những thứ kỳ lạ đã biến những hành vi đáng lo ngại như ném hàng triệu chiếc khăn giấy vào bể bơi hay thả hàng nghìn chai nhựa xuống biển trở thành chuẩn mực, thứ có thể kiếm ra tiền trên mạng”.
"Khẩu vị" ngày càng nặng
Trong thời gian đầu, những kênh chuyên chia sẻ các video vô bổ, nhảm nhí có thể thu về lượt xem, đăng ký cao nhờ yếu tố dị và sốc. Nhưng về sau, nếu không thể thỏa mãn được “khẩu vị” ngày càng nặng của người xem, kênh sẽ giảm tương tác và bị ảnh hưởng thu nhập đáng kể.
Geng Shuai là một YouTuber người Trung Quốc được biết đến với biệt danh “Edison vô dụng”. Anh chàng thu hút hàng triệu người theo dõi nhờ những phát minh nhảm nhí, thiếu thực tế.
Tuy nhiên, người hâm mộ luôn khuyến khích Geng thực hiện những thứ điên rồ hơn trước. Một số thậm chí đe dọa không hâm mộ nữa nếu anh phát minh thứ gì đó có tính thực tiễn. “Tôi nhận ra những phát minh nhỏ bây giờ không còn khiến họ thỏa mãn”.
Geng thừa nhận sở thích, sự hâm mộ kỳ lạ của người xem là động lực để anh cho ra đời những sản phẩm gần như không có ý nghĩa trong cuộc sống. Trên kênh cá nhân với hơn 2 triệu người đăng ký, chàng thợ hàn hoàn toàn có thể chia sẻ những clip bổ ích hơn với tay nghề của mình. Nhưng không, fandom cuồng nhiệt và kỳ quặc khuyến khích, chờ đợi anh làm điều điên rồ.
Geng cũng nhận về không ít ý kiến chỉ trích. Song không sao, đối với chàng trai này, sự chú ý - dù tốt hay xấu - đều giúp anh nổi tiếng và kiếm tiền.
Nội dung nhảm nhí lặp đi lặp lại nhiều lần rồi cũng trở nên bình thường trong mắt người xem. Những thứ “siêu to khổng lồ” nhưng mãi chỉ cùng một mô tuýp, cách thức rồi cũng khiến khán giả nhàm chán.
Chính vì vậy, các kênh làm video nhảm sẽ ngày càng trở nên nhảm nhí, vô bổ hơn để giữ chân người đăng ký, theo dõi. Cứ như thế, trong một vòng tròn luẩn quẩn, người sản xuất nội dung và khán giả của họ cứ nuông chiều, dung túng và thúc đẩy lẫn nhau để những video vô giá trị ngày càng phát triển trên nền tảng trực tuyến.
Khán giả phải là "người gác cổng"
Trong một bài viết trên BuzzFeed vào tháng 6 vừa qua, dù không đổ lỗi hoàn toàn cho khán giả, nhà báo Scaachi Koul cho rằng người xem có trách nhiệm không hề nhỏ khi các video nhảm nhí ngày càng phổ biến trên YouTube.
“Trong thế giới như YouTube, người dùng thực sự có thể xóa sổ ai đó bằng cách từ chối cho họ thời gian và sức lực. Không làm điều đó có nghĩa bạn chọn cách che chở, dung dưỡng họ”.
Bà Koul giải thích rằng không giống như báo in, truyền hình phát thanh và một số nền tảng trực tuyến khác, YouTube cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa lượt xem, lượt đăng ký với số tiền mà người sáng tạo nội dung thu được.
Sự nghiệp của các YouTuber có thể giống với hiệu ứng domino: Đầu tiên các video trở nên phổ biến, sau đó người xem tìm đến, kế tiếp các thương hiệu cung cấp tiền tài trợ, số tiền ngày càng lớn và cuối cùng sự nghiệp bùng nổ.
“Không giống như các hình thức truyền thông khác, trong thế giới YouTube, khán giả có thể trở thành người gác cổng. Tất nhiên, không hoàn toàn nhưng họ kiểm soát phần lớn việc ai sẽ nổi tiếng, video nào trở nên phổ biến trên nền tảng”.
Sự nghiệp của một YouTuber có thể tiêu tan nhanh như cách họ bắt đầu nếu mọi người ngừng xem video. Nếu không còn hàng triệu người đăng ký, sự chú ý sẽ giảm dần, sau đó các nhà quảng cáo ngừng trả tiền, YouTuber sẽ không còn động lực để thực hiện video nhảm, các trò đùa ngu ngốc, bất chấp nguy hiểm như trước.
“Vì vậy, cách tốt nhất để những sản phẩm ngớ ngẩn, vô giá trị không còn tồn tại là bạn chỉ cần ngừng xem chúng”, bà Koul kết luận.