Việc hỗ trợ doanh nghiệp ở địa phương chỉ ở mức trên trung bình!

Nếu tính trên tổng thể DN tham gia khảo sát, thì con số DN do phụ nữ làm chủ đang được hưởng một trong các chính sách hỗ trợ chỉ xung quanh mức 20-30% tùy ngành nghề và khu vực địa lý.

Đây là thông tin được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam – Đánh giá của các doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy định nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ DN do phụ nữ làm chủ và Nghị định 39/2018/NĐ-CP23 tiếp tục khẳng định nguyên tắc này. Thế nhưng, dường như các cơ quan hỗ trợ vẫn chưa chủ động cung cấp mà họ phải “chờ” DNNVV do nữ làm chủ tìm đến và hỗ trợ khi đủ điều kiện.

Điều này cho thấy, mặc dù đủ điều kiện, có biết về chính sách hỗ trợ DN nhưng tỷ lệ DN do phụ nữ làm chủ được hưởng hỗ trợ trên thực tế vẫn khiêm tốn và lĩnh vực có nhiều DN nhất lại có tỷ lệ được hưởng hỗ trợ ít nhất.

“Nếu tính trên tổng thể DN tham gia khảo sát, thì con số DN do phụ nữ làm chủ đang được hưởng một trong các chính sách hỗ trợ chỉ xung quanh mức 20-30% tùy ngành nghề và khu vực địa lý”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nói.

Đánh giá của DN do nữ làm chủ về chính sách hỗ trợ tại các địa phương

Đánh giá của DN do nữ làm chủ về chính sách hỗ trợ tại các địa phương

Thực tế cho thấy tại mỗi sở, ngành của các tỉnh, đều có bộ phận và cán bộ cung cấp các dịch tư vấn hỗ trợ DN, chủ yếu vào những vấn đề sau: Hỗ trợ, hướng dẫn DN thực hiện các TTHC; Tập trung tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho DN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua các hội nghị đối thoại chính quyền/sở ngành với DN, hoặc tiếp nhận giải quyết khó khăn vướng mắc thông qua các bộ phận một cửa tại các sở ngành của tỉnh; Cung cấp thông tin qua các khóa đào tạo, tập huấn…

Tuy nhiên, để nhận được hỗ trợ thì thủ tục, hồ sơ không đơn giản. Kết quả điều tra PCI 2018 cho thấy có tới 46% DN trong lĩnh vực công nghiệp, 42% DN trong lĩnh vực xây dựng, 35% DN trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và 35% trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản không cho rằng thủ tục, hồ sơ nhận các chính sách hỗ hỗ trợ là đơn giản.

Nghiên cứu PCI cũng chỉ ra rằng sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh (từ tìm kiếm thông tin kinh doanh xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật, dịch vụ về công nghệ, đào tạo về quản trị DN, dịch vụ về lao động…) trừ 5 thành phố trực thuộc trung ương, thì tại phần lớn các tỉnh, thành còn rất hạn chế, thậm chí có chất lượng thấp.

Điều này một phần lý giải cho việc các DN hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nhiều DN phải tạm ngưng hoạt động, giải thể… khi họ không tìm kiếm được những dịch vụ tư vấn, hỗ trợ DN cần thiết cho quá trình tái cơ cấu để duy trì hoạt động.

Theo đánh giá từ các DN do phụ nữ làm chủ, dù theo quy mô hay theo lĩnh vực hoạt động thì điểm số hỗ trợ DN ở địa phương chỉ ở mức trên trung bình (từ 6,2 đến 6,5 điểm/10).

Kết quả này còn thể hiện có tình trạng những DN lớn tiếp cận thông tin về các chương trình hỗ trợ DN của tỉnh tốt hơn, dẫn đến các DN lớn tận dụng được các chương trình hỗ trợ, trong khi đối tượng cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ là các DN nhỏ thì lại không biết và khó tiếp cận. Điều này minh chứng phần nào cho nhận định lâu nay rằng các cơ quan nhà nước có “ưu ái” hơn tới các DN lớn, kể cả khi tham vấn trong các vấn đề liên quan đến DN.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa có chương trình phát triển các dịch vụ hỗ trợ DN một cách tổng thể. Các kế hoạch chương trình hỗ trợ DN thường bị chia nhỏ theo từng năm và giới hạn trong nội bộ từng sở, ngành, chính vì vậy hiệu quả của hoạt động thường kém, không có tác động rõ rệt, thêm vào đó còn gây ra rất nhiều lãng phí về mặt kinh tế và kém hiệu quả trong sử dụng ngân sách nhà nước.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/viec-ho-tro-doanh-nghiep-o-dia-phuong-chi-o-muc-tren-trung-binh-174450.html