Việt Nam không điều chỉnh mục tiêu về phát triển bền vững

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam quyết tâm không điều chỉnh các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, chiều 4/1. Ảnh: TTXVN

Chiều 4/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đã chủ trì phiên họp nghe Báo cáo quốc gia năm 2020 về tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đánh giá khả năng hoàn thành của Việt Nam đến năm 2030.

Theo kết quả phân tích, đến năm 2030, Việt Nam sẽ đạt được 5 trong số 17 nhóm mục tiêu phát triển vững, bao gồm: Mục tiêu 1 (xóa nghèo); mục tiêu 2 (xóa đói); mục tiêu 4 (giáo dục có chất lượng); mục tiêu 13 (các hành động bảo vệ khí hậu); mục tiêu 17 (quan hệ đối tác toàn cầu).

Tuy nhiên, 10 nhóm mục tiêu gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành vào năm 2030, bao gồm: Sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc; bình đẳng giới; nước sạch và vệ sinh; năng lượng sạch và giá cả hợp lý; tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; giảm bất bình đẳng xã hội; thành phố và cộng đồng bền vững; bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học; hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh.

Ngoài ra, có 2 nhóm mục tiêu rất khó hoàn thành, bao gồm: Sản xuất và tiêu dùng bền vững; bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển.

Một số thành viên Hội đồng cho rằng, dựa trên cơ sở dữ liệu có sẵn trong giai đoạn 2015-2020, nhiều mục tiêu phát triển bền vững sẽ gặp khó khăn, thách thức hoặc rất khó đạt được vào năm 2030.

Trong khi đó, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn bộc lộ nhiều vấn đề chưa bền vững như: Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn; chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, đặc biệt là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số con sông.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế, chính sách đã dần hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững nhưng vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến sự đồng bộ và thực thi hiệu quả các chính sách đã ban hành.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng, đến năm 2025, chương trình hành động về phát triển bền vững cần tập trung vào một số mục tiêu cụ thể như tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi; tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả...

Cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, Việt Nam sẽ tăng cường khả năng chống chịu trước các rủi ro bất định do biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh; nâng cao nhận thức nhằm tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã hội cùng nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030; tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao vai trò, vị thế quốc gia.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sẽ khó khăn hơn, nhưng Hội đồng thống nhất quyết tâm không điều chỉnh và phấn đấu đạt được mục tiêu đã đề ra.

Trên cơ sở thống nhất triển khai tiêu chí đến cấp địa phương, Hội đồng đồng tình giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện bộ công cụ để Bộ Kế hoạch và Đầu tư giám sát thực hiện các tiêu chí phát triển bền vững.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-khong-dieu-chinh-muc-tieu-ve-phat-trien-ben-vung-post112229.html