Việt Nam đạt mốc 100 triệu dân: Nhiều cơ hội, không ít áp lực
Với mốc dân số 100 triệu người, Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 ASEAN. Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang lại nhiều áp lực cho phát triển.
Sau năm 1945, dân số Việt Nam chỉ khoảng gần 20 triệu người. Đến năm 1975, dân số nước ta xấp xỉ khoảng 50 triệu. Sau 48 năm, dân số Việt Nam đã tăng gấp đôi, lên 100 triệu vào tháng 4/2023. Cột mốc này khẳng định sức sống vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Bất chấp thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh hủy diệt, dân tộc Việt Nam vẫn không ngừng vươn lên, ngày càng lớn mạnh.
Một phép so sánh, năm 1858, khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, dân số Việt Nam chỉ khoảng hơn 15 triệu người so với nước Pháp là khoảng 35-36 triệu, gấp đôi dân số Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay, dân số Việt Nam đã là 100 triệu, gấp rưỡi dân số nước Pháp với khoảng 67 triệu dân.
Dấu mốc quan trọng
100 triệu dân là con số hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho phát triển bền vững và bứt phá.
Nhân lực là nguồn lực quan trọng bậc nhất của mọi quốc gia, là yếu tố tiên quyết để phát triển. Một đất nước có thể trở nên giàu có, hùng cường hay không phụ thuộc cơ bản vào việc nguồn nhân lực được phát huy thế nào. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, cho dù có tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng nguồn nhân lực không được phát huy, quốc gia đó vẫn không thể phát triển được. Ngược lại, những nước nghèo về tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… vẫn phát triển và thịnh vượng nhờ vào việc phát huy hiệu quả yếu tố con người.
Quy mô 100 triệu dân tạo ra thị trường tiêu thụ rộng lớn, ngay ở trong nước. Đây chính là động lực để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập quốc tế chủ động. Chính thị trường này là bảo đảm tính vững chắc cho việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển kinh tế một cách độc lập tự chủ. Mốc 100 triệu dân tạo ra tiềm năng to lớn cho đổi mới sáng tạo. Lực lượng lao động trẻ và đông đảo sẽ gợi ra nhiều ý tưởng, tạo ra nhiều cơ hội cho những thử nghiệm, đổi mới và sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, từ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, y tế, năng lượng, nông nghiệp và nhiều ngành công nghiệp khác. Quy mô 100 triệu dân đồng thời là động lực thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, phục vụ các mục tiêu phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn ra thế giới
Philippines và Ai Cập là hai quốc gia đạt mốc 100 triệu dân trước Việt Nam.
Năm 1900, dân số của Philippines chỉ là 6,5 triệu người. Đến năm 2014, Philippines đã có 100 triệu dân, trong đó khoảng 54% ở độ tuổi dưới 25. Hiện dân số Philippines là 114 triệu, tăng 14 triệu sau tám năm.
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo lạc quan về sự phát triển của Philippines bởi yếu tố dân số trẻ, có kỹ năng và được đầu tư hiệu quả, nhất là khả năng ngoại ngữ. Sau mốc 100 triệu dân không lâu, Philippines được Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận nhiều thành quả nỗ lực giảm nghèo, từ mức 49,2% năm 1985 giảm còn 16,7% năm 2018.
Sau mốc 100 triệu, tầng lớp trung lưu của Philippines tăng nhanh, chiếm gần 12 triệu người và số dân có kinh tế ổn định tăng lên 44 triệu. Đây là kết quả của các chính sách hỗ trợ việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn hiệu quả của chính phủ Philippines. Hiện hàng triệu người Philippines làm việc trong nhiều ngành nghề ở nước ngoài, hằng năm, lượng kiều hối gửi về đóng góp khoảng 9% cho GDP của Philippines.
Ai Cập cán mốc 100 triệu dân vào năm 2020 và sau hơn hai năm đã là trên 108 triệu. Chính phủ Ai Cập đón mốc 100 triệu dân với nhiều lo lắng bởi tốc độ gia tăng dân số quá nhanh. Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi từng so sánh việc tăng dân số ở nước này là “nguy cơ cho an ninh quốc gia”. Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Hala el-Said từng nói: “Không dự án phát triển nào có thể theo kịp với sự gia tăng dân số nhanh ở Ai Cập”.
Áp lực thiếu hụt tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước cũng khiến chính phủ Ai Cập lo lắng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Một thách thức lớn nữa mà Ai Cập phải đối mặt là việc làm cho những người trẻ. Theo ước tính của WB, lực lượng lao động của Ai Cập trong khoảng bảy năm tới sẽ là 80 triệu người. Để tạo đủ công ăn việc làm cho số lao động này, tăng trưởng kinh tế phải ở mức cao gấp ba tỷ lệ tăng trưởng dân số. Thế nhưng, “tỷ lệ mong muốn” này lại rất khó đạt được.
Tối đa lợi thế
Thách thức mà bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt khi dân số ngày càng đông là áp lực tài nguyên. Dân số đông khiến nhu cầu đất đai, nước, năng lượng, lương thực, thực phẩm, nhu cầu giáo dục, an sinh xã hội tăng lên. Khi cán mốc 100 triệu dân, các quốc gia đều phải đề ra biện pháp quản lý tài nguyên một cách bền vững và đầu tư nhiều hơn vào an sinh xã hội. Áp lực lên cơ sở hạ tầng cũng là bài toán nan giải. Dân số đông, các cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị cần phải được phát triển tương ứng. Điều này đòi hỏi chất lượng quy hoạch phải được nâng cao và đầu tư phải được tăng cường. Ngoài ra, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm giải quyết các vấn đề tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường…
Trong lĩnh vực dịch vụ công, dân số 100 triệu đặt ra các thách thức không nhỏ. Việc cung cấp các dịch vụ như y tế, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh… đòi hỏi những nguồn lực rất lớn và năng lực quản lý tương ứng, theo kịp thực tiễn. Dân số đông đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều việc làm, trường học, dịch vụ chăm sóc y tế... Điều này đòi hỏi phải có sự đa dạng trong cơ cấu nền kinh tế, các ngành công nghiệp và dịch vụ tạo ra nhiều việc làm cần được coi trọng. Phát triển nguồn nhân lực năng động và có kỹ năng phù hợp với thị trường lao động cũng là thách thức lớn cần có lời giải thỏa đáng.
Ngưỡng 100 triệu dân đồng nghĩa áp lực lên các vấn đề xã hội cũng lớn hơn. Dân số đông thì bất bình đẳng, tệ nạn xã hội, tội phạm tăng lên, đòi hỏi những chính sách toàn diện, hiệu quả để bảo đảm sự hài hòa, gắn kết và ổn định xã hội. Dân số đông tạo áp lực to lớn lên môi trường, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, cần có những chính sách phù hợp hiệu quả và đầu tư thỏa đáng.
Với dân số 100 triệu người, trong khi GDP của Việt Nam năm 2022 là gần 414 tỷ USD, đứng thứ 37 trên thế giới. So với nguồn nhân lực, sức mạnh kinh tế của Việt Nam còn thấp, cho thấy tiềm năng dồi dào của nguồn nhân lực vẫn chưa được khai thác đầy đủ. 51 triệu người đang trong độ tuổi lao động chính là điều kiện quan trọng để thúc đẩy đất nước phát triển.
Vấn đề của Việt Nam là thời kỳ dân số vàng sẽ kết thúc khá sớm. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2006 và sẽ kết thúc vào năm 2039. Như vậy, chỉ còn 17 năm nữa là thời kỳ này sẽ qua đi. Việt Nam cần có những giải pháp chính sách mạnh mẽ nhất để phát huy tối đa nguồn nhân lực, vượt qua nghịch cảnh “chưa giàu đã già”. Chúng ta cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của “dân số vàng”, chuẩn bị mọi điều kiện và chính sách về kinh tế, kỹ thuật và xã hội để sự già hóa dân số không ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc cũng như đời sống ngày càng thịnh vượng của tất cả mọi người dân, theo tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.