Việt Nam luôn đi trước khuyến cáo của WHO
'Có thể nói đối phó với dịch COVID-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới' - PGS-TS Lương Ngọc Khuê.
Từ cuối năm 2019, khi Việt Nam có những ca nhiễm đầu tiên, Bộ Y tế đã nghiên cứu với đội ngũ chuyên gia để đưa ra phác đồ điều trị cho BV Chợ Rẫy cùng BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM áp dụng.
Ở giai đoạn 1, 16/16 bệnh nhân đều được áp dụng những phác đồ này để điều trị và tất cả đều khỏi bệnh.
Dịch COVID-19 bước sang giai đoạn 2 từ ngày 5-3 và diễn biến phức tạp cho đến nay, số bệnh nhân mắc COVID-19 trên cả nước đã là 241 người, trên 20 địa phương khắp cả nước.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có phác đồ điều trị hiệu quả đối với COVID-19.
Với căn bệnh này, các chuyên gia nhận thấy có những đặc thù với căn bệnh SARS trước kia và bệnh dịch mới nổi hiện nay nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước tết. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện.
Ngành y tế đã họp ngay hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành. Có thể nói tại Việt Nam, những hướng dẫn chuyên môn điều trị bệnh thường được xây dựng rất sớm.
Ngay sau khi điều trị khỏi cho ba bệnh nhân ra viện tại BV Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa và BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bộ Y tế tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị lần 2, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất.
“Có thể nói đối phó với dịch COVID-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới” - PGS-TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.
Đến ngày 26-3, Bộ Y tế công bố hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 phiên bản lần thứ ba với rất nhiều điểm mới.
Hướng dẫn này đã thay đổi định nghĩa ca bệnh “nghi ngờ”, đồng thời bỏ các định nghĩa ca bệnh “có thể” vì năng lực xét nghiệm cao hơn trước. Phác đồ tập trung chính vào điều trị suy hô hấp. Và đến nay đã có 91 bệnh nhân công bố khỏi bệnh, 21 bệnh nhân âm tính một lần và 18 bệnh nhân âm tính hai lần.
Bên cạnh việc có phác đồ điều trị phù hợp, những thành công mà y tế Việt Nam làm được đến thời điểm này còn nhờ rất lớn vào nỗ lực của các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch, cùng với đội ngũ y, bác sĩ đang hằng ngày chữa bệnh cho các bệnh nhân mắc COVID-19 trên cả nước.
Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, Vĩnh Phúc là cơ sở y tế tuyến huyện điều trị thành công sáu trường hợp mắc COVID-19 ở giai đoạn 1. BS Lưu Thị Xuân, Trưởng phòng khám, chia sẻ mình đã có những ngày tâm lý hoang mang vô cùng. Hoang mang không phải vì bệnh khó chữa mà vì sức ép tâm lý và không chịu nổi sự kỳ thị của người dân xung quanh.
“Dịch bệnh COVID-19 tác động trực tiếp đến tâm lý người thân trong gia đình y, bác sĩ, nhân viên y tế. Ở phòng khám này có câu chuyện nữ nhân viên y tế, chồng công tác ở xa, con còn nhỏ, hết ngày trực gọi điện thoại hỏi thăm con trước khi về nhà thì bố mẹ lại khuyên ở luôn bệnh viện, đừng về vì sợ cả nhà cùng bị cách ly, sợ hàng xóm chửi bới” - BS Xuân nói.
Theo BS Xuân, COVID-19 là dịch mới nguy hiểm, không thể lơ là, chủ quan, cơ sở y tế tuyến huyện như Quang Hà cũng có thể chiến thắng dịch bệnh nhờ vào sự giúp đỡ của Bộ Y tế. “Đội ngũ bác sĩ tuân thủ phác đồ và thực hiện đúng các hướng dẫn phòng dịch COVID-19 của Bộ Y tế. Mọi người cùng gác niềm riêng lại vì việc chung chắc chắn sẽ đẩy lùi được dịch bệnh” - BS Xuân tâm sự.
Còn theo BS Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới (BV Đà Nẵng), BV Đà Nẵng luôn tuân thủ và bám sát phác đồ điều trị của Bộ Y tế trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân. Ngoài ra, đội ngũ y tế BV Đà Nẵng cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng làm nhiệm vụ với tinh thần lạc quan nhất.
“Chúng tôi không lo lắng gì trong thời gian làm việc cả, dù một tháng rồi chưa về nhà. Chỉ cần bệnh nhân vui vẻ, lạc quan và trở về cuộc sống đời thường thì đó đã là niềm vui và phần thưởng dành cho những người làm công tác y tế. Chúng tôi luôn xác định là nếu còn dịch thì còn phải chiến đấu. Hy vọng là chúng tôi sẽ thành công và đất nước chúng ta sẽ sớm dập được dịch, trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân” - BS Hàm tâm sự.
Phác đồ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 của Việt Nam tham khảo từ nghiên cứu của Trung Quốc qua hàng trăm, hàng ngàn ca điều trị tại nước này và từ các trung tâm nghiên cứu lớn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Điều trị cho các bệnh nhân vừa qua chưa cần các thuốc điều trị khác biệt, vẫn là các thuốc sẵn có sử dụng tại các cơ sở y tế.
BS NGUYỄN TRUNG CẤP, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/viet-nam-luon-di-truoc-khuyen-cao-cua-who-903225.html