Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 49

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử 'Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 49

II.

Đông Kinh tháng 6 năm 1460, đêm mùa hè oi bức, hoàng thành chìm trong ánh lửa lập lòe của đèn nến. Trong dinh của Nguyễn Xí tối nay có mặt Huân Hựu đại thần Thái phó bình chương quân quốc trọng sự Á Quan Hầu Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Nhập nội kiểm hiệu Bình chương quân quốc trong sự Á thượng hầu Lê Lăng, Tư mã tham dự triều chính Đinh thượng hầu Lê Niệm (cháu Lê Lai), Tổng trí Ngự tiền hậu quân Á hầu Lê Nhân Thuận, Tổng tri Ngự tiền trung quân quan nội hầu Lê Nhân Khoái, Tổng tri ngự tiền Thiện trạo doanh quân Quan phúc hầu Trịnh Văn Sái, Thiêm tri bắc Đạo quân dân bạ tịch Trịnh Đạc, Điện tiền Đô ty chỉ huy Nguyễn Đức Trung, Thiết đột tả quân Đại Đội trưởng Nguyễn Yên, Nhập nội Đại hành khiển Lê Vĩnh Trường, Điện tiền Ty chỉ huy Lê Yên, Lê Giải. Sau một lượt trà, Á hầu Nguyễn Xí nói:

-Các ngươi ra ngoài hết, đóng cửa lại không cho ai vào.

-Dạ, chủ nhân.

Bọn gia nhân lui ra hết, Nguyễn Xí nói:

-Nay Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân rất vô đạo, đem bọn vô lại Phạm Đồn, Phan Ban... lợi dụng ban đêm, được bọn chỉ huy cấm binh phản bội mở cổng vào trong cung cấm giết chết vua và Quốc mẫu Hoàng thái hậu, tội ác không gì lớn bằng. Chúng ta là những bề tôi huân cựu, mắt thấy việc đó, đáng lẽ phải chết cho xã tắc, mà giờ lại ở dưới trướng của kẻ bội nghịch, đứng trong triều của kẻ cướp ngôi giết vua, là tội nhân của muôn đời, đâu còn mặt mũi nào mà trông thấy tiên đế dưới suối vàng nữa.

Á Thượng hầu Lê Lăng nói:

-Chính vì thế chúng tôi hôm nay tụ hội về đây để rửa hận cho Lê Nhân Tông, cho Quốc Mẫu Thái hậu. Xin nghe theo lời chỉ dạy của ngài Á hầu.

Các đại thần đều đồng thanh:

-Phải rồi, Á hầu có kế sách gì hay chúng tôi xin nghe theo.

Nguyễn Xí nói:

-Các ngài dạy quá lời, không dám dạy bảo nhưng có kế sách này các ngài xem thế nào. Ngày 18 tháng 6 (Tân Hợi 1460), có cuộc thiết triều buổi sớm, khi tan chầu chưa kịp đóng cửa điện Tường Quang thì ta hành động, bất ngờ giết hết tay chân của Lê Nghi Dân, khống chế 100 quân cấm vệ trung thành của vương, bắt sống Lê Nghi Dân thì việc chắc thành công.

-Các đại thần gật gù:

-Kế sách hay, phát huy yếu tố bất ngờ, Lê Nghi Dân chắc không kịp trở tay.

Nguyễn Xí nói:

-Nếu các đại thần đã đồng ý thì xin uống chung một bát rượu, thề không hai lòng.

Mười ba đại thần bê bát rượu lần lượt uống cạn và đồng thanh nói:

-Vì nghiệp lớn, nếu chúng tôi hai lòng thì trời tru đất diệt.

Ngày 18 tháng 6 năm Tân Hợi nóng như trút lửa xuống Hoàng thành Thăng Long, Điện Tường Quang có buổi chầu nhưng tan sớm, các quan đổ ra cổng điện để về. Bên trong sân Trần Lăng ra lệnh vội mở cổng điện, hơn 500 lính mặc quân phục cấm vệ quân đang tụ hội ở ngoài cửa Sùng Vũ do Lê Niệm chỉ huy bỗng nhiên nhanh chóng lao vào chém giết, 100 lính cấm vệ quân của Thiên Hưng đế chống cự nhưng bị giết gần hết. Trong sân điện Tường Quang Nguyễn Xí và Lê Lăng khống chế Phạm Đồn và Phan Ban bất ngờ đâm chết hai tướng thân cận của Lê Nghi Dân. Các đại thần hoảng hốt nhốn nháo thì Lê Nhân Thuận và Nguyễn Đức Trung đã nhanh chóng khống chế Thiên Hưng đế vừa bước ra, tướng lĩnh và lính bảo vệ đã bị giết hoặc bị phe đảo chính khống chế nên không ai cứu, Lê Nghi Dân bị bắt. Các đại thần đang nhốn nháo hỗn loạn chạy tứ tung thì Nguyễn Xí nói:

-Các đại thần đứng lại, đừng sợ hãi, nghe tôi nói.

Các đại thần bình tĩnh đứng lại, Nguyễn Xí nói tiếp:

-Hôm nay 13 Đại công thần đã làm chính biến thành công, lật đổ Lê Nghi Dân Lạng Sơn vương đã vô đạo giết chết vua Lê Nhân Tông và Quốc mẫu Thái hậu. Các đại thần hãy quay lại Điện Tường Quang thiết triều khẩn cấp. Ai không nghe lời đừng trách các đại thần làm chính biến.

Các quan lại quay vào điện để thiết triều. Ngai vàng bỏ trống. Nguyễn Xí đứng cạnh ngai vàng nói:

-Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân tuy là con trưởng của tiên đế Lê Thái Tông nhưng đã phản nghịch, gây biến loạn, giết chết vua Lê Nhân Tông, giết chết Quốc mẫu Thái hậu, trong cai trị chỉ dùng bọn kiếm khách Phạm Đồn và Phan Ban, dùng bọn phản nghịch, bọn hoạn quan, đã giết hại bốn khai quốc công thần là Đỗ Bí, Lê Thụ, Lê Ngang, Lê Ê. Nay phế truất làm Lê Đức Hầu, bị trục xuất khỏi kinh thành, trở lại Lạng Sơn.

-Võ sĩ đâu.

-Đuổi Lê Nghi Dân khỏi kinh hành.

-Tuân lệnh tướng quân.

Lê Nghi Dân bị trục xuất trở lại Lạng Sơn nhưng cuối năm 1460 do ưu tư nhiều, ông lâm bệnh mà mất cuối năm 1460, thọ 22 tuổi.

Lê Nghi Dân đi rồi, Nguyễn Xí nói tiếp:

-Nước một ngày không thể không có vua, 13 quan đại thần làm chính biến đã bàn nên lập Gia Vương Lê Tư Thành hay Cung Vương Lê Khắc Xương làm vua. 13 quan đại thần làm chính biến đều nhất trí đưa Gia Vương Lê Tư Thành lên ngôi trị vì đất nước. Vì ngôi trời khó khăn, thần khí rất trọng, nếu không phải là bậc đại đức thì sao có thể làm nổi. Nay Gia vương thiên tư sáng suốt, hùng tài đại lược hơn hẳn mọi người, các vương không ai so được, lòng người đều theo, đã biết ý trời đã quyết. Bá quan van võ thấy thế nào?

Bá quan văn võ đồng thanh đáp:

-Nhất trí như lời Thái úy.

Nguyễn Xí gọi:

-Đinh Thượng hầu Lê Niệm đâu.

Lê Niệm bước ra:

-Tướng quân.

-Quan nội thị đâu.

-Dạ, tướng quân.

Nguyễn Xí nói:

-Hai ái khanh đem 100 lính cấm vệ đến tư dinh đón gia Vương Lê Tư Thành về đây.

-Tuân lệnh tướng quân.

Canh giờ sau Gia Vương Lê Tư Thành được đưa vào, bước lên điện, đứng cạnh ngai vàng. Quan nội thị đem áo long bào và mũ miện ra cho Lê Tư Thành mặc, xong trang phục, quan nội thị đỡ Gia vương ngồi vào ngai vàng. Bá quan văn võ trông Hoàng thượng mới thật uy nghi rực rỡ, đúng là dáng thiên tử. Quan nội thị nói:

-Lê Nghi Dân làm phản đã bị lật đổ, kính mời Gia vương lên ngôi hoàng đế, kế nghiệp lớn của tổ tiên.

Bá quan văn võ vội quỳ xuống hô vang:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Gia vương nói:

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ Hoàng thượng.

-Bá quan văn võ nghe tuyên chỉ:

Bá quan văn võ lại quỳ. Gia Vương nói:

-Ta nay đăng quang Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Thuận, năm nay là năm Quang Thuận thứ nhất (1460), lệnh đại xá thiên hạ.

Bá quan văn võ chúc mừng:

-Chúc mừng hoàng thượng, Hoàng thượng vạn vạn tuế.

Vậy là Gia vương Lê Tư Thành, con của Lê Thái Tông với Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao lên ngôi năm 18 tuổi, Lịch sử gọi vua thứ 5 của nhà Hậu Lê là Lê Thánh Tông, cai trị 37 năm (1460-1497), mở ra một chương mới trong lịch sử của nhà Hậu Lê.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-4b-bi-su-nha-le-so-1428-1527-ky-49-a20851.html