Việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh vừa có cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh phát biểu ý kiến tại buổi giám sát.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh phát biểu ý kiến tại buổi giám sát.

Kết quả đạt được

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các ĐVSNCL và trên cơ sở các quy định của Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh ban hành các kế hoạch về tổ chức học tập, quán triệt thực hiện nghị quyết.

Cùng với việc học tập, quán triệt nghị quyết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh ban hành đầy đủ các kế hoạch, đề án, quyết định triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19, góp phần đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các ĐVSNCL.

Ngay từ đầu, việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các ĐVSNCL đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sâu sát đến tất cả các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh, từ khâu quán triệt triển khai học tập, đến việc xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, định hướng nội dung thực hiện. Trong đó, xác định lộ trình cụ thể để làm ngay đối với việc đã rõ, thí điểm những việc mới mà nghị quyết yêu cầu; ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo hướng dẫn để địa phương, đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Do vậy, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, đúng mục đích, yêu cầu kế hoạch đề ra, tạo sự thống nhất, tập trung trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tạo nên chuyển biến mạnh mẽ và quyết tâm thực hiện các mục tiêu của nghị quyết trong toàn hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Song song đó, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy được ban hành trên cơ sở định hướng của Trung ương, đã khảo sát tình hình thực tiễn tại địa phương và được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng thành đề án, xác định rõ mục tiêu, định hướng cho từng giai đoạn, giải pháp và phân công thực hiện cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị nên có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn, thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện ở cơ sở.

Việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và thực hiện quy định điều động luân phiên giáo viên công tác trong các ĐVSNCL từ nơi thừa đến nơi thiếu trên địa bàn tỉnh góp phần từng bước giải quyết tình trạng thừa, thiếu, mất cân đối về cơ cấu và bất cập về trình độ đối với đội ngũ viên chức và người lao động của tỉnh, đặc biệt là đội ngũ giáo viên.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh chất lượng đội ngũ viên chức được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xử lý, giải quyết công việc và trình độ ngoại ngữ ngày một tốt hơn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc thực hiện hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Chính phủ.

Việc giao quyền tự chủ tài chính đối với các ĐVSNCL theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, ngày 21/6/2021 của Chính phủ được đẩy mạnh, góp phần giảm áp lực về biên chế và chi ngân sách nhà nước trong thực hiện các dịch vụ công, đặc biệt là các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực y tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số 19 của Trung ương trong thời gian tới.

Việc cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công của các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cơ bản đảm bảo chất lượng, chủ yếu tại các vùng thuận lợi, có điều kiện về xã hội hóa cao. Có nhiều đơn vị cung ứng các dịch vụ có chất lượng cao, phục vụ tốt, cơ sở khang trang, hiện đại, giúp người dân tiếp cận đa dạng các dịch vụ, góp phần giảm tải cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, đồng thời, tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ.

Những hạn chế, bất cập

Qua công tác giám sát cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật cụ thể hóa Nghị quyết số 19 được Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương chú trọng ban bành cơ bản đầy đủ, kịp thời, làm cơ sở cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực việc ban hành các quy định để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn chậm, chưa có quy định, như: ngoài lĩnh vực giáo dục và y tế thì các lĩnh vực khác chưa có hướng dẫn về định mức số người làm việc; việc ban hành hướng dẫn danh mục vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp còn chậm; chưa có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập ra ngoài công lập; các quy định về phân loại xếp hạng đối ĐVSNCL đã ban hành từ trước năm 2006, đến nay, nhiều tiêu chí xếp hạng không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về Ban hành chương trình giáo dục phổ thông thay thế Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT, ngày 05/5/2006, nhưng các điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất ở một số cơ sở giáo dục công lập còn thiếu để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Việc thực hiện tự chủ về tài chính và xã hội hóa đối với sự nghiệp giáo dục còn chậm, nên khó đạt được mục tiêu đến năm 2026 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương ngân sách nhà nước so với năm 2021 (biên chế của sự nghiệp giáo dục và đào tạo hiện chiếm 82,32% so với tổng biên chế toàn tỉnh giao năm 2021), một số ngành, lĩnh vực chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí, do đó còn khó khăn trong việc xây dựng giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Hầu hết các bộ, ngành chưa ban hành danh mục đơn vị sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức lại các ĐVSNCL.

Việc ban hành văn bản để triển khai, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh cơ bản kịp thời, đồng bộ và đầy đủ theo quy định. Thực hiện đầy đủ đúng quy định về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ĐVSNCL. Kết quả đã đạt được những nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại hệ thống ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn một số khó khăn, hạn chế, như: thành lập mới đơn vị sự nghiệp, việc thực hiện chuyển đổi các ĐVSNCL có đủ điều kiện sang công ty cổ phần tiến độ còn chậm… Mặt khác, sau khi sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL, số lượng viên chức lãnh đạo, quản lý dôi dư nhiều nên phải sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách rất lớn, đây là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, quá trình sắp xếp, tổ chức lại phải thực hiện theo quy trình và phải có thời gian, nên trong thời gian này có tình trạng viên chức ở những đơn vị dự kiến sắp xếp, tổ chức lại có tư tưởng lo lắng, không yên tâm công tác, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Sau khi thực hiện cắt giảm số lượng biên chế cán bộ, công chức và biên chế viên chức của giai đoạn 2016 - 2021 thì hiện nay, biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của khối chính quyền của tỉnh còn ít, nếu tiếp tục thực hiện giảm 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước và 05% biên chế cán bộ, công chức thì gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, vì không đủ số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện nhiệm vụ được giao. Các ĐVSNCL cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu chưa đảm bảo về nguồn thu để nâng mức tự chủ về tài chính.

Bên cạnh đó, vẫn còn có một số đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên báo cáo khó khăn về tài chính trong quá trình hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh và tình hình kinh tế chung của tỉnh. Trường hợp quyết định điều chỉnh phân loại sang mức độ tự chủ thấp hơn, tỉnh sẽ khó khăn trong việc giao biên chế.

Hiện nay, tỉnh còn tồn tại 195 viên chức trong các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Thời gian qua, tỉnh đã cố gắng sắp xếp để chuyển đổi sang công chức để đảm bảo việc quản lý, sử dụng đúng quy định, tuy nhiên, do biên chế công chức của tỉnh ít và phải cắt giảm theo lộ trình giai đoạn 2016 - 2021 nên việc chuyển đổi chưa hoàn thành.

Để khắc phục tồn tại trên, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, trình cấp có thẩm quyền bổ sung cho tỉnh 195 biên chế công chức để chuyển đổi với số viên chức trong các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo đúng quy định (Bộ Nội vụ chưa có ý kiến phản hồi).

Từ năm 2016 - 2022, Bộ Nội vụ không thẩm định biên chế viên chức trong các tổ chức Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi tỉnh và tách ra thành mục riêng về biên chế của Hội để quản lý cho phù hợp với quy định. Do đó, để có cơ sở cho cơ quan tham mưu hỗ trợ kinh phí để các tổ chức hội thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, hàng năm (từ năm 2016 - 2022), UBND tỉnh trình HĐND tỉnh giao định mức biên chế cho các tổ chức Hội (từ năm 2020 - 2022 giao ổn định 105 biên chế). Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 72-QĐ/TW có quy định: “Chính quyền địa phương (gồm UBND và HĐND cấp tỉnh trở xuống; đơn vị sự nghiệp công lập, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở địa phương…”. Do đó hiện nay, tỉnh đang gặp khó khăn về cân đối nguồn biên chế viên chức để giao cho các tổ chức Hội.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL và Thông tư số 56/2022/TT-BTC, ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL mới ban hành, tuy nhiên, một số lĩnh vực còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, chưa kịp thời rà soát, xây dựng phương án tự chủ theo quy định.

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, ngày 21/6/2021 của Chính phủ. Việc thực hiện tự chủ tại các đơn vị còn chưa đồng đều do yếu tố về địa bàn, lĩnh vực hoạt động: các đơn vị có thu nhập cao chủ yếu tập trung tại trung tâm, thành phố; nguồn thu chủ yếu từ phí do nhà nước ban hành; một số lĩnh vực đã xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước… Đối với các đơn vị có thu nhập thấp do cơ chế chính sách không cho phép thu hoặc đóng tại địa bàn khó khăn. Thu nhập của người lao động giữa các loại hình đơn vị sự nghiệp có sự chênh lệch lớn, chưa phản ánh đúng sự đóng góp của người lao động.

Việc chuyển các ĐVSNCL từ đảm bảo một phần kinh phí sang tự chủ toàn bộ kinh phí còn hạn chế, tiến độ chậm. Việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên đối với đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí và đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động còn theo định mức bình quân của cơ quan hành chính nhà nước (do chưa xây dựng được định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá dịch vụ sự nghiệp công), chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí nên còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước và cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình đẩy nhanh xã hội hóa đối với những dịch vụ công.

Một số bộ, ngành Trung ương chưa rà soát các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, ban hành nên các cơ quan, đơn vị địa phương theo lĩnh vực còn lúng túng trong tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành danh mục áp dụng tại địa phương. Hiện tại, thực hiện theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, tại địa phương mới trình HĐND tỉnh ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công trong 05 lĩnh vực vực (giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường, văn hóa, thể thao và du lịch). Việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật của các bộ, ngành ban hành còn chậm, vì vậy, việc xây dựng giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước tại địa phương còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc nâng cao mức độ tự chủ của các ĐVSNCL…

Qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh đề xuất nhiều nhóm giải pháp về thể chế chính sách, về tổ chức thực hiện, về nguồn lực và có nhiều ý kiến, kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ: Nội vụ, Tài chính, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo và tỉnh Trà Vinh về những vấn đề có liên quan, nhằm góp phần cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn.

Bài, ảnh: KIM LOAN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/viec-doi-moi-he-thong-to-chuc-va-quan-ly-nang-cao-chat-luong-hieu-qua-hoat-dong-cua-cac-don-vi-su-nghiep-cong-lap-35784.html