Việt Nam-Nhật Bản trao đổi Công hàm về dự án phục hồi di sản văn hóa
Ngày 27/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ngài Yamada Takio đã trao đổi Công hàm về Dự án 'Nâng cao năng lực bảo quản và phục hồi di sản văn hóa của Bảo tàng Lịch sử quốc gia'.
Đây là một trong số những văn kiện quan trọng được ký kết nhân chuyến thăm chính thức của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Nhật Bản (26/11-30/11/2023) góp phần vào thành công chung của chuyến thăm, ngay sau khi Lãnh đạo hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Ngay sau khi trao đổi Công hàm, sáng ngày 28/11/2023, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc và ký kết với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Thỏa thuận viện trợ của Dự án "Nâng cao năng lực bảo quản và phục hồi di sản văn hóa của Bảo tàng Lịch sử quốc gia".
Tham dự buổi tiếp có Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Hải Vân. Về phía JICA có Cục trưởng Cục Triển khai hợp tác tài chính, Phó Giám đốc cấp cao Vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản và JICA nói riêng đối với các dự án bảo tồn, tu bổ các di sản văn hóa của Việt Nam như dự án tu sửa các nhà cổ Hội An, và đặc biệt là dự án nâng cao năng lực bảo quản và phục hồi di sản văn hóa của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được hai bên ký kết nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Phu nhân.
Đây là dự án quan trọng đối với Bảo tàng Lịch sử quốc gia nơi lưu giữ trên 200.000 tài liệu, hiện vật phản ánh tiến trình lịch sử của dân tộc với nhiều bộ sưu tập quý hiếm có niên đại từ thời Tiền, Sơ sử đến ngày nay, đặc biệt, trong đó có 22 bảo vật quốc gia, do đó công tác bảo quản các di sản văn hóa theo đúng các quy trình, cùng với sự hỗ trợ máy móc hiện đại là nhu cầu thiết yếu của Bảo tàng. Trên tinh thần đó, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, hai bên tăng cường phối hợp để triển khai hiệu quả Dự án này.
Nhất trí với đề nghị của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, ông Sanjo Akihito, JICA khẳng định mục tiêu của Dự án là nâng cao năng lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua việc nâng cao năng lực bảo quản, giám định tài liệu, hiện vật, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về bảo quản tài liệu, hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các bảo tàng, di tích trong cả nước Việt Nam, góp phần cho các thế hệ tương lai có cơ hội được tiếp cận, nghiên cứu và thưởng lãm di sản văn hóa của dân tộc.
Thông tin về Dự án "Nâng cao năng lực bảo quản và phục hồi di sản văn hóa của Bảo tàng Lịch sử quốc gia": Dự án được Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại dành cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam do Nhà tài trợ (Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA) trực tiếp quản lý và thực hiện. Trong thời gian qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có định hướng nghiên cứu xây dựng trung tâm bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia với nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng quy trình, thực hiện bảo quản tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các bảo tàng trong cả nước.
Trước những nhu cầu thực tế trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường trao đổi, đề xuất với phía Nhật Bản và được Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam viện trợ không hoàn lại để nâng cao năng lực bảo quản và phục hồi di sản văn hóa của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cung cấp khoảng 27 loại trang thiết bị, máy móc chuyên dụng khác nhau phục vụ công tác bảo quản trị liệu và giám định tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng, từ đó góp phần hỗ trợ phát triển nghiên cứu khoa học bảo quản, nâng cao chất lượng bảo quản tài liệu, hiện vật, số lượng tài liệu, hiện vật được bảo quản hiệu quả.
Dự án "Nâng cao năng lực bảo quản và phục hồi di sản văn hóa của Bảo tàng Lịch sử quốc gia" trực tiếp góp phần quan trọng nâng cao nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc và hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước, trong đó việc bảo tồn di sản văn hóa đóng vai trò then chốt, nâng cao nguồn lực là một trong những giải pháp quan trọng.