Việt Nam và EU cùng gặt hái 'trái ngọt' từ EVFTA

EVFTA là một điểm sáng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) thời gian qua.

Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Phái đoàn EU tại Việt Nam)

Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Phái đoàn EU tại Việt Nam)

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Phái đoàn EU tại Việt Nam đã tổ chức hội nghị bàn tròn “EVFTA: Thành công bước đầu và cơ hội trong tương lai”.

"Trái ngọt" từ EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã có tác động đáng kể đến thương mại song phương Việt Nam và EU kể từ khi có hiệu lực vào ngày 1/8. Điều đó được thể hiện bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong những tháng gần đây.

Bên cạnh đó, ở chiều ngược lại, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu từ EU vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy EVFTA đã và đang mở ra những cơ hội quan trọng cho sự phát triển bền vững của quan hệ thương mại song phương. EVFTA sẽ tiếp tục mang lại nhiều cơ hội to lớn cho sự phát triển bền vững của quan hệ thương mại song phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti đánh giá, sau 4 tháng kể từ khi EVFTA đi vào thực thi, có thể thấy rõ những phản hồi, những thành công ban đầu.

Theo đó, EVFTA đã bước đầu gặt hái được “trái ngọt”, đó là xóa bỏ thuế quan ngay lập tức đối với mặt hàng quan trọng như sản phẩm tôm, nông sản, gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, cá ngừ… Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã ngay lập tức được hưởng lợi từ EVFTA. Thêm vào đó, các máy móc thiết bị của EU cũng được xuất khẩu sang Việt Nam nhiều hơn.

Đại sứ Giorgio Aliberti cho hay, việc cải thiện thị trường sang EU, ví dụ điển hình là tôm, chỉ sau 1 tháng sau khi EVFTA đi vào thực thi, xuất khẩu tôm sang EU tăng 16%, xuất khẩu thủy sản tính đến tháng 10 đã tăng 10%, bất chấp đại dịch Covid-19.

Đánh giá về những kết quả tích cực từ EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, EVFTA là một điểm sáng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và EU. EVFTA cũng là cơ hội lớn để doanh nghiệp thúc đẩy xúc tiến thương mại và xuất khẩu, đồng thời cũng tạo áp lực lớn để thay đổi tư duy sản xuất, cải thiện chuỗi cung ứng và tăng trưởng xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam-EU.

"EVFTA có hiệu lực đúng thời điểm kinh tế-thương mại toàn cầu đang chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19. Điều này đã góp phần thúc đẩy các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngày càng tăng, trong đó Việt Nam nhanh chóng trở thành một nước thụ hưởng. EU đã trở thành một trong những điểm đến hàng hóa lớn nhất (tính theo giá trị) của Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhận định.

11 tháng của năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang EU đã đạt 22,2 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, nếu nhìn vào 3 tháng thực hiện EVFTA có thể thấy, xuất khẩu Việt Nam sang EU đạt 11 tỷ USD, tăng 5%. Trong đó, riêng tháng thứ 3 sau khi hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 15%.

Theo chiều ngược lại, nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3% trong 11 tháng năm 2020, tính riêng sau 3 tháng EVFTA có hiệu lực thì con số tăng trưởng là 11%.

"Bên cạnh đó, EVFTA còn tác động tích cực đến việc thu hút vốn FDI đối với nền kinh tế Việt Nam, không chỉ thu hút FDI từ EU mà còn cả các nước ngoài EU. Đây là yếu tố quan trọng mà các đối tác đều thấy được. Dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, Việt Nam đóng vai trò quan trọng, thị trường quan trọng thu hút vốn FDI.

Trong 9 tháng năm 2020, tổng đầu tư của EU vào Việt Nam đạt 752 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD và 180 dự án so với trước khi EVFTA có hiệu lực. Tính đến tháng 11, hơn 2.000 dự án vốn FDI được cấp phép, ngay trong bối cảnh đại dịch, đây là con số khả quan so với xu thế thu hẹp vốn FDI toàn cầu", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thông tin.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo. (Ảnh: Gia Thành)

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo. (Ảnh: Gia Thành)

Chủ động tìm hiểu "luật chơi"

Bước đầu gặt hái được nhiều "trái ngọt" như vậy nhưng theo Đại sứ Giorgio Aliberti, EVFTA là một Hiệp định mới, toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực và ngành nghề. Và vẫn còn thách thức để tận dụng hết ưu đãi từ EVFTA, đó là các doanh nghiệp phải hiểu đầy đủ "luật chơi" như các tiêu chuẩn và yêu cầu đặt ra trong Hiệp định.

Đại sứ EU tại Việt Nam đặt ra câu hỏi, những người xuất khẩu nông nghiệp có biết rằng, với sản phẩm rau, Việt Nam có thể dễ dàng xuất khẩu sang EU mà không cần đăng ký trước với cơ quan chức năng, nhưng điều kiện là không được nhiễm khuẩn salmonella hay không? Và dạng vi khuẩn này lại thường thấy trên sản phẩm rau của Việt Nam do quá trình vận chuyển?

Theo Đại sứ Giorgio Aliberti, nếu nắm được những thông tin như trên, người trực tiếp làm xuất khẩu nông nghiệp có thể cải thiện tập quán sản xuất, từ đó nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường EU.

"Với ví dụ trên, tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng, việc tối ưu hóa lợi ích của EVFTA là một thách thức, thách thức không chỉ cho Việt Nam mà cả EU. Chúng ta không thể có lợi thế từ bất cứ điều gì nếu ta không hiểu các nguyên tắc của nó", Đại sứ Giorgio Aliberti nhấn mạnh.

Còn theo Tham tán thương mại của Phái đoàn EU tại Việt Nam TS. Carsten Schitteck, EVFTA có thể thúc đẩy FDI vào Việt Nam nhưng để thu hút được FDI thì Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa, cần đảm bảo tính minh bạch, tính tiên liệu trong quy định pháp lý và quản lý.

Song song với đó, TS. Carsten Schitteck nhận thấy, Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và tự chịu trách nhiệm về vấn đề này, giống như EU đang thực hiện. Điều này đòi hỏi song hành việc kỹ thuật, đảm bảo sức khỏe con người, bảo vệ môi trường. Quy trình này khó khăn, nhưng khi thực hiện được điều đó thì có thể đạt được mục tiêu và chính sách.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-va-eu-cung-gat-hai-trai-ngot-tu-evfta-131682.html