'Việc nhẹ, lương cao' tại Campuchia - 'Bẫy' lừa mua bán người
Lợi dụng sự cả tin và lòng tham của một số người, những đối tượng xấu dùng thủ đoạn tinh vi để dụ dỗ, lôi kéo họ sang Campuchia làm việc. Khi đến 'đất khách quê người', các nạn nhân mới vỡ mộng vì bị ép buộc phải làm những công việc lừa đảo.
Bẫy “việc nhẹ, lương cao”
Thượng tá Trịnh Nguyên Lượng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) thông tin: “Trước kia, các đối tượng mua bán người chủ yếu dưới danh nghĩa môi giới hôn nhân, đưa phụ nữ sang Trung Quốc lấy chồng. Vài năm gần đây xuất hiện thủ đoạn đưa người xuất cảnh sang nước thứ hai hoặc nước thứ ba (chủ yếu là sang Campuchia) với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”, chỉ làm những công việc gia đình gần giống “osin” nhưng có thu nhập cao hơn nhiều so với ở nhà. Nghe quảng cáo hấp dẫn là vậy nhưng thực tế khác hẳn. Các đối tượng mua bán người dụ dỗ, đưa người xuất cảnh sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Sau đó chúng đưa đến các đặc khu kinh tế gần biên giới được xây biệt lập, có hàng rào thép gai, có camera giám sát và bảo vệ canh gác nghiêm ngặt.
Tại đây, người lao động bị giao chỉ tiêu, ép làm những việc mà Chính phủ Campuchia và các hiệp ước quốc tế giữa Campuchia với Việt Nam chưa cho phép. Nhiều nhất là làm tại các cơ sở chuyên tổ chức đánh bạc và lừa đảo trên không gian mạng, thậm chí cả phục vụ cho hoạt động mại dâm... Người lao động nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đạt chỉ tiêu sẽ bị đánh đập, quay phim gửi cho gia đình để đòi tiền chuộc.
Ngày 19/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hiệp Hòa đã ra Lệnh tạm giam đối với Trần Xuân Trường (SN 2004), trú tại phường Bắc Sơn, TP Phổ Yên (Thái Nguyên) về tội “Mua bán người”. Từng là nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia hồi đầu năm 2024, do làm không đạt chỉ tiêu, bị dọa đánh nên Trường đã nhắn gia đình chuyển 25 triệu đồng để được chuộc về nước. Được vài tháng, Trường được mời sang làm phụ bếp, nấu cơm với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra nếu đưa được người nào sang sẽ được trả tiền hoa hồng hậu hĩnh. Trường đã dụ dỗ được anh V (quê huyện Lục Ngạn) và nhận hoa hồng 5 triệu đồng. Tiếp tục hành vi tội lỗi, ngày 4/7, Trường được trả công để đón cháu T.A.T (SN 2007) trú tại huyện Hiệp Hòa và cháu H.V.L (SN 2007), trú tại huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) vào TP Hồ Chí Minh để bán sang Campuchia. Trên đường đi, Trường bị Công an bắt giữ.
Ngày 23/7, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lưu Trường An (SN 2002) ở huyện Mê Linh (TP Hà Nội) và Nguyễn Thanh Sáng (SN 1979) ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Đầu tháng 12/2023, An bàn bạc với Sáng lên Facebook đăng thông tin tuyển người sang Campuchia với mức lương 25 triệu đồng/người/tháng. Anh H (quê ở Bắc Giang) đọc được bài đăng tuyển lao động nên đã nhắn tin cho An và được đối tượng tư vấn sang Campuchia làm việc về máy tính. Thế nhưng thực tế công việc của anh H là gọi điện cho những người Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tiền. Do không làm được nên anh bị đánh đập, bắt viết giấy nợ rồi gọi điện về cho người nhà gửi sang 176 triệu đồng mới cứu được con về. Trở về nước, anh H đã làm đơn tố cáo đường dây buôn bán người này.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự, qua khảo sát trên địa bàn tỉnh có hàng chục lượt người đã trở về sau khi sang Campuchia làm việc. Phần đông những người này khi sang đến nơi thấy công việc không phù hợp nên đã tự về Việt Nam, không thông tin với cơ quan chức năng.
Nâng cao cảnh giác
Thiếu cảnh giác và cả hám lời nên không ít người đã bị dẫn dụ sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” dẫn đến bị mua bán. Chúng thuê các nhóm người Việt Nam chuyên hoạt động môi giới đăng bài trên mạng xã hội, các trang tìm kiếm việc làm với mức lương hấp dẫn, sẵn sàng ứng tiền công trước để dụ dỗ người lao động. Sang đến nơi, các nạn nhân bị thu giữ toàn bộ giấy tờ cá nhân, đưa vào các khu sòng bạc, được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các người khác tham gia đánh bạc trên mạng. Bị áp đặt doanh thu, nếu không đủ sẽ phải đóng tiền phạt; thậm chí còn bị “giam lỏng” nên không thể nào bỏ trốn. Muốn về Việt Nam phải đưa cho chúng hàng trăm triệu đồng mới được thả.
Giai đoạn 2020-2023, Công an tỉnh tiếp nhận, giải quyết 4 vụ án mua bán người; giải cứu 20 người dân địa phương xuất cảnh lao động bị xâm hại sức khỏe; tiếp nhận, giúp đỡ 4 nạn nhân bị mua bán trở về địa phương hòa nhập với cộng đồng.
Hệ lụy của mua bán người kéo theo nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Để ngăn chặn, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh yêu cầu tuyên truyền thường xuyên, liên tục về phương thức, thủ đoạn phạm tội để người dân cảnh giác. Cơ quan chức năng tập trung làm tốt công tác phòng ngừa; nắm chắc số người địa phương thường xuyên xuất cảnh trái phép và số phụ nữ lấy chồng nước ngoài để răn đe. Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tội phạm mua bán người.
Tỉnh Bắc Giang đang phát triển mạnh công nghiệp, nhu cầu lao động rất lớn. Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các địa phương khác trên cả nước để xúc tiến thu hút lao động. Thanh niên địa phương có nhiều cơ hội chọn việc làm tốt ngay trên chính quê hương mình. Vì vậy, để tránh mắc bẫy của các đối tượng mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật; không tin theo những lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” ở Campuchia. Khi có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, liên hệ với các cơ quan chức năng tại địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ và tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động. Trong trường hợp công dân bị dụ dỗ, lừa gạt, lôi kéo đi lao động và bị cưỡng bức lao động thì báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ giải quyết, tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang".