Việt Nam phấn đấu trở thành một trong 5 quốc gia xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới vào năm 2030

Thông tin tại Hội nghị Tham vấn phát triển ngành chế biến rau củ quả phục vụ tái cơ cấu do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ đang xây dựng Đề án phát triển ngành chế biến rau củ giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới vào năm 2030..

Việt Nam có lợi thế và tiềm năng để đẩy mạnh sản xuất, chế biến rau củ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Việt Nam có lợi thế và tiềm năng để đẩy mạnh sản xuất, chế biến rau củ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (CBPTTTNS), Bộ NNPTNT) từ năm 2015-2019, ngành rau quả chế biến đã có bước phát triển mạnh so 5 năm trước khi tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân 8-10%. Nhờ công nghiệp chế biến rau quả tăng mà các mặt hàng xuất khẩu tăng bình quân 20-30%/năm trong 3 năm vừa qua. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt hơn 3,74 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Qua đó, hình thành hệ thống cơ sở chế biến có công nghệ ngày càng hiện đại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trồng trọt, khu vực nông thôn, và đưa Việt Nam hội nhập thị trường thế giới. Tính đến năm 2019, cả nước đã hình thành hệ thống 157 cơ sở chế biến rau quả ở quy mô công nghiệp.

Tuy nhiên, cũng theo Cục CBPTTTNS, tổng công suất thiết kế của các cơ sở chế biến quy mô công nghiệp gần 1,1 triệu tấn sản phẩm/năm nhưng sản lượng thực tế chỉ đạt 600.000-700.000 tấn sản phẩm/năm. Cục CBPTTTNS cũng cho rằng công tác chế biến rau quả chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, và vẫn đang là nút thắt trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.

Tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã khẳng định, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng để đẩy mạnh sản xuất, chế biến rau củ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện nhu cầu tiêu dùng rau quả ở hầu hết quốc gia đều gia tăng, trong khi đó thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản, đặc biệt là trái cây, mở đường cho rau quả Việt Nam hiện diện ở nhiều thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…

Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới vào năm 2030, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án phát triển ngành chế biến rau củ giai đoạn 2021-2030. Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD; trong đó rau quả chế biến đạt 30% trở lên; giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch mỗi năm từ 1-1,5%; trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm.

Để đạt được mục tiêu đó, ngành nông nghiệp và các địa phương phải tập trung giải quyết được các vướng mắc, khó khăn trong chuỗi cung ứng từ sản xuất, vùng nguyên liệu, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, phân phối, từng bước xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, nâng cao được giá trị gia tăng và lợi ích cho mọi thành phần trong chuỗi…

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/viet-nam-phan-dau-tro-thanh-mot-trong-5-quoc-gia-xuat-khau-rau-qua-hang-dau-the-gioi-vao-nam-2030-555055.html