Việt Nam phải đón đầu tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững và tự chủ

Đó là nhấn mạnh của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 3-11.

Thời điểm quyết định của một “chặng bay mới”

Góp ý vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhắc lại khát vọng phát triển với những mục tiêu: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Nếu cho rằng đây là một "chặng bay mới" hay “đổi mới lần 2” để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, gia nhập đội ngũ các nước phát triển, thì giai đoạn 5 năm tới có ý nghĩa quyết định.

Để đạt được những cột mốc phát triển, đại biểu cho rằng, chúng ta phải có những giải pháp, kế hoạch hành động đề án khả thi, khoa học trong điều kiện bình thường mới khi những vấn đề dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp. Điều đó đòi hỏi cần đổi mới cách đặt mục tiêu cũng như cơ chế, giải pháp thực hiện. Đơn cử như, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đang thay đổi sức mua, cách thức tiêu thụ... đòi hỏi chúng ta phải thích ứng. Hay hướng phát triển du lịch khi tương lai sẽ xuất thêm những dịch bệnh khác. Chúng ta cần làm gì để khai thác được thị trường nội địa 100 triệu dân....

 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

“Dịch bệnh có thể làm phá sản các kế hoạch tham vọng của những nước phát triển nhưng cũng có thể đưa một nước đang phát triển vượt lên nếu có chiến lược hành động đúng đắn, bộ máy lãnh đạo liêm khiết...”, đại biểu nhấn mạnh và cho rằng, trong giai đoạn tới đây Việt Nam phải đón đầu tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững và tự chủ.

Cần đi đầu trong chuyển đổi số

Góp ý tại phiên họp, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình kỳ họp lần này với nhận định: Nếu như Trung Quốc và Thái Lan tham gia vào toàn bộ chuỗi cung ứng dệt may thì Việt Nam chỉ dừng lại ở khâu cuối cùng là gia công theo hình thức lắp ráp các chi tiết nhập khẩu hoặc hoàn thành các sản phẩm giày dép, quần áo từ các nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Trước nhiều nhận định và kỳ vọng gần đây về khả năng Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất máy tính thế giới, đại biểu tỉnh Bình Dương cho rằng “chúng ta cần phải tỉnh táo trước nhận định này”. Bởi lẽ, 3/4 số lượng các bộ vi xử lý của Tập đoàn Intel được sản xuất tại Mỹ, còn lại là ở Iceland và Israel; trong khi đó cơ sở Intel ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào kiểm lỗi và đóng gói... - đại biểu dẫn chứng.

“Điều này cho thấy Việt Nam thiếu hẳn công nghệ hiện đại. Lợi nhuận từ khâu gia công quần áo, giày dép đến kiểm lỗi, đóng gói là bao nhiêu trong tổng giá thành sản phẩm đó, rất cần câu trả lời của nhà hoạch định chính sách”, đại biểu bày tỏ băn khoăn.

 Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Bên cạnh việc thiếu công nghệ hiện đại, đại biểu Phạm Trọng Nhân cũng cho rằng, chúng ta thiếu cả nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đạt được kỳ tích thịnh vượng vào năm 2045 thì phải vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, như dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội XIII đề ra, có nghĩa là thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.000 USD vào năm 2025, trong khi GDP đầu người năm 2019 chỉ là 2.750 USD. Như vậy, trong 5 năm tới chúng ta phải đạt gần gấp đôi con số hiện tại, trong khi để nâng cao năng suất lao động thì hàm lượng lao động lành nghề, trình độ giáo dục cao - các mẫu cấu phần rất quan trọng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình - lại là một trong những điểm “nghẽn” hiện nay của nền kinh tế.

Một điều quan trọng là trong kịch bản tăng trưởng mà đại biểu Phạm Trọng Nhân nhắc đến nữa, đó là “chúng ta luôn đặt mình ở thế động và các nước so sánh ở thế tĩnh”. Trong khi đó, theo đại biểu, với thời đại khoa học, công nghệ phát triển vũ bão hiện nay thì khi chúng ta tiến một bước thì các nước cũng tiến nhiều bước quan trọng.

“Tỉ trọng đầu tư và đổi mới sáng tạo trong GDP của Úc, Singapore là 2,2%, Trung Quốc là 2,1%, Malaysia là 1,3%; còn Việt Nam là 0,4%. Với tỉ lệ khiêm tốn như trên thì công cuộc chuyển đổi số cho một nền kinh tế hậu Covid-19 cũng không dễ dàng gì, khi tâm lý những doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như ít quan tâm đến chuyển đổi số, do đặc thù, tính chất cũng như nhiều lý do khác”, đại biểu phân tích.

Do đó, đại biểu Nhân cho rằng, để quá trình chuyển đổi thành công thì trước tiên Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp phải đi đầu nhằm lôi cuốn tất cả các thành phần trong xã hội tham gia. Theo đại biểu, để đi đầu thì phải chuyển đổi nhận thức, bởi chuyển đổi số đơn giản là sự chuyển đổi nhận thức mà Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định. Dẫn chứng lại câu chuyện về chuyển đổi số của Estonia bắt đầu từ năm 1995 đến nay - nước Cộng hòa số đầu tiên của thế giới và việc chuyển đổi số của họ bắt đầu từ trường học, đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ tin tưởng, chúng ta từng là nguồn cảm hứng và niềm tin cho nhiều quốc gia, bằng những kỳ tích của thời chiến thì trong 25 năm nữa, chúng ta phải là nguồn cảm hứng mới cho phần đang phát triển còn lại của thế giới!

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/viet-nam-phai-don-dau-tang-truong-phat-trien-nhanh-ben-vung-va-tu-chu-642845