Việt Nam cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất khu vực
Nhờ lãi suất điều hành giảm, lãi suất cho vay cũng giảm mạnh. Tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2021, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hành Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 đến 2,0%/năm lãi suất điều hành.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong các ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực, giảm 0,6 đến 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm manh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.
Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Đến nay, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.
Đặc biệt, các ngân hàng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 đến 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng. Mặc dù không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 01, nhưng Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 168 nghìn khách hàng với dư nợ 4.183 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 72.531 tỷ đồng.
Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.
Tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ ấn tượng với nhiêu chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu. Đến cuối tháng 10 năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng .
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục đạt kết quả tích cực. NHNN tiếp tục đứng đầu các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 và là năm thứ 5 liên tiếp đứng đầu trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chưa bao giờ Chính phủ, các cơ quan quản và ngân hàng trung ương các nước thực hiện biện pháp hỗ trợ chưa có tiền lệ để vực dậy nền kinh tế như năm 2020. NHNN đã xác định việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, thiên tai là trọng tâm, đã tháo gỡ khó khăn về vốn, tín dụng, phí thanh toán.
Các vấn đề cần tập trung thảo luận hiện nay gồm điều hành chính sách tiền tệ, vấn đề nợ xấu ra sao khi doanh nghiệp, người dân đang chịu tác động khó lường, chưa có hồi kết của dịch COVID-19, vấn đề ứng dụng công nghệ và phát triển dịch vụ thanh toán ngân hàng số ở Việt Nam trước bối cảnh bùng nổ của công nghệ, “lộ trình, bước đi thế nào để hệ thống ngân hàng không bị tụt hậu mà vẫn bảo đảm hệ thống an toàn, hiệu quả”.