Việt Nam đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên
Thống kê cho thấy, chỉ có 17,4% người ở tuổi vị thành niên-thanh niên hiểu đúng về thời điểm có thể mang thai và 25,9% biết cách sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục…
Theo điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục gần đây nhất của Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ người ở tuổi vị thành niên-thanh niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân là 15% (tăng cao so với 7,6% năm 2003 và 9,5% so với năm 2008).
Đặc biệt, chỉ có 17,4% người ở tuổi vị thành niên-thanh niên hiểu đúng về thời điểm người phụ nữ có thể mang thai và 25,9% biết cách sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục… Hằng năm Việt Nam vẫn còn khoảng 1.300 ca phá thai ở lứa tuổi 15-19.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên-thanh niên do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức ngày 30/10 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho hay vị thành niên, thanh niên là lứa tuổi đặc thù, đây là nhóm lứa tuổi sau này sẽ quyết định tương lai phát triển của thế hệ sau. Có một thực tế hiện nay lớp trẻ dậy thì sớm nhưng kết hôn muộn, nhiều bạn trẻ với kiến thức quan hệ tình dục hay mang thai còn nhiều hạn chế.
Nhiều bạn trẻ chưa có những hiểu biết sâu sắc về vấn đề sức khỏe đã quan hệ tình dục không an toàn dẫn tới mang thai ngoài ý muốn, sinh con ở tuổi vị thành niên hay đưa ra những quyết định phá thai và phá thai không an toàn ở các cơ sở y tế tư nhân. Khi quan hệ tình dục không an toàn, trẻ thường bất chấp nguy cơ lớn để phá thai vì sợ điều tiếng… dẫn tới nhiều nguy cơ vô sinh sau này hay gây ra tình trạng nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây qua đường tình dục, tệ nạn xã hội…
Trong bối cảnh đó, việc trang bị cho các bạn trẻ kiến thức về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản kết hợp giáo dục kỹ năng sống là vấn đề cần thiết và cấp bách.
Để giải quyết những vấn đề bức xúc về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản ở vị thành niên-thanh niên, Tháng 10/2017, Nghị quyết 21/NQ-TW của Hội nghị Trung lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đặt ra mục tiêu giảm 2/3 vị thành niên-thanh niên có thai ngoài ý muốn.
Ngày 28/8/2020 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định phê duyệt và ban hành kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên. Đây là định hướng của ngành y tế trong việc phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh để giải quyết những thực trạng về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên.
Theo ông Vinh, để triển khai kế hoạch trên, Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ sớm ban hành Đề án chăm sóc về sức khỏe tình dục/sức khỏe sinh sản của vị thành niên và thanh niên giai đoạn 2020-2025.
Đề án sẽ tập trung giải quyết những ưu tiên như: truyền thông vận động, thông tin giáo dục truyền thông tạo môi trường thuận lợi, cung cấp các dịch vụ sức khỏe thân thiện nhằm giải quyết các vấn đề trên. Đề án sẽ là cơ sở để các tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện thực tiễn của địa phương xây dựng và bố trí nguồn lực để giải quyết các vấn đề sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản ưu tiên của địa phương.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, vị thành niên, thanh niên Việt Nam hiện nay có nhiều cơ hội phát triển như: giáo dục, việc làm, hội nhập, giao lưu quốc tế… Tuy nhiên thế hệ trẻ cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ như tác động của quá trình hội nhập, toàn cầu hóa, môi trường kinh tế- xã hội thay đổi nhanh chóng, mặt trái của kinh tế thị trường… ảnh hưởng không nhỏ tới lối sống và tâm lý.
Hiện nay, trên toàn cầu có khoảng 1,2 tỷ vị thành niên từ 10-19 tuổi, chiếm 1/6 dân số thế giới. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, vị thành niên/thanh niên chiếm khoảng 1/4 dân số là lực lượng xã hội hùng hậu, quyết định tiềm năng phát triển của đất nước.
Vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên và thanh niên đang trở thành sự quan tâm chung của toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Chăm sóc sức khỏe tình dục/sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia và tương lại lâu dài của giống nòi.
Thời gian thực hiện đề án được thực hiện hai giai đoạn. Giai đoạn đầu (2021-2020) được triển khai thí điểm ở một số tỉnh. Giai đoạn mở rộng (2023-2025): triển khai mở rộng tại các tỉnh, thành phố khác./.