Việt Nam – Indonesia: Giao lưu văn hóa song hành với hợp tác phát triển kinh tế

Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP HCM vừa phối hợp cùng Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP HCM tổ chức chương trình 'Giao lưu văn hóa - nghệ thuật - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Indonesia'.

Tổng lãnh sự Indonesia giao lưu, trao đổi tại tọa đàm kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Indonesia.

Tổng lãnh sự Indonesia giao lưu, trao đổi tại tọa đàm kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Indonesia.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm mối quan hệ hữu nghị và chiến lược giữa Việt Nam và Indonesia, Tổng lãnh sự quán nước Cộng hòa Indonesia tại TP HCM phối hợp cùng Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP HCM vừa tổ chức Chương trình “Giao lưu văn hóa - nghệ thuật - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Indonesia” tại Nhà hát VOH One Music (Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM) ngày 23/5.

Tại sự kiện, Tổng lãnh sự Indonesia tại TP HCM Agustaviano Sofjan đã đề cập về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 gồm tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế ASEAN, đẩy lùi nạn buôn bán người dưới tác động của lạm dụng công nghệ, phát triển hệ sinh thái phương tiện giao thông xanh ở khu vực, thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tăng cường giao dịch bằng đồng bản tệ, bảo vệ lao động di cư trong các tình huống khủng hoảng và thúc đẩy quyền của ngư dân di cư.

Ông Agustaviano Sofjan – Tổng lãnh sự Indonesia tại TP HCM trao đổi tại tọa đàm kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Indonesia. Ảnh: VOH

Ông Agustaviano Sofjan – Tổng lãnh sự Indonesia tại TP HCM trao đổi tại tọa đàm kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Indonesia. Ảnh: VOH

Đối với Việt Nam, ông khẳng định, kể từ khi thiết lập mối quan hệ ngoại giao năm 1955, Việt Nam và Indonesia đã cùng nhau đạt được những tiến bộ vượt bậc và vươn đến những tầm cao mới, đặc biệt là khía cạnh kinh tế sau thời gian khó khăn của đại dịch Covid-19.

Tổng lãnh sự Agustaviano Sofjan cho biết: "Quan hệ Việt Nam và Indonesia đã đóng góp vô cùng đáng kể vào sự phát triển chung của ASEAN. Hai nước đóng góp đến 60% dân số của khu vực và 45% giá trị GDP kinh tế của cả khối ASEAN.

Trong mười năm hợp tác chiến lược, Việt Nam và Indonesia đã tăng cường phát triển những cơ chế hợp tác giao thương doanh nghiệp trong các lĩnh vực thực phẩm, công nghệ, điện tử và hàng hải, với chính sách ngày càng cởi mở và hiệu quả hơn".

Đúc kết về mối quan hệ của Việt Nam - Indonesia trong cộng đồng chung ASEAN, ông Sofjan nói: “Chúng ta phải duy trì tinh thần đoàn kết, tự cường và tự chủ chiến lược để ASEAN giữ vững vị trí, vai trò và hình ảnh trong khu vực và trên thế giới. Khu vực của chúng ta sẽ là lực lượng trung tâm trong tiến trình củng cố hòa bình, duy trì ổn định và hợp tác kinh tế chiến lược ở Đông Nam Á và rộng lớn hơn là châu Á - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Đề cập đến vấn đề năng lượng xanh, ông Lê Ngọc Ánh Minh - Giám đốc Pacific Group, Chủ tịch Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam - ASEAN nhấn mạnh: “Chúng ta đã được nghe rất nhiều về năng lượng sạch và kinh tế net zero. Trong tương lai, sử dụng năng lượng sạch là xu thế tất yếu”.

Ông Minh cho biết, với vai trò là thành viên của Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam - ASEAN sẽ kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam và khu vực ASEAN nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu công nghệ.

Bên cạnh đó, câu lạc bộ cũng sẽ tổ chức những buổi tọa đàm, hội thảo về các dự án năng lượng sạch và phương thức các doanh nghiệp nên thực hiện để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 một cách hiệu quả trong thời gian sớm nhất.

Đại diện của Tập đoàn Cộng đồng Tâm giới thiệu dự án phao cứu sinh cho ngư dân.
Ảnh: VOH

Cũng tại sự kiện, dự án phao cứu sinh đa năng cho ngư dân với nhiều tính năng mới trong tình huống khẩn cấp được ông Lê Năng Hùng - đại diện nhóm nghiên cứu Tập đoàn Cộng đồng tâm giới thiệu, thực hiện theo hình thức xã hội hóa để các ngư dân dễ tiếp cận với sản phẩm theo hình thức trả góp hoặc bảo hiểm.

Theo ông Hùng, Việt Nam và Indonesia là các quốc gia có vùng biển lớn và ngư nghiệp là một trong những ngành kinh tế chủ lực. Vì vậy, sự an toàn của ngư dân phải được ưu tiên để lực lượng này tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của ngành hàng hải.

Đại diện Tập đoàn Cộng đồng Tâm mong muốn sản phẩm này sẽ được lan tỏa đến các quốc gia ASEAN để cùng nhau thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền lợi cư dân lao động, đặc biệt là người lao động trong lĩnh vực kinh tế biển.

Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, cơ hội phát triển thị trường trong khu vực cộng đồng chung ASEAN liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi số, thương mại điện tử xuyên quốc gia, bao bì, chăn nuôi, chế biến thực phẩm...

Chia sẻ về tiềm năng kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Indonesia, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP HCM - PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân cho biết: "Giao lưu văn hóa phải đi song hành với phát triển kinh tế và như vậy mới đảm bảo được sự phát triển toàn diện, bao trùm. Văn hóa chính là nền tảng cho mọi vấn đề, là sự phát triển bền vững nhưng cần phải có kinh tế thì mới phát huy được vai trò của văn hóa".

Khẳng định về ý nghĩa của chương trình, ông Đỗ Việt Hà - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP HCM nhấn mạnh: "Chương trình vừa có hoạt động kết nối doanh nghiệp, vừa có hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có một bức tranh trọn vẹn trong quan hệ giữa Việt Nam và Indonesia, càng gắn kết với nhau hơn và cũng làm tô đẹp hơn truyền thống của hai quốc gia, dân tộc. Chúng ta cùng vượt qua khó khăn và hướng tới tương lai bền vững hơn".

Tổng lãnh sự Indonesia cũng cho rằng, nền tảng của quan hệ giữa Indonesia và Việt Nam đó là mối quan hệ giữa dân tộc hai nước hay còn được gọi là quan hệ giữa nhân dân với nhân dân. Sự kết nối này được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa: âm nhạc, nghệ thuật, ẩm thực cũng như các sự kiện thể thao để mang cộng đồng của chúng ta đến gần nhau hơn.

Một số hình ảnh tại buổi Giao lưu văn hóa - nghệ thuật và kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Indonesia:

Tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc với các bản nhạc Việt Nam và Indonesia do sinh viên khoa Âm nhạc truyền thống, trường Đại học FPT TP HCM trình bày. Ảnh: VOH

Tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc với các bản nhạc Việt Nam và Indonesia do sinh viên khoa Âm nhạc truyền thống, trường Đại học FPT TP HCM trình bày. Ảnh: VOH

Những tiết mục văn hóa, nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của hai dân tộc Việt Nam, Indonesia như tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc, trình diễn áo dài tứ thân, múa rối bóng da lồng ghép múa Bali, các bài hát dân ca và hiện đại... được nghệ sĩ của hai nước phối hợp biểu diễn.

Bộ sưu tập áo ngũ thân truyền thống do nghệ nhân Phạm Văn Tuyền thiết kế

Bộ sưu tập áo ngũ thân truyền thống do nghệ nhân Phạm Văn Tuyền thiết kế

Vở kịch sân khấu trình chiếu Wayang (múa rối bóng da) của Indonesia

Vở kịch sân khấu trình chiếu Wayang (múa rối bóng da) của Indonesia

Điệu nhảy truyền thống Bali

Điệu nhảy truyền thống Bali

Các nghệ sĩ nhóm Saung Angklung Mang Udjo trình diễn bằng nhạc cụ Angklung

Các nghệ sĩ nhóm Saung Angklung Mang Udjo trình diễn bằng nhạc cụ Angklung

Khán giả lên sân khấu giao lưu trực tiếp cùng các nghệ sĩ

Khán giả lên sân khấu giao lưu trực tiếp cùng các nghệ sĩ

Ngọc Linh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-indonesia-giao-luu-van-hoa-song-hanh-voi-hop-tac-phat-trien-kinh-te-post22061.html