Việt Nam thực thi nghiêm túc cam kết và nghĩa vụ theo WTO

Trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019.

Trong 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019, là quốc gia thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế kể theo WTO.

Trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bên cạnh đàm phán và giải quyết tranh chấp, công tác rà soát chính sách thương mại là một trong ba cột trụ của WTO, được tiến hành định kỳ đối với tất cả các thành viên nhằm bảo đảm sự minh bạch trong việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ theo WTO.

Theo quy định hiện hành của WTO, Việt Nam nằm trong số các thành viên phải rà soát chính sách thương mại với chu kỳ là 7 năm/lần. Phiên Rà soát chính sách thương mại lần đầu tiên của Việt Nam đã diễn ra vào năm 2013 tại Giơnevơ, Thụy Sỹ. Phiên Rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2019 (Phiên TPR) trong khuôn khổ WTO được diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào ngày 27 và 29/4/2021 tại Hà Nội, Việt Nam.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức vượt mốc 500 tỷ USD trong năm 2019 và đạt trên 545 tỷ USD trong năm 2020. Xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về quy mô, từ 176,6 tỷ USD năm 2016 lên 282,7 tỷ USD năm 2020. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt trung bình 11,9%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đề ra.

Về phía Việt Nam, Phiên TPR do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì với sự tham gia của các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác cùng các cán bộ Phái đoàn tham dự từ đầu cầu Thụy Sỹ.

Về phía WTO, Phiên họp do bà Athaliah Lesiba Molokomme, Đại sứ Botswana, chủ trì với sự tham gia của Thảo luận viên của Phiên TPR, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Hà Lan tại WTO Monique Van Daalen, đại diện Ban Thư ký WTO cũng như các thành viên WTO quan tâm tới Phiên TPR của Việt Nam.

Báo cáo Rà soát Thống kê Thương mại Thế giới năm 2020 của WTO ghi nhận rằng, trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019.

Những con số này cho thấy độ mở của nền kinh tế Việt Nam cũng như tính nghiêm túc trong việc thực thi các cam kết quốc tế kể từ khi gia nhập WTO.

Bà Lesiba Molokomme đánh giá cao các thành tựu kinh tế mà Việt Nam đã đạt được, đặc biệt Việt Nam trong giai đoạn rà soát, cũng như đưa ra các câu hỏi về môi trường kinh tế Việt Nam, thể chế thương mại và đầu tư, các chính sách thương mại về quy định hải quan, thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, phòng vệ thương mại, các biện pháp SPS, TBT, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, cũng như chính sách phát triển một số ngành trọng điểm như nông nghiệp, thủy sản, năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ viễn thông...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực kể từ Phiên TPR lần đầu vào năm 2013, bao gồm các kết quả về xuất nhập khẩu, tăng trưởng và cải cách kinh tế, cũng như định hướng xây dựng và thực thi chính sách liên quan đến thương mại trong thời gian tới.

"Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay đã tăng 170 lần so với thời điểm Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới vào năm 1986, tăng 37 lần so với thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995, và tăng 5 lần so với thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2007", Thứ trưởng Khánh thông tin.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-thuc-thi-nghiem-tuc-cam-ket-va-nghia-vu-theo-wto-d141874.html