Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm dẫn đầu khu vực về blockchain vào năm 2030

Ngày 22/10, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg công bố Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể của chiến lược đến năm 2025, thiết lập nền tảng phát triển công nghệ chuỗi khối thông qua việc hình thành hạ tầng blockchain Việt Nam bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển ứng dụng công nghệ blockchain tại 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Xây dựng và nâng cấp được 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo nhằm xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ blockchain. Công nghệ này cần được đưa vào khung chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các cơ sở nghiên cứu.

Hình thành tối thiểu một trung tâm, đặc khu hoặc địa bàn thử nghiệm về blockchain để hình thành mạng lưới quốc gia về công nghệ này. Ưu tiên triển khai tại các đơn vị đã có kinh nghiệm triển khai về mạng lưới blockchain của địa phương.

Theo chiến lược, tầm nhìn đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ blockchain.

Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực. Ảnh minh họa: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực. Ảnh minh họa: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực. Duy trì vận hành tối thiểu 3 trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về blockchain tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia. Có đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á.

Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đưa ra 5 hành động cụ thể.

Trước hết, hoàn thiện môi trường pháp lý. Trong đó, rà soát, nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng của hành lang pháp lý hiện hành với các giải pháp, ứng dụng chuỗi khối.

Nghiên cứu, xây dựng các chính sách và tiêu chuẩn về nền tảng, sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ chuỗi khối đảm bảo tính liên thông và tính mở của các bên tham gia vào các giao dịch dựa trên công nghệ chuỗi khối.

Phát triển hạ tầng, hình thành hệ sinh thái công nghiệp blockchain. Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực blockchain. Đồng thời, thúc đẩy phát triển và ứng dụng blockchain.

Cuối cùng là nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế. Trong đó, mỗi hoạt động được giao cụ thể cho các Bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ…chủ trì và chịu trách nhiệm.

Hà Anh

Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-dat-muc-tieu-thuoc-nhom-dan-dau-khu-vuc-ve-blockchain-vao-nam-2030-34722.html