Việt Nam có nên quy định 'tù chung thân không ân giảm'?

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, hình phạt tù chung thân không ân giảm có nhiều hạn chế, đặc biệt là thiếu tính nhân đạo.

Hôm nay (19-10), Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Trách nhiệm hình sự, miễn và giảm trách nhiệm hình sự: lý luận và thực tiễn".

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Việt Dũng (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng tội phạm là những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, khi quy định những hành vi bị coi là tội phạm, BLHS cũng đồng thời quy định về trách nhiệm hình sự (TNHS).

Nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, thảo luận một cách hệ thống các quy định về TNHS, bao gồm các quy định về miễn và giảm TNHS để từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp hình sự và áp dụng hiệu quả trong việc giải quyết các vụ án hình sự, Trường ĐH Luật TP. HCM tổ chức hội thảo này.

 PGS.TS Trần Việt Dũng (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: UL

PGS.TS Trần Việt Dũng (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: UL

Kiến nghị về hình phạt tù chung thân

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (Trưởng khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng tương tự như Trung Quốc, hình phạt tù chung thân là hình phạt nghiêm khắc thứ hai trong hệ thống hình phạt của Việt Nam. Theo luật của Trung Quốc và bang New South Wales (NSW) Úc, khi áp dụng hình phạt này, tòa án phải xem xét tính nguy hiểm của tội phạm đã thực hiện và tính nguy hiểm của người phạm tội.

Tuy nhiên, phạm vi và điều kiện cụ thể để áp dụng hình phạt này giữa các nước khác nhau. BLHS Trung Quốc và luật hình sự của NSW không giới hạn hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi. Trong khi đó, BLHS Việt Nam không cho phép áp dụng hình phạt này đối với người dưới 18 tuổi (khoản 5 Điều 91 BLHS). Xét từ chuẩn mực quốc tế về bảo vệ trẻ em, quy định này của BLHS Việt Nam có ưu điểm hơn hai nước còn lại.

Ngoài ra, BLHS Việt Nam phân loại tội phạm theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và giới hạn phạm vi áp dụng của hình phạt tù chung thân đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Điều 39 BLHS). Đây cũng có thể coi là một quy định tốt của Việt Nam trong việc phân hóa TNHS.

 Chủ tọa phiên thảo luận. Ảnh: YC

Chủ tọa phiên thảo luận. Ảnh: YC

Nhắc đến pháp luật hình sự của Trung Quốc và NSW, bà Hoa cho biết cả hai đều có quy định về tù chung thân không ân giảm. Vấn đề đặt ra là Việt Nam có nên học hỏi và áp dụng?

Theo bà Hoa, trong luật hình sự của Trung Quốc và NSW (Úc), tù chung thân không ân giảm không phải là một loại hình phạt mà chỉ là dạng đặc biệt của hình phạt tù chung thân, được áp dụng đối với những trường hợp “cá biệt”. Trong BLHS Trung Quốc, hình phạt này chỉ được áp dụng duy nhất đối với người phạm tội tham ô tài sản thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và dùng để xử lý cho trường hợp nếu áp dụng hình phạt tử hình thì quá nặng nhưng hình phạt tù có thời hạn thì quá nhẹ.

Việc quy định hình phạt tù chung thân không ân giảm trong luật hình sự Trung Quốc nhằm cụ thể hóa chính sách nghiêm khắc đối với tội phạm tham nhũng, tránh việc các công chức tham nhũng chấp hành hình phạt quá ngắn.

Trong khi đó, trong luật hình sự của NSW, tòa án Tối cao quyết định việc không ân giảm cho người bị kết án tù chung thân tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Trong khoa học, các nhà nghiên cứu của cả hai nước đều chỉ ra nhiều hạn chế của hình phạt này, trong đó hạn chế lớn nhất là vấn đề quyền con người. Ngoài ra, hình phạt tù chung thân không ân giảm còn ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người chấp hành án trong một thời gian dài. Đặc biệt, các bình luận khoa học về hình phạt này ở Trung Quốc cho rằng hình phạt này xa rời mục đích của hình phạt và các bình luận ở NSW cho rằng hình phạt này không đạt được ý nghĩa giáo dục vì người chấp hành án không có cơ hội thực hành những nội dung được giáo dục trong trại giam.

“Việt Nam giống với Trung Quốc ở chỗ vẫn duy trì hình phạt tử hình nhưng theo đuổi chính sách hạn chế hình phạt này. Thiết nghĩ, hình phạt tù chung thân không ân giảm có nhiều hạn chế như đã nêu trên, đặc biệt là thiếu tính nhân đạo. Vì vậy, Việt Nam không nên quy định hình phạt này.

Mặt khác, để tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình, Việt Nam nên tham khảo Trung Quốc về hình phạt tử hình được hoãn thi hành. Trong thời gian hoãn thi hành, nếu người bị kết án không phạm thêm tội mới với lỗi cố ý thì được giảm xuống thành hình phạt tù chung thân có khả năng ân giảm”, bà Hoa nói.

Về vấn đề hoãn thi hành án tử hình, TS Phùng Văn Hải (Phó chánh án TAND TP.HCM) thông tin thêm: thực tiễn ở Việt Nam, việc thi hành bản án tử hình hiện nay không dưới 5 năm. Vì theo quy định phải trải qua các thủ tục như không có kháng nghị, Chủ tịch nước bác đơn ân xá, trong khi thủ tục này lại không quy định về thời hạn. Đó là chưa kể có trường hợp nếu có sai sót phải đính chính bản án thì không dưới 10 năm bản án tử hình mới được thi hành.

 PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (Trưởng khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày tại hội thảo. Ảnh: YC

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (Trưởng khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày tại hội thảo. Ảnh: YC

Cần sửa đổi, bổ sung về tha tù trước thời hạn

Về hình phạt tù chung thân có ân giảm, theo bà Hoa, BLHS Trung Quốc và luật hình sự NSW đều khai thác rất mạnh mẽ biện pháp tha trước hạn kèm theo điều kiện. Đây là biện pháp phổ biến trong luật hình sự của hai quốc gia này và không giới hạn ở người phạm tội lần đầu.

Về nhận thức, cần phải hiểu rằng đây là trường hợp chấp hành hình phạt trong cộng đồng, chứ không phải người phạm tội đã được tha bổng và trả tự do hoàn toàn. Việc ân giảm đối với người bị kết án tù chung thân phải đảm bảo cân bằng giữa việc trả tự do cho người bị kết án với sự an toàn của cộng đồng. Hình phạt tù chung thân là hình phạt nghiêm khắc nhất trong luật hình sự của NSW và là hình phạt nghiêm khắc thứ hai trong BLHS Trung Quốc.

Do vậy, việc miễn chấp hành hình phạt tù chung thân đối với phần còn lại hay tha tù chung thân trước hạn có điều kiện đều phải cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng. Để quyết định vấn đề này, cơ quan có thẩm quyền cần đánh giá toàn diện về ảnh hưởng của việc tha người phạm tội trước hạn đối với cộng đồng. Đây cũng chính là một yêu cầu bắt buộc trong luật hình sự của cả hai quốc gia. Trong luật của cả hai nước đều quy định thời gian tối thiểu mà người bị kết án phải chấp hành hình phạt trong trại giam để được ân giảm…

Bà Hoa kiến nghị Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung Điều 66 về tha tù trước thời hạn kèm theo điều kiện để mở rộng phạm vi áp dụng đối với cả hình phạt tù chung thân. Đồng thời xem xét điều chỉnh quy định về “Giảm mức hình phạt đã tuyên” tại Điều 63 BLHS.

Cạnh đó, Việt Nam nên tham khảo BLHS Trung Quốc về quy định công khai các điều kiện giảm hình phạt đã tuyên bao gồm hình phạt tù chung thân, đặc biệt là những trường hợp đương nhiên được giảm. Việc minh thị trước các điều kiện sẽ tạo động lực cho người chấp hành án phấn đấu.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Cải tạo không giam giữ được xem là hình phạt cộng đồng

Hình phạt cộng đồng là một thuật ngữ đề cập đến tính chất hình sự của một loạt các hình phạt được thực hiện trong cộng đồng có điểm chung là hạn chế quyền tự do của người phạm tội thông qua việc áp đặt các điều kiện và/hoặc nghĩa vụ. Đây là các hình phạt đặt trọng tâm của việc giáo dục, cải tạo người phạm tội dựa trên sự hỗ trợ từ cộng đồng nhằm giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của người phạm tội và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong tư pháp hình sự nên còn được gọi là các hình phạt mang tính chất cộng đồng.

Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, cải tạo không giam giữ được xem là hình phạt cộng đồng. BLHS năm 2015 đã có những thay đổi theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và gia tăng quy định hình phạt cải tạo không giam giữ trong các khung hình phạt nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Thực tiễn áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ từ khi BLHS năm 2015 có hiệu lực đến nay chưa phát huy hiệu quả của hình phạt này.

Tỷ lệ áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ từ sau khi BLHS năm 2015 có hiệu lực trong khoảng từ 3,93% đến gần 4,91% trên tổng số bị cáo bị xét xử. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là năm 2023 tỷ lệ áp dụng hình phạt này đã giảm xuống mức 3,93% so với mức 4,91% của năm 2020.

Trong khi đó, từ năm 2018 đến năm 2023 cho thấy tỷ lệ bị cáo bị áp dụng hình phạt tù vẫn rất cao (khoảng 70%) và nếu cộng thêm số bị cáo bị tuyên hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì tỷ lệ này khoảng từ 87% đến 89%....

Điều này cho thấy, hình phạt tù có thời hạn vẫn giữ vai trò chi phối tuyệt đối trong hệ thống hình phạt. Và so với tỷ lệ bị cáo được hưởng án treo (từ 16% đến 19%) thì tỷ lệ bị cáo bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thấp hơn rất nhiều. Điều này rất đáng quan tâm vì các bị cáo được hưởng án treo là những người được đánh giá là không cần cách ly khỏi cộng đồng. Khi đó hình phạt cộng đồng hoàn toàn có thể phù hợp với họ.

TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, Trường ĐH Luật TP.HCM

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-co-nen-quy-dinh-tu-chung-than-khong-an-giam-post815629.html