'Việt Nam xuất khẩu 100 USD, phía Mỹ hưởng lợi 78 USD'
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu một đôi giày Nike có giá 100 USD thì phía Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD còn 78 USD là Hoa Kỳ hưởng.
Cán cân thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ là một trong những vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập khi dự tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Hoa Kỳ tối 30/5 (giờ Hà Nội).
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, năm 2016 vừa qua, buôn bán hai chiều đạt 53 tỷ USD, trong đó Mỹ nhập siêu tới 30,9 tỷ USD.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý tới một khía cạnh khác trong quan hệ thương mại Việt – Mỹ. Lấy ví dụ về trường hợp giày Nike đang xuất khẩu vào Hoa Kỳ với số lượng 138 triệu đôi/năm, Thủ tướng cho rằng, nếu một đôi giày đó có giá 100 USD thì phía Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD còn 78 USD là Hoa Kỳ hưởng.
Cũng theo Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam ngày càng cao, trong 10 năm qua tăng 5 lần. Trong chuyến đi này, các doanh nghiệp hai bên sẽ ký các hợp đồng thương mại trị giá nhiều tỷ USD, sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm tại Mỹ và tăng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam và của Việt Nam sang Hoa Kỳ, góp phần cải thiện đời sống cho rất nhiều người lao động ở hai nước.
“Hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn toàn có tính bổ sung cho nhau và càng tăng cường hợp tác chúng ta có nhiều lợi ích”, theo thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên tờ Washington Times ngày 30/5.
Cụ thể, Thủ tướng cho biết Việt Nam thường nhập khẩu từ Hoa Kỳ máy bay (Boeing), động cơ điện, thiết bị y tế công nghệ cao, dược phẩm, trong năm 2016, đã nhập gần 1,5 triệu tấn ngô, đỗ tương, lúa mỳ, 0,5 triệu tấn bông…
Ngược lại Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ những mặt hàng tôm, cá tra, rau quả, đồ gỗ, hàng may mặc, giầy dép… mà người dân Hoa Kỳ ưa dùng. Giữa tháng 5/2017, Tập đoàn sữa lớn nhất Việt Nam - Vinamilk đã nhập 2.000 con bò sữa cao sản từ Hoa Kỳ và sẽ là 8.000 con trong năm nay để nhân rộng nguồn sữa chất lượng cao cho trẻ em Việt Nam.
Thủ tướng tin tưởng rằng các văn bản hợp tác được ký kết trong chuyến thăm Mỹ lần này sẽ làm cân bằng hơn cán cân thương mại, phát huy lợi thế của mỗi bên, bổ trợ cho nhau.
Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, hai bên đã tái khởi động Cơ chế hợp tác theo Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để trao đổi, hợp tác giải quyết những vấn đề cùng quan tâm trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Hiện tại các cơ quan chức năng của Việt Nam và Hoa Kỳ đang tích cực trao đổi, hoàn thiện cơ chế hợp tác thương mại theo hướng hiệu quả, thuận tiện và đôi bên cùng có lợi.
“Có thể thời điểm này, việc theo đuổi các thỏa thuận tự do thương mại đa phương như TPP chưa được Hoa Kỳ ưu tiên. Chúng tôi tôn trọng quyết định của Hoa Kỳ, nhưng tôi tin là xu thế tự do hóa, liên kết kinh tế vẫn được Hoa Kỳ thúc đẩy trong các thỏa thuận song phương”, Thủ tướng trả lời phỏng vấn Bloomberg trước chuyến thăm.
Cần giải tỏa băn khoăn về thương mại Việt-Mỹ
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những kỳ vọng đối với chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu từ ngày 29/5, TS Trần Du Lịch cho rằng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, giới doanh nghiệp hiện đang có những băn khoăn, lo lắng vì hiện Việt Nam được cho là nằm trong nhóm các nền kinh tế mà Mỹ đang nhập siêu lớn.
"Tôi cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ sẽ giải tỏa được tâm lý lo lắng trên, và Mỹ sẽ không thay đổi chính sách thương mại với Việt Nam, để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước", ông Trần Du Lịch nói.
Ông Trần Du Lịch phân tích thêm, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ và giá trị xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng hơn 20% trị giá xuất khẩu của Việt Nam, nhưng so với thị trường Mỹ vẫn còn rất nhỏ. Nếu xét theo dân số, Việt Nam đứng thứ 14, chiếm hơn 1% dân số của thế giới, nhưng xuất khẩu của Việt Nam so với tổng nhập khẩu của thế giới mới chỉ chiếm chỉ khoảng 0,5%.
Do vậy, nếu chia thị phần nhập khẩu của thế giới theo tỷ lệ dân số, xuất khẩu của Việt Nam phải ở mức 500 tỷ USD, tức gấp 3 lần hiện nay và điều này hoàn toàn có thể bởi năng lực sản xuất của Việt Nam vẫn còn lớn.