Việt Nam chi tiêu 600 triệu đô la mỗi năm cho các vấn đề liên quan đến mang thai ngoài ý muốn

Sáng ngày 30/8/2023, tại Hà Nội, Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Kinh tế tổ chức Tọa đàm 'Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình với sự phát triển kinh tế xã hội bền vững' nhằm chia sẻ nghiên cứu của chuyên gia về tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và các tác động của vấn nạn này đến tình hình kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh tọa đàm "Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình với sự phát triển kinh tế xã hội bền vững". Ảnh: Duy Linh

Toàn cảnh tọa đàm "Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình với sự phát triển kinh tế xã hội bền vững". Ảnh: Duy Linh

Tham dự Tọa đàm có PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban ngân sách Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện tư vấn đào tạo Phát triển kinh tế; ông Nguyễn Quốc Hải, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn Phát triển kinh tế, Trưởng ban tổ chức; ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, trưởng đại diện Việt Nam của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN; cùng đại diện Vụ Quy mô dân số; Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế; Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính và các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm UB ngân sách Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện tư vấn đào tạo Phát triển kinh tế cho biết: Trong quy hoạch phát triển không gian kinh tế cũng như là cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2030 và tầm nhìn 2045 có đặt ra cho mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển cao và trong đó vấn đề dân số, kế hoạch hóa gia đình là một trong những nội dung rất quan trọng của chiến lược của nền kinh tế này. Đây cũng là động lực, yếu tố thúc đẩy đối với nền kinh tế phát triển bền vững và phát triển nhanh.

Ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm UB ngân sách Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện tư vấn đào tạo Phát triển kinh tế phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Linh

Ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm UB ngân sách Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện tư vấn đào tạo Phát triển kinh tế phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Linh

Nhận rõ tầm quan trọng ấy, trong nhiều năm vừa qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đưa ra nhiều quyết sách và đưa ra nhiều chương trình phát triển dân số và kế hoạch hóa Việt Nam. Điều đáng mừng, qua 1 thời gian thực hiện, chúng ta đạt được khá nhiều thành tựu, chúng ta đã kiểm soát được tốc độ tăng dân số, dần dần đưa dân số Việt Nam về cơ cấu hợp lý với quy mô hợp lý, thích ứng với trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Thanh nhấn mạnh, chất lượng dân số ngày một tăng là một mấu chốt quan trọng để tạo ra nguồn lực phát triển kinh tế không chỉ hiện nay và nhiều năm sau khi chúng ta thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Theo ông Thanh, trong quá trình ấy, cũng còn những hạn chế, vướng mắc, khó khăn, và đã bộc lộ một số vấn đề. Đặc biệt trong thời gian gần đây, trong các vấn đề về dịch vụ dân số kế hoạch hóa gia đình, liên quan đến vấn đề đảm bảo sức khỏe của người dân, chất lượng của dân số không chỉ tính tới hôm nay và mà còn cho 5, 10 năm sau.

Còn theo bà Nghiêm Thị Đoan Trang, Chuyên viên cao cấp Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội, từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Nhà nước đã trao quyền kế hoạch hóa cho công dân, và hơn nữa còn mong muốn tạo điều kiện để người dân dễ dàng thực hiện nhất quyền này.

 Bà Nghiêm Thị Đoan Trang, Chuyên viên cao cấp Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Linh

Bà Nghiêm Thị Đoan Trang, Chuyên viên cao cấp Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Linh

Hơn 60 năm qua, giải pháp cơ bản, xuyên suốt nhất quán để thực hiện quyền dân số Việt Nam là tuyên truyền vận động đi trước, gắn liền với việc đưa phương tiện, dịch vụ tránh thai tới tận người dân, có chính sách khuyến khích tới từng cặp vợ chồng, từng gia đình, từng địa phương, từng cơ quan… tích cực tham gia công tác kế hoạch hóa gia đình.

Với chính sách đúng đắn và triển khai tích cực và sáng tạo thì chương trình KHHGĐ đã thu được những thành tựu nổi bật, nếu những năm 65 – 69 chỉ có 15% số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai thì trước thế kỷ 21, tỷ lệ này đã tăng gấp 5 lần, đạt khoảng 75% và duy trì từ đó đến nay. Nhờ vậy, mức sinh của Việt Nam giảm nhanh, hiện đã đạt mức thấp. Những năm 65 – 69 tính đến độ tuổi sinh đẻ trung bình mỗi gia đình có khoảng 7 con thì hiện nay mỗi gia đình có 1 – 2 con là phổ biến.

Mục tiêu của KHHGĐ theo đuổi suốt nửa thế kỷ qua đã đạt được một cách vững chắc, giúp cho phụ nữ, các cặp vợ chồng chỉ có số con mong muốn đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên sang hành vi có kế hoạch, văn minh, từ bị động sang chuyển động, từ số lượng, chất lượng con thấp đến số lượng ít, chất lượng cao hơn, từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm. Sinh đẻ ít nên dân số tăng chậm, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Cũng theo bà Trang, bên cạnh mức sinh thấp vì chất lượng dân số Việt Nam đang xuất hiện những xu hướng mới, vừa mang lại cơ hội vừa gây ra những thách thức cho sự phát triển bền vững ở nước ta như cơ cấu dân số vàng, mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể, chất lượng dân số tăng lên nhưng chưa cao, di dân diễn ra mạnh mẽ và phân bố dân số còn rất nhiều bất cập.

"Rõ ràng tình trạng dân số nước ta hiện nay đã hoàn toàn khác với tình trạng dân số của thế kỷ trước. KHHGĐ đã đi được một chặng đường dài và có được những thành tựu to lớn. Hiện nay KHHGĐ đã trở thành một lối sống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi địa phương mỗi vùng miền mỗi nhóm dân cư, thành tựu còn khác nhau. Với độ bao phủ rộng rãi toàn quốc của các dịch vụ KHHGĐ như hiện nay, chương trình KHHGĐ cần chú trọng đến chất lượng dịch vụ KHHGĐ là một yêu cầu đứng trước nhiều thách thức", bà Trang cho biết thêm..

Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, Tổng Cục dân số. Ảnh: Duy Linh

Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, Tổng Cục dân số. Ảnh: Duy Linh

Bác sĩ Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, Tổng Cục dân số nhấn mạnh, mặc dù hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể trong việc cung cấp các dịch vụ tránh thai cho người dân, vẫn còn nhu cầu rất lớn chưa được đáp ứng về KHHGĐ, dẫn đến tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, cũng như phá thai còn rất đáng lo ngại. Thực trạng này đang gây ra những hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe của phụ nữ cũng như áp lực lên hệ thống y tế quốc gia và những tác động lớn về kinh tế và xã hội.

Ông Moises Uribe, Giám đốc Điều hành Công ty tư vấn Silverback Earth, chuyên gia về phát triển bền vững và quản lý chiến lược cho biết, theo thống kê của Viện Guttmacher năm 2022, Việt Nam có 3,7 triệu phụ nữ mang thai hàng năm; 2,1 triệu người mang thai ngoài ý muốn (59%), trong đó có 1,6 triệu ca nạo phá thai (75%). Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai của Việt Nam đang ở mức 86% là cao hơn nhiều so với các nước láng giềng như Indonesia (40%), Philippines (71%), Thái Lan (38%).

Với khoảng 25 triệu nữ giới hiện đang ở độ tuổi sinh sản tại Việt Nam, ước tính có khoảng 3,3 triệu người nằm trong độ tuổi từ 15-19, trong đó có 170.000 người muốn phòng tránh thai; 16 triệu nữ giới ở độ tuổi từ 15-49 chưa có mong muốn được xây dựng gia đình, trong đó có 21% có nhu cầu về phòng tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Nhiều người trong số đó đang sử dụng những biện pháp phòng tránh thai mang tính truyền thống và không đáng tin cậy (như biện pháp tính ngày an toàn...), dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, kéo theo tình trạng về suy dinh dưỡng ở trẻ em, làm trầm trọng thêm khoảng cách kinh tế xã hội cho quốc gia.

"Nếu nhu cầu tránh thai được đáp ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể giảm tới 68% các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, tức là từ 2,1 triệu trường hợp xuống còn khoảng 700.000 trường hợp. Nhờ vậy thì tỷ lệ phá thai cũng sẽ giảm xuống nhiều so với tỷ lệ hiện tại", ông Moises nhấn mạnh.

Cũng theo ông Moises, tác động kinh tế xã hội do mang thai ngoài ý muốn là rất lớn. Việt Nam phải chi tiêu khoảng 600 triệu đô la/năm cho vấn đề này, bao gồm chi phí liên quan đến thuốc tránh thai, các ca phá thai, chăm sóc trực tiếp...

Để giảm bớt tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai, ông Moises khuyến nghị, Chính phủ có thể cải thiện các chính sách về sức khỏe sinh sản, xã hội bằng cách: Đầu tư vào các chương trình giáo dục giới tính quy mô lớn kết hợp với các chiến dịch truyền thông để tuyên truyền biện pháp tránh thai đúng đắn, an toàn và hiệu quả cho trẻ vị thành niên từ sớm.

Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng các chương trình nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận các biện pháp phòng tránh thai hiệu quả và tin cậy, tăng cường đầu tư các dịch vụ y tế về sinh sản và tình dục, đặc biệt dành cho người dân có thu nhập thấp, tạo ra bình đẳng trong y tế.

Cuối cùng, cần phát triển các chương trình nghề nghiệp liên kết với các sáng kiến xã hội. Với mỗi 1% số ca sinh ngoài ý muốn được giảm xuống, Việt Nam có thể giải phóng tới 6 triệu đô la chi phí trực tiếp, qua đó cũng sẽ giảm được tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và giảm suy dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe cho thế hệ tương lai và từ đó giảm được tỷ lệ bỏ học, trao cơ hội công bằng cho nữ giới trên toàn quốc.

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/viet-nam-chi-tieu-600-trieu-do-la-moi-nam-cho-cac-van-de-lien-quan-den-mang-thai-ngoai-y-muon-350500.html