Việc thực hiện các dự án nạo vét lòng hồ phải chặt chẽ, đúng quy định
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu, các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan chủ động lập phương án, kế hoạch thực hiện nạo vét lòng dẫn, bãi bồi các sông và lòng hồ công trình thủy lợi, thủy điện phải chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình, quy định.
Sáng 30/10, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan để cho ý kiến các nội dung, gồm: Thực hiện các dự án nạo vét lòng hồ công trình thủy lợi (CTTL), thủy điện trên địa bàn tỉnh; phương án nạo vét cát, đất bồi lấp trong lòng hồ công trình đầu mối thủy lợi Thạch Nham; thực hiện nạo vét lòng dẫn, bãi bồi sông Vệ đoạn qua xã Đức Lợi (Mộ Đức); đề xuất phương án nạo vét, khơi thông khu vực Cửa Đại và sông Phú Thọ, đoạn từ thôn Tân Thạnh đến Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi).
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đã trao đổi, thảo luận, đồng thời đề xuất và kiến nghị giải pháp, hướng tổ chức thực hiện đối với các nội dung trên, cụ thể:
Đối với các CTTL có khối lượng, quy mô nạo vét không lớn, sản phẩm nạo vét chủ yếu phục vụ san lấp công trình hoặc đổ bãi thải thì tiếp tục giao cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác CTTL làm chủ đầu tư; việc tổ chức thực hiện theo hướng chủ đầu tư chịu trách nhiệm và chủ động cân đối sử dụng nguồn kinh phí từ thu hồi cát, đất nạo vét trong lòng hồ. Với các CTTL có khối lượng, quy mô nạo vét lớn, sản phẩm nạo vét chủ yếu phục vụ xây dựng công trình, thì việc tổ chức nạo vét theo phương thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
Đối với phương án tổ chức nạo vét cát, đất bồi lấp trong lòng hồ công trình đầu mối Thạch Nham thì, quy mô, khối lượng nạo vét lòng hồ chia thành 3 phần tương ứng với thời gian thực hiện 3 năm, mỗi năm tổ chức lập 1 dự án (Báo cáo kinh tế kỹ thuật) nạo vét, vốn đầu tư khoảng 11 tỷ đồng/dự án. Kinh phí tổ chức thực hiện, năm 2025, tỉnh hỗ trợ ngân sách từ nguồn chi thường xuyên cho Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Quảng Ngãi; năm 2026 - 2027 sử dụng nguồn thu từ bán đấu giá vật chất nạo vét.
Đối với việc thực hiện nạo vét lòng dẫn, bãi bồi sông Vệ, đoạn qua xã Đức Lợi (Mộ Đức), tình trạng bồi tụ, xói lở vùng Cửa Lở ngày càng phức tạp, việc nạo vét khơi sâu khu vực cửa sông giúp tàu cá ra vào nhưng dẫn đến nguy cơ xói lở bờ, xâm nhặp mặn sâu hơn vào trong sông và tác động xấu đến môi trường nước vùng cửa sông. Bên cạnh đó, khu vực cửa sông thường có biến động mạnh, luồng lạch dễ bị bồi lấp trở lại sau khi nạo vét khơi thông. Vì vậy, cần tiếp tục theo dõi, đánh giá thực trạng và phương án thực hiện.
Đối với phương án nạo vét, khơi thông khu vực Cửa Đại và sông Phú Thọ, đoạn từ thôn Tân Thạnh đến Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí có mục tiêu ngân sách TP.Quảng Ngãi và giao UBND thành phố tổ chức thực hiện. Đồng thời tỉnh xem xét giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Cổ Lũy, đảm bảo phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 3/7/2024.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu, các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan chủ động lập phương án, kế hoạch thực hiện nạo vét lòng dẫn, bãi bồi các sông và lòng hồ CTTL, thủy điện phải chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình, quy định. Đồng thời chịu trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin phương án, kế hoạch, đảm bảo phát huy mục tiêu và hiệu quả của hoạt động nạo vét.
Riêng Phương án nạo vét cát, đất bồi lấp trong lòng hồ công trình đầu mối thủy lợi Thạch Nham, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc nạo vét là cần thiết, để phát huy hiệu quả công trình. Do đó, Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Quảng Ngãi có trách nhiệm xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn, trong đó làm rõ nguồn kinh phí đầu tư và phương án sử dụng nguồn vật chất từ nạo vét.
Đối với việc thực hiện nạo vét lòng dẫn, bãi bồi sông Vệ, đoạn qua xã Đức Lợi (Mộ Đức), giao Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với UBND các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa theo dõi diễn biến bồi lấp lòng dẫn, bãi bồi sông Vệ. Đồng thời tham vấn cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia, đơn vị tư vấn chuyên ngành…, để đánh giá tổng thể thực trạng và lựa chọn phương án thực hiện khả thi nhất, báo cáo tỉnh vào thời điểm thích hợp.