Việt Nam-EU nhất trí thúc đẩy sớm đưa EVIPA đi vào hiệu lực, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới
Ngày 28/4, tại Hà Nội diễn ra phiên họp lần 3 Ủy ban hỗn hợp triển khai Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA).
Phiên họp lần 3 Ủy ban hỗn hợp triển khai Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA) được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Tổng vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương thuộc Cơ quan đối ngoại EU Gunnar Wiegand.
Tham dự phiên họp có các bộ, ngành Việt Nam, Cơ quan đối ngoại EU, Ủy ban châu Âu, Phái đoàn Liên minh châu Âu và Đại sứ quán các nước thành viên EU tại Việt Nam. Phiên họp diễn ra trong bầu không khí cởi mở, thẳng thắn và xây dựng.
Hai Trưởng đoàn đánh giá cao việc hai bên đã tích cực chuẩn bị tổ chức phiên họp nhằm rà soát tình hình hợp tác, đưa ra các biện pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU. Mặc dù tình hình thế giới biến chuyển phức tạp và tác động của đại dịch Covid-19, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam-EU vẫn duy trì đà phát triển tốt đẹp, thể hiện qua các trao đổi, tiếp xúc cấp cao, tăng trưởng hợp tác thương mại - đầu tư và hợp tác phát triển.
Hai bên thảo luận về tình hình và kế hoạch triển khai các khuôn khổ hợp tác, trong đó có việc tổ chức Tiểu ban Quản trị tốt, pháp quyền và quyền con người và Đối thoại Quốc phòng – an ninh trong năm 2022.
Hai bên đánh giá cao những kết quả tích cực trong triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và nhất trí sẽ thúc đẩy sớm đưa Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam–EU (EVIPA) đi vào hiệu lực, đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình viện trợ đa niên 2021-2027 mà EU dành cho Việt Nam.
EU hoan nghênh những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam thực hiện các cam kết trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường và sẵn sàng phối hợp thúc đẩy khả năng thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam.
Hai bên cũng trao đổi những biện pháp cần thiết để phòng, chống các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Việt Nam.
Việt Nam khẳng định nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về IUU và đề nghị EU xem xét sớm gỡ bỏ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam.
Hai bên thảo luận về tình hình triển khai Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) và dự thảo Luật của EC về chống phá rừng.
Trong bối cảnh EU đang triển khai các chiến lược, chính sách hướng tới khu vực như Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Cổng Kết nối toàn cầu và Việt Nam đã xác định các định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại – đầu tư, hợp tác phát triển vì mục tiêu phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai bên đã trao đổi quan điểm về một số diễn biến quốc tế và khu vực gần đây và nhất trí tăng cường phối hợp trên các diễn đàn đa phương. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Hai bên thống nhất sẽ tổ chức Phiên họp lần 4 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-EU vào năm 2023 tại Brussels (Bỉ).