Việc cần làm giúp giới trẻ nâng cao cảnh giác lừa đảo trực tuyến
Với tâm lý chủ quan, nhiều học sinh, sinh viên đã tự biến mình thành nạn nhân của các trò lừa đảo trực tuyến trên mạng.
Nhiều hình thức tinh vi
Thời gian gần đây, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, gây ra hậu quả khôn lường.
Đánh vào tâm lý dễ tin của một bộ phận học sinh, sinh viên, kẻ xấu đã dàn dựng kịch bản với những chiêu trò lừa đảo tinh vi, như dụ dỗ những người trẻ tham gia bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, còn có hình thức khác như mời làm việc trực tuyến ở nhà lương cao, cuộc gọi của các cơ quan chức năng; hoặc liên quan tới việc sử dụng các ứng dụng hoặc link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen, phát tán hình ảnh nhạy cảm của các bạn trẻ trên mạng...
Lê Ngọc Hà - sinh viên Trường Đại học Hà Nội chia sẻ nỗi buồn khi bị lừa trên mạng. Đầu năm, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, em lên mạng tìm công việc online để kiếm thêm thu nhập, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. Nữ sinh này thấy thông tin về một công ty muốn tìm người đánh máy online với chế độ 200 nghìn đồng/ngày, trả theo ngày. Nghĩ công việc này không khó, Hà đã đăng ký làm việc.
Hai ngày đầu, nữ sinh Trường Đại học Hà Nội làm việc theo thỏa thuận và được trả đủ 400 nghìn đồng vào tài khoản. Sang ngày thứ 3, “công ty” yêu cầu cô gái trẻ vào đường link có nhóm cộng tác viên làm một số công việc khác, lương sẽ cao hơn.
Hà muốn có thêm thu nhập nên đã tham gia. Họ yêu cầu cô “đầu tư” tiền để mua tài liệu online rồi chính “công ty” sẽ mua lại giá cao hơn giá gốc là 20%. Nữ sinh này đã chuyển toàn bộ số tiền mà gia đình mình gửi để đóng học, trả thuê trọ, tiền ăn trong thang… vào tài khoản mà phía “công ty” kia cung cấp. Vừa chuyển khoản xong thì cũng là lúc Hà không thể liên lạc được với “công ty”.
Theo cơ quan chức năng, những kẻ xấu chuyên thu gom các tài khoản ngân hàng bằng thủ đoạn tiếp cận nhóm người trẻ đã được cấp căn cước công dân là học sinh THCS, THPT để lôi kéo mở tài khoản ngân hàng và chúng sẽ mua lại tài khoản đó để sử dụng vào mục đích bất hợp pháp.
Sau khi thỏa thuận, các đối tượng cung cấp cho các em điện thoại di động có sẵn sim để ra ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản, đăng ký dịch vụ Internet Banking, SMS Banking, sau đó yêu cầu các em chuyển lại điện thoại, mật khẩu OTP ngân hàng gửi về số điện thoại đăng ký mở tài khoản cho đối tượng.
Sau khi thực hiện chúng trả cho các em từ 200 – 500 nghìn đồng/tài khoản. Ngoài ra, các đối tượng còn thu gom các thẻ ngân hàng, mã OTP của học sinh với giá từ 200 – 500 nghìn đồng/thẻ.
Sau khi có được tài khoản, những kẻ này sẽ trực tiếp thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chuyển tiền lòng vòng qua các tài khoản ngân hàng nhằm tránh sự phát hiện, điều tra của cơ quan công an hoặc sẽ bán lại cho các tổ chức lừa đảo…
Kẻ xấu nhằm vào người trẻ
Sự phát triển của Internet hiện nay đạt đến mức độ mà khoảng cách giữa không gian thực tế và không gian ảo gần như không còn. Bên cạnh tác động tích cực, không gian mạng đang ngày càng bộc lộ những hạn chế, tác động tiêu cực đến đời sống cả vật chất và tinh thần đối với người trẻ. Cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo nhưng hằng ngày, hằng giờ vẫn có những vụ việc như lừa đảo diễn ra với những tình huống cũ hoặc phát sinh mới.
Ông Nguyễn Nhất Linh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang cho biết: “Có rất nhiều hình thức lừa đảo nhắm đến học sinh, sinh viên. Thống kê cho thấy, các nguy cơ ảnh hưởng tới người trẻ gồm: Bị đánh cắp danh tính cá nhân (vướng vào các rắc rối với pháp luật dù mình không hề vi phạm); bị bắt nạt trực tuyến (xuất hiện ngày càng nhiều, ảnh hưởng tới tâm lý, thậm chí gây trầm cảm); quấy rối tình dục trên không gian mạng; một số tệ nạn khác như buôn bán người, nghiện game, lừa đảo trực tuyến, xem hoặc tiếp cận với các nội dung trái phép, tiếp xúc với tin giả”.
Theo cơ quan chức năng, đây là thủ đoạn phạm tội nhắm tới các học sinh ở độ tuổi chưa có nhận thức đầy đủ về pháp luật, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo. Nếu không có biện pháp phòng ngừa từ sớm sẽ rất dễ trở thành mối nguy hại lớn cho xã hội, tạo điều kiện cho hoạt động phạm tội lừa đảo, rửa tiền...
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, phụ huynh, đặc biệt là các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh, sinh viên cảnh giác trong việc mở, sử dụng, quản lý tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân; tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng;
Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội; Không cung cấp thông tin căn cước công dân cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội; Cảnh giác và bảo vệ thông tin cá nhân (bao gồm cả dữ liệu khuôn mặt) một cách cẩn thận. Nếu nghi ngờ thông tin tài khoản cá nhân lộ, lọt, phải liên hệ với ngân hàng để chủ động khóa tài khoản ngân hàng ngay, hạn chế rủi ro phát sinh.
Trong trường hợp bị mất giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng, học sinh, sinh viên cần trình báo cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ, thông báo cho ngân hàng để khóa thẻ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng không liên quan đến các giao dịch trong thời gian bị mất.
Khi phát hiện bất kỳ hoạt động mua, bán tài khoản ngân hàng nào, công dân, nhất là nhóm người trẻ có thể thông qua bố mẹ, người thân, hoặc thầy cô báo ngay với cơ quan công an để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.