Việt Nam thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Ngày 17-10, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm 'Hoàn thiện hành lang pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhằm tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam'.

Tại tọa đàm, các đại biểu từ các ủy ban của Quốc hội (Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Đối ngoại), Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã thảo luận hai chủ đề: Dấu ấn chặng đường 10 năm lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam; Sự cần thiết phải hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập báo Đại biểu nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho rằng “các quy định pháp lý của Việt Nam hiện nay về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình vẫn còn một số hạn chế, cần phải được bổ sung, cập nhật và điều chỉnh sao cho phù hợp với những thay đổi trong bối cảnh quốc tế và nhu cầu thực tiễn của sứ mệnh gìn giữ hòa bình”.

Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Bà Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh thêm: “Các thách thức về nguồn lực là một vấn đề quan trọng. Việc duy trì sự tham gia lâu dài và ổn định trong các hoạt động gìn giữ hòa bình đòi hỏi đầu tư lớn về con người, kinh phí và các nguồn lực khác. Đồng thời, chúng ta cũng phải tính toán đến việc đảm bảo quyền lợi, phúc lợi và bảo vệ an toàn cho các cán bộ, chiến sĩ tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình”.

Các đại biểu nhất trí cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thời gian qua đã phát sinh những hạn chế, bất cập xuất phát chủ yếu từ việc thiếu cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được tình hình thực tế của nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Tọa đàm đã chỉ ra một số bất cập như sự thiếu đồng bộ trong các văn bản pháp luật về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; việc xây dựng một số văn bản pháp luật liên quan chưa phù hợp với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc mang tính đặc thù…

Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập báo Đại biểu nhân dân phát biểu khai mạc tọa đàm.

Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập báo Đại biểu nhân dân phát biểu khai mạc tọa đàm.

Đại biểu Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trao đổi tại Tọa đàm.

Đại biểu Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trao đổi tại Tọa đàm.

Theo Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Nghị định 162 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các chế độ chính sách cho các lực lượng của Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm.

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm.

Đại biểu Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Đại biểu Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Cũng tại tọa đàm, Đại úy Đỗ Huyền Trang, Sĩ quan huấn luyện, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chia sẻ về những khó khăn, thách thức đối với các nữ quân nhân cũng như lực lượng làm nhiệm vụ tại địa bàn. Theo chị, các quân nhân khi tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình phải đánh đổi, chịu thiệt thòi, hy sinh lợi ích cá nhân/gia đình để đặt trọng trách Tổ quốc giao lên trên hết.

Đại úy Đỗ Huyền Trang chia sẻ về những khó khăn, thách thức của các nữ quân nhân khi làm việc tại địa bàn phái bộ.

Đại úy Đỗ Huyền Trang chia sẻ về những khó khăn, thách thức của các nữ quân nhân khi làm việc tại địa bàn phái bộ.

Các đại biểu đã khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện hành lang pháp lý để Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình. Một hệ thống pháp lý đầy đủ và hoàn thiện không chỉ giúp bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các lực lượng tham gia, mà còn đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần thực thi các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về hòa bình, hợp tác và phát triển toàn cầu.

Các đại biểu chụp ảnh chung.

Các đại biểu chụp ảnh chung.

Cũng tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất giải pháp chính sách, góp ý hoàn thiện dự án Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, qua đó tiếp tục nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của Việt Nam.

Được biết, Chính phủ đã trình Dự án Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và được Quốc hội đồng ý đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Dự kiến dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Tin, ảnh: MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/viet-nam-thuc-day-hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-ve-viec-tham-gia-hoat-dong-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc-799154