Việc dư thừa tàu chở LNG có giúp hạ nhiệt giá khí đốt?

Các tàu chở LNG đang được chế tạo nhanh hơn tốc độ cung cấp nhiên liệu LNG mới ra thị trường, giúp giảm chi phí vận chuyển và giúp người tiêu dùng không phải trả nhiều tiền hơn cho năng lượng trong mùa đông năm nay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chi phí thuê tàu chở LNG trong thời gian ngắn đã giảm xuống mức thấp nhất trong thời điểm này kể từ ít nhất năm 2018, dữ liệu từ công ty môi giới tàu Fearnleys A/S cho thấy. Giá cước vận chuyển thường tăng vọt vào thời điểm trước mùa sưởi ấm. Nhưng thay vào đó, giá cước đã giảm kể từ tháng 8.

“Các tàu sẵn có hơn so với hàng hóa”, Thomas Thorkildsen, Giám đốc thương mại tại công ty chủ tàu Höegh Evi cho biết. “Khi bạn đặt làm một con tàu ở Hàn Quốc hay Trung Quốc, thường thì họ sẽ giao hàng đúng hạn, nhưng có lúc hàng sẽ bị giao chậm hơn”.

Sự thay đổi trong mô hình thương mại toàn cầu cũng là một yếu tố khiến thị trường có sẵn nhiều tàu LNG hơn, do các tàu chở LNG ngày càng ở lại trong khu vực Đại Tây Dương hoặc Thái Bình Dương, vì chúng tránh các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Biển Đỏ. Điều đó có nghĩa là khí đốt đang được tiêu thụ gần nơi sản xuất hơn, góp phần vào tình trạng dư thừa tàu.

Trong khi tình trạng dư thừa tàu chở phản ánh sự mất cân bằng tạm thời trên thị trường, thì đây lại là tin tốt cho người tiêu dùng. Tại châu Âu, giá khí đốt đang ở mức gần cao nhất trong năm nay — thậm chí trước khi mùa sưởi ấm mùa đông bắt đầu — một phần là do xung đột địa chính trị ở Ukraine, Nga và Trung Đông.

Châu Âu và Châu Á cạnh tranh để giành được một lượng hạn chế nguồn cung cấp LNG toàn cầu, và cả hai khu vực đều dựa vào nhiên liệu này như một cầu nối từ nhiên liệu hóa thạch bẩn hơn sang năng lượng tái tạo.

Để phục vụ nhu cầu này, các tàu mới đã được đưa ra thị trường với tốc độ ngày càng tăng. Tổng cộng có 36 tàu chở ghi nhận lần tải đầu tiên từ đầu năm đến nay, so với 30 tàu vào năm 2023, theo dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg. Số lượng đặt hàng tàu chở mới cũng đang tăng lên trước sự mong đợi về sự bùng nổ nguồn cung LNG vào cuối thập kỷ này.

Trong khi đó, một số nguồn cung mới vẫn tiếp tục bị trì hoãn. Việc khởi động dự án xuất khẩu LNG Golden Pass tại Texas, do QatarEnergy LNG và Exxon Mobil Corp. đồng sở hữu, đã bị trì hoãn cho đến ít nhất là cuối năm 2025, sau một cuộc tranh chấp với nhà thầu.

Kế hoạch mở rộng Corpus Christi của Cheniere Energy Inc. sẽ bắt đầu sản xuất LNG trong năm nay nhưng sẽ kéo dài thời gian tăng tốc đến cuối năm 2026. Dự án Costa Azul của Sempra tại Mexico hiện dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 2026, chậm hơn một năm so với mục tiêu ban đầu. Dự án Plaquemines LNG của Venture Global tại Louisiana vẫn đang trong quá trình đưa vào vận hành, mặc dù dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.

Kết quả là, giá cước vận chuyển giao ngay trong quý IV ở cả lưu vực Đại Tây Dương và Thái Bình Dương đã giảm xuống dưới 50.000 đô la một ngày lần đầu tiên trong 5 năm, theo dữ liệu từ Spark Commodities. Giá cước vận chuyển ở Đại Tây Dương của công ty là 30.250 đô la một ngày tính đến thứ Năm 17/10, mức thấp nhất cho đến nay trong năm 2024.

Giá khí đốt cao hơn ở châu Âu cũng thúc đẩy nhiều LNG của Hoa Kỳ được vận chuyển qua Đại Tây Dương. Trong khi đó, nguồn cung LNG của Qatar cho châu Âu đã giảm, với khối lượng lớn hơn được chuyển đến châu Á, dữ liệu theo dõi tàu cho thấy.

Yến Anh

Bloomberg

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/viec-du-thua-tau-cho-lng-co-giup-ha-nhiet-gia-khi-dot-719281.html