Việt Nam nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt

Bộ Y tế đang lấy ý kiến các tổ chức, doanh nghiệp đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28-1-2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Việt Nam nằm trong nhóm danh sách 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu muối i-ốt.

Việt Nam nằm trong nhóm danh sách 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu muối i-ốt.

Theo đó, đối với quy định của khoản 1, Điều 6 của Nghị định, Bộ Y tế đề nghị giữ nguyên quy định về các thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng tương ứng, gồm muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt; bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm; dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp.

Báo cáo 2021 của Mạng Lưới Toàn cầu về Phòng Chống các rối loạn do thiếu i-ốt cho thấy Việt Nam đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt. Theo Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 tại Việt Nam, trung vị i-ốt niệu của đối tượng trẻ em toàn quốc (trên 6 tuổi) là 113,3 mcg/l, trẻ em miền núi là 90,0 mcg/l, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là 98,9 mcg/l, phụ nữ có thai là 85,3 mcg/l; trong khi mức khuyến cáo của WHO cho trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ là 100-199 mgc/l, cho phụ nữ có thai là 150-249 mcg/l.

Hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%; trong khi khuyến cáo của WHO là phải trên 90%. Như vậy chỉ số trung vị i-ốt niệu và chỉ số hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đều đạt ở mức nguy cơ cận dưới và không đạt so với khuyến cáo của WHO.

Với kết quả này, khẳng định quần thể người dân Việt Nam chưa đạt đủ lượng i-ốt tiêu thụ hàng ngày so với khuyến nghị. Đây là căn cứ để dự thảo sửa đổi Nghị định 09 không thay đổi khoản 1 Điều 6; cần tiếp tục thực hiện muối dùng để ăn trực tiếp và dùng trong chế biến thực phẩm cần phải được tăng cường i-ốt.

Cũng theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết trung ương và Viện Dinh dưỡng cho biết, hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân thừa i-ốt. Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019-2020, cho thấy hầu hết các nhóm đối tượng, mức trung vị i-ốt niệu đều không đạt so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thấp nhất ở phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú, tương ứng là 85,3 mcg/l và 89,5 mcg/l; phụ nữ tuổi sinh đẻ là 98,9 mcg/l; ở nhóm đối tượng trẻ em trên 6 tuổi là 113,3 mcg/l; trẻ em (miền núi) là 90,0 mcg/l. Tỷ lệ người có nồng độ i-ốt niệu vượt quá ngưỡng 300 ppm là 0% (ngưỡng > 300ppm là ngưỡng có I-ốt niệu cao).

WHO khuyến nghị mức trung vị i-ốt niệu từ 100-199 mcg/l đối với trẻ em và 150-249 mcg/l đối với phụ nữ có thai để đảm bảo tình trạng dinh dưỡng i-ốt tối ưu, đây là chỉ tiêu phản ánh việc tiêu thụ i-ốt trong thực phẩm. Với kết quả này, khẳng định quần thể người dân Việt Nam vẫn còn chưa đạt đủ lượng i-ốt tiêu thụ hàng ngày so với khuyến nghị.

Bộ Y tế cũng cho biết chưa nhận được bất kỳ bằng chứng khoa học nào của doanh nghiệp liên quan đến việc sử dụng muối tăng cường i-ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.

Vì vậy, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo theo hướng giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 09/2016/NĐ-CP và chỉ sửa một số nội dung cho phù hợp với Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Dự kiến, dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ xem xét trong tháng 11-2024.

H.Q- B.T

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/viet-nam-nam-trong-nhom-26-nuoc-con-lai-tren-the-gioi-bi-thieu-i-ot-post303907.html