'Viên thuốc' S-400 hết tác dụng, Syria nổi 'sóng ngầm': Thổ Nhĩ Kỳ hết thời 'đu dây' giữa Nga-Mỹ?

Tổng thống Erdogan sẽ cố gắng hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc về vấn đề Syria với Tổng thống Putin trong cuộc gặp tới đây. Nhưng có vẻ như nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không gặt hái được nhiều thứ.

Hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ sẽ gặp nhau để bàn luận về nhiều vấn đề khúc mắc giữa hai nước.

Hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ sẽ gặp nhau để bàn luận về nhiều vấn đề khúc mắc giữa hai nước.

Ngày 27/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow trong nỗ lực hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc ở Syria, theo VOA.

Vấn đề ưu tiên nhất lúc này của Ankara đó là kêu gọi chấm dứt cuộc tấn công của Damascus do Nga hậu thuẫn chống lại phiến quân ở tỉnh Idlib.

"Cuộc gặp này rất có ý nghĩa bởi mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ dường như không còn màu hồng như trước đây", Soli Ozel, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Kadir Has, Istanbul, nói. "Cuộc gặp sẽ là giải pháp cho những gì đang diễn ra ở Idlib".

Tuy nhiên, khả năng Tổng thống Erdogan đạt được mục tiêu chấm dứt đợt tấn công của quân Chính phủ ở Idlid là khó có thể xảy ra. “Tôi không nghĩ ông Erdogan sẽ đạt được nhiều thứ. Đây sẽ là một cuộc họp khó khăn”, chuyên gia Ozel nói thêm.

Tuần trước, Tổng thống Erdogan cảnh báo rằng, cuộc tấn công Idlib có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo và gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào tháng 9/2018, Ankara và Moscow đã có với nhau một thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib, ngăn chặn một cuộc tấn công toàn diện từ Damascus trong mục tiêu chiếm lại khu vực này.

Hôm đầu tuần, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng bảo vệ cuộc tấn công của quân Chính phủ ở Idlib, đổ lỗi cho Ankara vì đã không kiềm chế được lực lượng phiến quân theo thỏa thuận tại Sochi.

"Các lực lượng vũ trang Syria được chúng tôi hỗ trợ không vi phạm thỏa thuận", ông Lavrov nói.

Thổ Nhĩ Kỳ có 12 tiền đồn quân sự ở Idlib, một trong số đó hiện đang bị bao vây bởi các lực lượng do Damascus hậu thuẫn. Ankara tuyên bố lực lượng của họ cũng đã bị quân Chính phủ nhắm mục tiêu trong các đợt tấn công gần đây.

Tổng thống Erdogan dự kiến sẽ thương thảo với ông Putin để đảm bảo an toàn cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.

Sự can thiệp của Nga

Các nhà phân tích nhận định, Tổng thống Erdogan có thể sẽ phải đánh đổi để tìm kiếm bước đột phá với Moscow trong việc làm dịu tình hình, đồng thời cho rằng, Ankara và Moscow sẽ trở lại thế đối đầu trong cuộc xung đột Syria.

"Chúng ta đang nhìn thấy hai bên xử lý khủng hoảng", Galip Dalay, một học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford, nói. "Tuy nhiên, những gì họ đang làm chỉ là trì hoãn cuộc khủng hoảng. Họ đang tìm ra các giải pháp chỉ để đấy chứ không giải quyết được điều gì".

Thời điểm cuộc tấn công Damascus ở Idlib diễn ra ngay sau khi Ankara và Washington đồng ý về việc thiết lập một khu vực an toàn ở Syria. Điều này đã thúc đẩy các suy đoán rằng, Tổng thống Putin đang tìm cách phá hoại thỏa thuận này.

Thổ Nhĩ Kỳ coi người Kurd là mối đe dọa nguy hiểm ở biên giới.

Thổ Nhĩ Kỳ coi người Kurd là mối đe dọa nguy hiểm ở biên giới.

Thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ dự tính tạo ra vùng đệm ở Syria, nhằm bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khỏi lực lượng dân quân người Kurd.

Sự ủng hộ của Washington đối với người Kurd trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria từ trước đến nay vốn được coi là “thuốc độc” trong mối quan hệ với Ankara.

"Moscow sẽ phản đối bất kỳ mối quan hệ hợp tác nào giữa Ankara và Washington", Zaur Gasimov, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Đại học Bon nói.

Sự u ám trong mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành động lực lớn cho mối quan hệ ngày càng sâu sắc gần đây của Ankara với Moscow.

"Bên thứ ba vô hình trong mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga là phương Tây", Dalay nói. "Chất lượng và bản chất mối quan hệ với phương Tây đã định hình rất nhiều quỹ đạo của quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ."

Hợp đồng quân sự

Theo VOA, Tổng thống Erdogan đang có một số đòn bẩy so với người đồng cấp Putin. Gần đây, Ankara đã mua hệ thống phòng không S-400 trị giá hàng tỷ USD của Nga, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Washington.

Trong chuyến thăm Moscow, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ thảo luận về việc mua thêm các thiết bị quân sự.

"Việc chuyển giao công nghệ và hiện đại hóa tài sản quân sự là những yếu tố thiết yếu trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga", chuyên gia Gasimov nói. "Ngoài Syria, chuyến đi của ông Erdogan tới Moscow và Kazan cũng sẽ bao gồm cả điều đó. Tại Moscow, ông Erdogan sẽ đến Viện hàng không và vũ trụ quốc tế MAKS và một sự kiện tương tự ở Kazan vào ngày hôm sau. Trong khi đó, quá trình chuyển hàng S-400 cũng đang diễn ra”.

Trong một động thái được cho là tạo không khí tích cực trước cuộc họp ở Moscow, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hôm qua tuyên bố, quá trình chuyển giao S-400 sẽ được thực hiện trong năm nay. Ông Erdogan cũng dự kiến sẽ thảo luận về việc mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga với ông Putin.

Tuy nhiên, chuyên gia Ozel cảnh báo rằng, chuyến thăm Moscow của Tổng thống Erdogan đang cho thấy chiến lược ngoại giao của Ankara ngày càng khó khăn hơn trong việc cân bằng giữa Nga và Mỹ.

"Nếu họ định nói về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua Su-35 thay vì F-35, mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn và không thể ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi liên minh phương Tây. Người Nga dường như rất thích điều này xảy ra", Ozel nói.

"Mặt khác, thỏa thuận gần đây của Ankara với người Mỹ cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ không thể dễ dàng xóa bỏ 67 năm lịch sử liên minh với NATO. Đó là một tình huống khó khăn và họ cũng đang rất khó xử. Đã đến lúc Ankara phải lựa chọn hoặc Moscow hoặc Washington”, chuyên gia nói thêm.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vien-thuoc-s-400-het-tac-dung-syria-noi-song-ngam-tho-nhi-ky-het-thoi-du-day-giua-nga-my-a447015.html