Viện Kiểm sát kháng nghị bản án vi phạm nghiêm trọng việc áp dụng pháp luật
Kiểm sát bản án sơ thẩm, VKSND thị xã Gò Công (Tiền Giang) nhận thấy, Tòa án cấp sơ thẩm có nhận định mâu thuẫn, vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, cần thiết phải kháng nghị phúc thẩm bản án này.
Nội dung vụ án
Vào khoảng 22h30’, ngày 23/12/2018, Nguyễn Văn Mười (ngụ số 12Q Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6, TP Hồ Chí Minh), điều khiển xe mô tô 2 bánh nhãn hiệu Wave Alpha BKS số 59F1-465.11 đến rủ Phạm Thị Ánh Tuyết (ngụ C6/24 Tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) đi trộm cắp xe mô tô ba bánh (xe ba gác máy) ở thị xã Gò Công (Tiền Giang), được Tuyết đồng ý. Để thực hiện tội phạm, Mười chuẩn bị 01 kìm cộng lực, 01 biển số xe giả 61L7-4712, 01 giấy đăng ký xe giả biển số 61L7-4712, 01 kìm nhỏ, 01 chìa khóa số 10 và 01 chìa khóa hình chữ L.
Mười chở Tuyết từ hướng TP Hồ Chí Minh về thị xã Gò Công. Sau khi chạy qua cầu Mỹ Lợi, Mười thấy có 01 xe mô tô ba bánh BKS 63H5-2528 của anh Đào Ngọc Hiếu (ngụ ấp Ông Cai, xã Tân Trung, thị xã Gò Công), đang để trong sân nhà. Quan sát xung quanh thấy không có người, Mười điều khiển xe quay lại và đậu xe bên kia đường, kêu Tuyết trông chừng xe, cảnh giới. Mười đi bộ sang đường, dùng kìm cắt ổ khóa, mở cửa rào, đẩy xe ra ngoài đường, bứt dây điện để khởi động máy điều khiển chạy về hướng TP Hồ Chí Minh, Tuyết điều khiển xe mô tô 59F1-465.11 chạy theo phía sau. Chạy được một đoạn, Mười dừng xe, thay biển số giả 61L7-4712 đã mang theo trước đó. Sau đó, Mười và Tuyết tiếp tục điều khiển xe chạy về hướng TP Hồ Chí Minh, đến trạm thu phí cầu Mỹ Lợi thuộc ấp Hồng Rạng, xã Bình Đông, thị xã Gò Công thì bị Công an thị xã Gò Công bắt giữ.
Ngoài ra, vào khoảng 22h, ngày 7/11/2018, Mười điều khiển xe mô tô BKS 59F1-46511 rủ Tuyết đi trộm xe mô tô ba bánh. Đến đoạn đường trước cửa hàng vật liệu xây dựng Tấn Phát, thấy xe mô tô ba bánh BKS 61L8-3456 dựng trong cửa hàng, bên ngoài có rào lưới B40, quan sát xung quanh không có người, Mười kêu Tuyết đứng bên ngoài giữ xe, rồi kéo lưới B40 sang một bên, đi vào trong bứt dây điện và điều khiển xe chạy về hướng TP Hồ Chí Minh, Tuyết điều khiển xe mô tô BKS 59F1-465.11 chạy phía sau. Trộm được xe, Mười đem xe bán cho một người đàn ông không rõ lai lịch được 7.000.000 đồng. Số tiền này, thỉnh thoảng Mười cho Tuyết từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng, còn lại Mười tiêu xài cá nhân hết.
Theo kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thị xã Gò Công, xe mô tô nhãn hiệu LONCIN, loại ba bánh, biển số 63H5-2528 có giá 15.750.000 đồng; còn xe mô tô ba bánh biển số 61L1-3456, có giá 15.000.000 đồng.
Tại Bản án số 13/2019/HSST ngày 23/5/2019, TAND thị xã Gò Công quyết định: Căn cứ điểm g khoản 2 Điều 173; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 38 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Mười 2 năm 6 tháng tù; Căn cứ khoản 1 Điều 173; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 38 BLHS, xử phạt bị cáo Phạm Thị Ánh Tuyết 1 năm 6 tháng tù; đều về Tội “Trộm cắp tài sản”.
“Tòa nhận định mâu thuẫn, vi phạm nghiêm trọng”
Sau khi xem xét tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đối chiếu với quy định của pháp luật, VKSND thị xã Gò Công nhận thấy, bản án sơ thẩm nêu trên, tại phần nhận định của Hội đồng xét xử và phần quyết định có nhiều mâu thuẫn, vi phạm, sai sót nghiêm trọng như sau:
Thứ nhất, bị cáo Nguyễn Văn Mười đã có 4 tiền án: Năm 1993, bị TAND quận 6, TP Hồ Chí Minh xử phạt 4 tháng tù về Tội “Trộm cắp tài sản của công dân”; Năm 2000, bị TAND huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh xử phạt 9 tháng tù về Tội “Trộm cắp tài sản của công dân”; Năm 2007, bị TAND huyện Bình Chánh, xử phạt 1 năm 3 tháng tù về Tội “Trộm cắp tài sản”; Năm 2013, bị TAND huyện Cần Đước, tỉnh Long An xử phạt 1 năm 6 tháng tù về Tội “Trộm cắp tài sản”. Bị cáo đã được xóa án tích. Bản án của TAND huyện Cần Đước, tỉnh Long An nhận định bị cáo không có tiền án, tiền sự, chỉ có nhân thân xấu, nên bị cáo chỉ phạm vào khoản 1 Điều 173 BLHS, nhưng bản án sơ thẩm nêu trên lại áp dụng điểm g, khoản 2 Điều 173 BLHS “tái phạm nguy hiểm” là không phù hợp pháp luật, bất lợi và tuyên hình phạt 2 năm 6 tháng tù là quá nghiêm khắc đối với bị cáo.
Thứ hai, các bị cáo Mười và Tuyết phạm Tội “Trộm cắp tài sản” 2 lần, mỗi lần định lượng trên 2.000.000 đồng nhưng Hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên” theo quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 52 BLHS là không phù hợp pháp luật.
Thứ ba, bị cáo Mười rủ rê, bàn bạc cùng bị cáo Tuyết đi trộm cắp xe mô tô ba bánh nên đây là vụ án đồng phạm giản đơn, nhưng Hội đồng xét xử không áp dụng Điều 17 BLHS để xét xử là không phù hợp quy định pháp luật.
Thứ tư, bị cáo Mười có 4 tiền án nhưng đã được xóa án tích, bị cáo Tuyết không có tiền án, tiền sự, Hội đồng xét xử đã nhận định áp dụng khoản 2 Điều 52 BLHS cho 2 bị cáo, nhưng tại phần quyết định không áp dụng là thiếu sót.
Với các cơ sở đã phân tích trên, VKSND thị xã Gò Công nhận thấy, TAND cùng cấp đã có vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Vì vậy, vừa qua, VKSND thị xã Gò Công đã ban hành kháng nghị phúc thẩm bản án sơ thẩm nêu trên; đề nghị TAND tỉnh Tiền Giang đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm để sửa một phần bản án theo hướng:
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Mười: áp dụng khoản 1 Điều 173; Điều 17; Điều 38; điểm b, s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS và giảm hình phạt cho bị cáo từ 3 - 6 tháng tù.
Đối với bị cáo Phạm Thị Ánh Tuyết: áp dụng khoản 1 Điều 173; Điều 17; Điều 38; điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS.