Viên ngọc nông sản: Nho tươi Italy và bài học phát triển nông nghiệp
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến nguồn gốc và chất lượng của thực phẩm, việc quản lý từ khâu trồng trọt đến chế biến, đóng gói và vận chuyển không chỉ là cam kết về sản phẩm mà còn là một phần của sứ mệnh bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bài viết này được thực hiện nhân chuyến công tác của phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị, đến Bari, Italy, để tham quan các nông trại và nhà máy sản xuất nho tươi (table grapes) từ khâu sơ chế đến đóng gói.
Bài viết cũng giới thiệu về mô hình tích hợp "Farm to Fork" – một quy chuẩn tại châu Âu, thể hiện cam kết xuyên suốt từ nông trại đến bàn ăn nhằm kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Mô hình này đã được áp dụng ở nhiều nước châu Âu với sự thanh tra và giám sát lẫn nhau, đặt ra các mục tiêu và tiêu chuẩn chất lượng thống nhất để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Quản lý canh tác bền vững
Tại nhiều nông trại, các cây trồng được sắp xếp và phân khu theo mô hình bàn cờ để dễ dàng quản lý. Mỗi loại cây trồng được chăm sóc trong khu vực riêng biệt, tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể về đất, ánh sáng và độ ẩm. Hệ thống cây trồng bổ trợ cũng được đưa vào trồng xen kẽ nhằm dưỡng đất, bảo vệ đất trồng và tăng cường sự đa dạng sinh học, tạo môi trường phát triển thuận lợi cho cây trồng chính.
Ông Rafaele Teofilo, chủ trại nho hữu cơ lâu đời 2Erre, chia sẻ: “Để duy trì và tối ưu hóa điều kiện canh tác, nông trại áp dụng hệ thống canh tác tự động hiện đại. Hệ thống này tự động điều chỉnh độ ẩm và các yếu tố cần thiết khác, bảo đảm duy trì điều kiện lý tưởng cho cây trồng. Bên cạnh đó, bồn chứa phân bón được chia thành nhiều loại với hệ thống điện tử giám sát chất lượng và tự động phân phối qua các đường ống tưới tiêu. Nhờ đó, quy trình tưới tiêu và bón phân không cần sự can thiệp trực tiếp của người lao động, giữ cho quá trình an toàn và bảo vệ sức khỏe lao động.”
Các giống nho được chia thành nhiều khu.
Gói đuổi côn trùng an toàn với người tiêu dùng.
Hệ thống kho tưới phân bón tự động.
Sử dụng công nghệ AI BOT (Tự động hóa Trí tuệ Nhân tạo), các cây trồng được kiểm tra định kỳ về màu sắc, kích thước, độ bóng, mức độ trưởng thành của cây và độ chín của quả. Các yếu tố này không chỉ đảm bảo rằng cây trồng đạt chất lượng trước khi thu hoạch mà còn giúp tối ưu hóa năng suất và thời gian sản xuất, đồng thời giảm thiểu chi phí.
Các giống nho được ghi rõ thông tin theo từng khu vực.
Nho đỏ chuẩn bị được thu hoạch sử dụng.
Hơn nữa, để bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, nông trại sử dụng hệ thống tưới tiêu đặc biệt có khả năng phát hiện và kiểm soát các dấu hiệu bệnh do côn trùng gây ra. Các sản phẩm tự nhiên được phun qua hệ thống tưới tiêu nhằm bảo vệ cây khỏi côn trùng mà không làm ô nhiễm đất hoặc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Các giải pháp như màng bảo vệ cây, hệ thống chống ruồi tự nhiên cũng được áp dụng để duy trì một môi trường ổn định cho cây trồng.
Chế biến và đóng gói tại nhà máy
Quy trình sau khi thu hoạch tại nhà máy cũng không kém phần quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhà máy được thiết kế với các phân khu rõ ràng và hệ thống lọc không khí nhằm hạn chế sự nhiễm chéo trong từng giai đoạn chế biến, bảo quản và đóng gói. Nhiệt độ bảo quản được kiểm soát chặt chẽ trong khoảng từ 12-6°C đến 0-2°C, giúp sản phẩm luôn giữ được độ tươi mới mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên trong xưởng sơ chế và đóng gói nho Puglia Viva.
Nhân sự đóng gói nho.
Quy trình sàng lọc cuối.
Ông Angelo Antresini, Chủ tịch tập đoàn xuất khẩu nông sản NAVA, cho biết: “Nhờ vào các điều kiện tối ưu về nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng không khí, nho tươi có thể được bảo quản đến 90 ngày mà không cần sử dụng hóa chất độc hại. Hệ thống tự động hóa bằng thuật toán cho phép kiểm soát và giữ sạch không khí, giảm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong suốt quá trình chế biến. Mỗi ngày, nhà máy có thể xử lý đến 1 tấn nguyên liệu và sản phẩm, với quy trình khép kín và hệ thống máy tính giám sát nhiệt độ, độ ẩm giữa các khu vực. Các container bảo quản di động được trang bị hệ thống làm lạnh, giúp duy trì độ tươi khi sản phẩm được vận chuyển đến tay người tiêu dùng ở cả thị trường quốc tế.”
Hệ thống kho lạnh cỡ lớn được kiếm soát nghiêm ngặt về chất lượng không khí và nhiệt độ.
Nhiều thiết bị đo lường được bố trí trong nhà máy.
Quy trình đóng gói được thực hiện cẩn thận với thông tin nguồn gốc được ghi rõ trên từng hộp, nhằm dễ dàng truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. Cam kết bảo vệ sức khỏe người lao động cũng là một yếu tố nổi bật trong nhà máy. Nhân viên được bố trí nghỉ ngơi thường xuyên, và phụ nữ được ưu tiên thời gian nghỉ nhiều hơn để đảm bảo sức khỏe. Điều này thể hiện sự tiến bộ trong chính sách an sinh và chất lượng đời sống của người lao động, giúp tạo ra môi trường làm việc bền vững và lành mạnh hơn.
Cam kết bền vững và không ngừng cải tiến
Cam kết về nông sản sạch và bền vững không chỉ là một tuyên bố mà còn là hành động cụ thể trong từng bước của quy trình quản lý từ nông trại đến nhà máy. Dù quy trình đã đạt năng suất cao và hiệu quả, các doanh nghiệp tại châu Âu vẫn không ngừng tìm kiếm những phương pháp cải tiến mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thử nghiệm các giải pháp canh tác và bảo quản hiện đại. Hệ thống tích hợp Farm to Fork không chỉ khuyến khích các quốc gia đặt ra mục tiêu chung mà còn tạo điều kiện để thanh tra và giám sát lẫn nhau, từ đó đảm bảo tính minh bạch và chất lượng trong chuỗi cung ứng.
Tiến sĩ Nông nghiệp Vincenzo Santoro từ Hợp tác xã Phát triển Nông nghiệp AbaBio nhấn mạnh: "Thực phẩm không chỉ là nguồn dinh dưỡng mà còn là yếu tố then chốt quyết định sức khỏe tổng thể của con người. Việc tiêu thụ nông sản sạch và an toàn giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống."
Các tiêu chuẩn và kiểm định chặt chẽ của châu Âu không chỉ đặt nền tảng cho các sản phẩm chất lượng cao mà còn phản ánh cam kết bền vững trong mọi khâu của quy trình. Đây là những giá trị không thể thiếu trong việc đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông sản sạch và an toàn.