Việt Nam là ưu tiên trong hợp tác kinh tế, thương mại của cộng đồng Pháp ngữ
Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ mong muốn tiếp tục được hợp tác với Việt Nam trong tăng cường giảng dạy tiếng Pháp cũng như hợp tác kinh tế, thương mại của cộng đồng mà Việt Nam là một trong những ưu tiên.
Chiều 25/3, tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo đang thăm Việt Nam và dự Diễn đàn Kinh tế cấp cao Pháp ngữ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong hoạt động xúc tiến kinh tế và thương mại, với gần 100 doanh nhân từ các nước có sử dụng tiếng Pháp ở khắp các châu lục.
Ghi nhận nỗ lực của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ trong các hoạt động hướng tới người dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước thành viên. Vì với 88 quốc gia và chính quyền bang, có dân số 1,2 tỷ người chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu, không gian kinh tế Pháp ngữ có tiềm năng rất lớn, cần được phát huy để đóng góp nhiều hơn cho phục hồi và phát triển kinh tế ở các nước thành viên.
Trên cơ sở phát huy các thế mạnh của Việt Nam về thị trường gần 100 triệu dân, Chủ tịch nước đề nghị hai bên tiếp tục kết nối các doanh nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác Nam - Nam, Hợp tác ba bên giữa Việt Nam và các nước châu Phi, nhất là về gạo, bông, điều, cà phê, cũng như hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh châu Phi, đồng thời tăng cường hỗ trợ đào tạo cho các chiến sĩ quân đội và sắp tới là công an của Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình tại các nước Pháp ngữ tại châu Phi.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng mong Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không, không đe dọa, sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Với quan điểm Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ phải đặt tiếng Pháp trong môi trường đa ngôn ngữ thay vì cạnh tranh giữa các ngôn ngữ, Tổng Thư ký Louise Mushikiwabo mong muốn tiếp tục được hợp tác với Việt Nam trong tăng cường giảng dạy tiếng Pháp cũng như hợp tác kinh tế, thương mại của cộng đồng mà Việt Nam là một trong những ưu tiên.