Việt Nam khởi động điện mặt trời áp mái: hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/hộ gia đình

Không như các nhà máy điện mặt trời (ĐMT) nối lưới quy mô lớn, đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng lưới điện, các hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) có thể được phát triển rộng rãi mà không phải nâng cấp lưới điện phân phối. Công nghệ này đặc biệt hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh tại chỗ.

Sáng ngày 25.7 tại TP.HCM, Bộ Công Thương Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cùng các nhà tài trợ khởi động Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam.

Theo đó, chương trình sẽ hỗ trợ cho khách hàng sinh hoạt (hộ gia đình) trên phạm vi cả nước với mức 3 triệu đồng/kWp, tối đa không quá 6 triệu đồng/khách hàng. Thời gian thực hiện kéo dài từ năm 2019 – 2021.

Mục tiêu sẽ có khoảng 50.000 – 70.000 khách hàng lắp đặt ĐMTMN được hỗ trợ nối lưới; với công suất lắp đặt từ 130 MWp – 150 MWp.

Chương trình được thực hiện từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 14,5 triệu EUR của Chính phủ Đức (thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức KfW).

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được ủy quyền trong việc lựa chọn nhà cung cấp, lắp đặt thiết bị, tuyên truyền dự án, xác nhận lắp đặt thiết bị, chi hỗ trợ.

Quy trình đấu nối ĐMTMN:

Tại buổi phát động, EVN cho biết, một trong những khó khăn trong thực hiện chương trình hiện nay là chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật chung về các thiết bị ĐMTMN. Chưa có quy định về xây dựng đảm bảo an toàn, thẩm mỹ khi lắp đặt ĐMTMN.

Ngoài ra còn thiếu những quy định cụ thể, như với các dự án ĐMT có công suất ≤ 1MW lắp đặt trên ao nuôi thủy sản, chuồng trại chăn nuôi gia súc, trên bể chứa nước, trên khuôn viên đất vườn, ... có được xem là ĐMTMN hay không? Cơ chế khuyến khích đối với mô hình nhà đầu tư (là bên thứ 3) tham gia đầu tư ĐMTMN để bán điện lên lưới hiện vẫn chưa có,...

Kết quả phát triển ĐMTMN (cập nhật tới 18.7.2019):

Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo hy vọng chương trình phát triển ĐMTMN có thể giải quyết được khoảng 6% đỉnh sản lượng điện vào thời gian ban ngày; với khoảng 100 nghìn hệ thống ĐMTMN sẽ được lắp đặt và vận hành vào cuối năm 2025. Khảo sát của Worldbank, TP.HCM có tiềm năng ĐMTMN khoảng 6.000 MW, Đà Nẵng khoảng 1.000 MW,…

Theo ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, mục tiêu chương trình tham vọng nhưng khả thi, do Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và một thị trường thiết bị điện mặt trời đang phát triển.

Không như các nhà máy ĐMT nối lưới quy mô lớn, đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng lưới điện, các hệ thống ĐMTMN có thể được phát triển rộng rãi mà không phải nâng cấp lưới điện phân phối. Công nghệ này đặc biệt hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh tại chỗ.

Chia sẻ về mô hình phát triển ĐMTMN, ông Koen Duchateau, Trưởng bộ phận Hợp tác Phát triển của EU cho biết, tại một số nước Châu Âu, người dân có thể liên kết với nhau thành lập tổ chức về điện để cùng đầu tư và vận hành các dự án quy mô lớn về NLTT. Ví dụ, dự án ĐMT lớn lắp đặt tại trường học hay cột gió cỡ lớn, những khoản đầu tư mà chính các cá nhân cũng không thể tự hình dung ra.

“70% ĐMT của Đức hiện nay đến từ hơn 1,5 triệu hệ thống ĐMTMN. Thông qua tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ và Ngân hàng tái thiết Đức KfW, chúng tôi sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, triển khai các hoạt động nghiên cứu và chương trình tài trợ thí điểm, nhằm khuyến khích khu vực tư nhân và hộ gia đình tham gia vào kinh doanh phát triển ĐMTMN”, ông Sebastian Paust, đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết.

Kế hoạch phát triển nguồn điện toàn quốc. Nguồn: EVN

Kế hoạch phát triển nguồn điện toàn quốc. Nguồn: EVN

Chương trình Thúc đẩy phát triển ĐMTMN tại Việt Nam giai đoạn 2019 – 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt theo Quyết định 2023/QĐ-BCT vào ngày 5.7.2019 gồm năm hợp phần: (1) Xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường; (2) xây dựng tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm; (3) Thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm; (4) Chương trình Chứng chỉ Điện mặt trời áp mái và (5) Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và Chiến lược truyền thông.

Chương trình nhằm khích phát triển các dự án ĐMT phân tán, các dự án ĐMT tại các khu vực khả thi về đấu nôívà gần phụ tải. Hỗ trợ, khuyến khích khách hàng sử dụng điện (sinh hoạt, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ) đầu tư phát triển các dự án ĐMTMN từ khu vực miền Trung trở vào miền Nam. Đồng thời khuyến khích đầu tư các hệ thống tích trữ năng lượng, nâng cao hiệu quả phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) cũng như tăng độ ổn định cho lưới điện.

Tính toán của EVN cho rằng, để cân bằng cung cầu đến năm 2030 thì năm 2019 sẽ phải huy động nguồn nhiệt điện chạy dầu với sản lượng tương ứng khoảng 1,7 tỷ kWh, và 5,2 tỷ kWh vào năm 2020.

Trong giai đoạn từ năm 2021-2025, khả năng thiếu điện tại miền Nam tăng cao với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022), vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh.

L.Quỳnh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/viet-nam-khoi-dong-dien-mat-troi-ap-mai-ho-tro-toi-da-6-trieu-dong-ho-gia-dinh-19727.html