Việt Nam sắp bắt kịp 'công xưởng' của thế giới

Trang mạng tạp chí Ozy của Mỹ vừa đăng bài phân tích khả năng Việt Nam bắt kịp Trung Quốc - 'công xưởng' của thế giới.

Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để thu hút đầu tư nước ngoài, đến mức chính phủ đang tính đến việc “san bằng” sân chơi để các công ty Việt Nam có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. (Nguồn: vov.vn)

Theo các quan chức tỉnh Bắc Ninh và tin từ Nikkei, nhà máy điện thoại Nokia vừa được hãng Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) mua lại ở tỉnh Bắc Ninh năm 2016 có thể sớm sản xuất điện thoại Pixel của Google trong bối cảnh công ty ở Thung lũng Silicon đang tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế Trung Quốc.

Nếu thương vụ đầu tư thành hiện thực, đó sẽ là một ''cơn gió lớn'' cho Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Tầm quan trọng của sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam là rất khó đo lường, một phần vì các công ty đa quốc gia giữ kín động thái để tránh làm “phiền lòng” chính phủ và nhà cung cấp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, mức thặng dư thương mại 39,5 tỷ USD của Việt Nam với Mỹ năm 2018 cho thấy một xu hướng dịch chuyển đáng kể đang diễn ra.

Theo Nikkei, Apple gần đây bắt đầu sản xuất thử nghiệm dây chuyền sản xuất AirPods tại Việt Nam. Ông Vũ Ngọc Khiêm, Giám đốc quốc gia của Global S Source - công ty tư vấn liên kết các nhà cung cấp toàn cầu với người mua, cho biết Amazon và Home Depot là một trong những nhà bán lẻ cũng đang tăng cường tìm nguồn cung tại Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cho rằng Việt Nam bị hạn chế trong tốc độ thu hút các đơn đặt hàng sản xuất từ Trung Quốc.

Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội, nói: “Chuỗi cung ứng toàn cầu rất phức tạp. Có rất nhiều ‘người chơi’ và rất nhiều lao động tham gia. Bạn không thể chỉ ‘nhặt’ và di chuyển từ ngày này sang ngày khác do vấn đề thuế quan”.

Việt Nam là một trong những điểm đến chủ yếu của các nhà sản xuất như một phần của chiến lược “Trung Quốc+1”. (Nguồn: Thanh niên)

Bắc Ninh là khu vực tập trung nhiều nhà máy, trung tâm thương mại, chuỗi nhà hàng và khu nhà ở của lao động nhập cư. Đây là tỉnh nhỏ nhất của đất nước nhưng thu hút tới hơn 18 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Nguồn đầu tư chủ yếu đến từ các “ông lớn” như Samsung, Canon và Nokia.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để thu hút đầu tư nước ngoài, đến mức chính phủ đang tính đến việc “san bằng” sân chơi để các công ty Việt Nam có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, lực lượng lao động sản xuất của Việt Nam chỉ có quy mô ngang với tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc và không thể thu hút lao động nhập cư từ vùng sâu, vùng xa. Quy mô nhỏ hơn có nghĩa là các nhà sản xuất phải “sục sạo” để tìm nhà cung cấp, công nhân và nhà quản lý tại Việt Nam.

Việt Nam đứng thứ 55 về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB), trong khi Trung Quốc đứng thứ 27. Chỉ số này dựa trên đánh giá về cơ sở hạ tầng, hiệu quả thị trường lao động và giáo dục và nhiều yếu tố khác. Đường sá khu vực quanh Hà Nội tương đối tốt, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông quanh TP. Hồ Chí Minh chưa chất lượng. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang trong quá trình nâng cấp và dễ dàng rơi vào trạng thái tắc nghẽn.

Mặc dù lương nhân công của Việt Nam trung bình thấp hơn Trung Quốc, các nhà máy của Trung Quốc thường có năng suất cao hơn và thường là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương hoặc thậm chí là nhà nước. Các nhà sản xuất Trung Quốc có được sự hỗ trợ về thuế từ chính phủ. Họ thậm chí có thể bán với lợi nhuận bằng 0 cho người mua để cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam và sau đó đòi lại tiền thuế của họ.

Stelvio Guglielmi, Tổng Giám đốc công ty sản xuất nội thất Arda ở ngoại vi TP. Hồ Chí Minh, cho biết kỹ năng của công nhân nhà máy Việt Nam thường thấp hơn trong khi lại rất khó thu hút lao động tay nghề cao.

Lao động Việt Nam cũng có tiếng là khó tính hơn so với lao động Trung Quốc. Việt Nam chứng kiến một loạt vụ đình công trong những năm gần đây, đỉnh điểm là gần 1.000 vụ năm 2011.

Các lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng dù khả năng Việt Nam thay thế Trung Quốc vẫn phải chờ thời gian kiểm chứng, song Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến chủ yếu của các nhà sản xuất như một phần của chiến lược “Trung Quốc+1”. Ông Sitkoff nói: “Không nước nào có cái mà Trung Quốc có. Không đất nước nào ở Đông Nam Á có cả. Tuy nhiên, Việt Nam có thể có một vài trong số đó”.

TG

(theo Ozy)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-sap-bat-kip-cong-xuong-cua-the-gioi-101883.html