Việt Nam phát triển kinh tế xanh và bền vững

Để kiến tạo tương lai xanh cần phải có tư duy, tầm nhìn xanh kết hợp với hành động xanh, trong đó công nghệ xanh, năng lượng xanh và lối sống xanh là những yếu tố đóng vai trò quan trọng.

Trong 3 ngày 21-23/10, tại TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024 chủ đề "Kiến tạo tương lai xanh". Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tham dự phiên họp toàn thể diễn ra vào sáng 21/10.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhận định, gần 1 năm đã qua kể từ Diễn đàn Kinh tế Xanh 2023, với nỗ lực của thế giới cũng như của khu vực, chuyển đổi xanh vẫn tiếp tục được duy trì, được tiếp thêm động lực mới nhờ các cam kết toàn cầu. Phát triển kinh tế xanh vẫn là xu thế tất yếu, là sự lựa chọn khách quan và chiến lược của các quốc gia và hy vọng cho các thế hệ tương lai. Để kiến tạo tương lai xanh thì phải có tư duy, tầm nhìn xanh kết hợp với hành động xanh, trong đó công nghệ xanh, năng lượng xanh và lối sống xanh rất quan trọng.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cắt băng khai mạc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh năm 2024 - Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cắt băng khai mạc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh năm 2024 - Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chia sẻ: "Việt Nam đang triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp và đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt. Một là ban hành các chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thực hiện cam kết chung về giảm carbon.

Hai là, hoàn thiện các chính sách về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nổi bật là việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi, Luật Tài nguyên nước và Luật Điện lực đang được sửa đổi trình Quốc hội.

Ba là, từng bước phát triển các thị trường về quyền khai thác tài nguyên tín chỉ carbon với mong muốn song hành và hội nhập với thế giới trong lĩnh vực xanh".

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đề nghị tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu, trong đó lấy phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh là một trong những bước đột phá. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển thị trường chứng chỉ carbon có kết nối với thị trường quốc tế và triển khai các dự án kinh tế xanh.

Đề nghị các doanh nghiệp châu Âu xem xét tăng cường đầu tư thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo xanh, hạ tầng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, công nghiệp phát thải thấp.

Ông Margaritis Schinas - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phát biểu tại phiên họp toàn thể Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh 2024. Ảnh: Xuân Dự

Ông Margaritis Schinas - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phát biểu tại phiên họp toàn thể Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh 2024. Ảnh: Xuân Dự

Đánh giá về công tác phát triển xanh, ông Margaritis Schinas - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng trong việc thực hiện những tiến trình phát triển bền vững toàn cầu. Liên minh châu Âu cam kết luôn đồng hành cùng Việt Nam trong công tác thực hiện phòng chống thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, thực hiện phát triển kinh tế xanh.

Ba công việc quan trọng trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện là mô hình kinh tế tuần hoàn với giải pháp tận dụng rác thải làm tài nguyên. Đồng thời cần thay đổi lớn trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tăng cường nguồn lực tài chính trong việc thực hiện công tác này. Bên cạnh đó, một trong những công việc quan trọng là bảo vệ rừng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhận định: "Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU cùng tìm hiểu và đáp ứng cơ chế, chính sách, pháp luật, các quy định, tiêu chuẩn hướng đến mục tiêu về phát triển xanh, bền vững trong thời gian tới.

Thời gian qua, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU đã và đang quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu, xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU cần tiếp tục trao đổi, mở rộng hợp tác kết nối đầu tư, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, chuyển giao công nghệ theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính đáp ứng với các tiêu chuẩn mới của toàn cầu".

Các chuyên gia chia sẻ thực hiện mô hình kinh tế xanh tại phiên họp toàn thể Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2024. Ảnh: Xuân Dự

Các chuyên gia chia sẻ thực hiện mô hình kinh tế xanh tại phiên họp toàn thể Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2024. Ảnh: Xuân Dự

Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 tập trung vào nhu cầu cấp bách về hành động trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xây dựng một nền kinh tế xanh tại Việt Nam.

Với gần 30 phiên hội thảo cùng hơn 10 chuyên đề xanh, Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 đưa ra những quan điểm trên toàn cầu và giải pháp thực tiễn, khẳng định vai trò của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là châu Âu trong việc hỗ trợ quá trình thực hiện chuyển đổi xanh tại Việt Nam.

Xuân Dự

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-phat-trien-kinh-te-xanh-va-ben-vung-169241021124257647.htm