Việt Nam chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu thịt, phụ phẩm từ thịt

Giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật 11 tháng năm 2023 ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 11 tháng đầu năm 2023 đạt 2,58 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 891 triệu USD, giảm 10,8%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 3,6%.

Thịt gia cầm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng sản lượng nhập khẩu thịt.

Thịt gia cầm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng sản lượng nhập khẩu thịt.

Trong đó, phụ phẩm từ trâu tăng 56,18%; phụ phẩm bò tăng từ 25,8%. "Gần 2 năm trở lại đây, chúng ta đang giảm mạnh nhập khẩu trâu bò sống dùng để giết mổ (năm 2022 chỉ nhập bằng 49,5% so với năm 2021 và 11 tháng đầu năm 2023 chỉ nhập bằng 43,7% so với cùng kỳ 2022)", Cục Chăn nuôi đánh giá.

Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cũng nhìn nhận, lượng thịt lợn nhập khẩu tăng liên tục trong nửa cuối năm 2023. So với cùng kỳ 11 tháng năm 2022, lượng nhập khẩu thịt lợn và đặc biệt phụ phẩm từ lợn tăng 85,2%.

Ngoài ra, tình trạng nhập lậu lợn sống, sản phẩm thịt lợn qua khu vực đường mòn, lối mở vẫn diễn ra tại một số địa phương, gây áp lực đối với thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sản xuất trong nước do phải cạnh tranh sản phẩm nhập lậu giá rẻ, đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn trong nước.

Theo Cục Chăn nuôi, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 16 Hiệp định thương mại tư do thế hệ mới đã ký, và 02 hiệp định còn đang trong giai đoạn đàm phán. Trong đó khu vực CPTTP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn, sẽ gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và Châu Âu như thịt gà, thịt lợn xuất vào thị trường Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, tính chung trong 11 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 402 triệu USD (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022, là nhóm lĩnh vực tăng mạnh nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp). Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 113 triệu USD, tăng 26%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 123 triệu USD, tăng 36,4%

Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được của gia cầm tăng mạnh, đạt 4,08 nghìn tấn, trị giá 10,55 triệu USD, tăng 250,5% về lượng và tăng 315,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam được xuất sang 18 nước trên thế giới, chủ yếu là HongKong, Bỉ, Trung Quốc, Campuchia, Hoa Kỳ....

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/viet-nam-chi-hon-1-ty-usd-de-nhap-khau-thit-phu-pham-tu-thit-1097409.html