Viết tiếp truyền thống đơn vị 'Tất Thắng'

'Trung đoàn Tất Thắng' là tên Bác Hồ đặt cho Trung đoàn 33-tiền thân của Lữ đoàn Pháo binh 45 (Binh chủng Pháo binh) ngày nay. Ý thức rõ vinh dự, trách nhiệm, phát huy truyền thống vẻ vang, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị coi đây là động lực khơi nguồn sức mạnh để vượt qua mọi thử thách, xây dựng đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tiêu biểu cho ý chí "Tất Thắng"

Trên bãi tập của Đại đội 813, Lữ đoàn Pháo binh 45 những ngày tháng 8, không khí thi đua diễn ra sôi nổi, thể hiện quyết tâm cao trong huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ, lập thành tích trong đợt thi đua đột kích "Đoàn kết, sáng tạo, vươn tới những đỉnh cao, xứng danh Đoàn Pháo binh Tất Thắng anh hùng", chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lữ đoàn (22-8-1945 / 22-8-2020). Đại úy Phạm Văn Tuân, Đại đội trưởng Đại đội 813, chia sẻ: "Ở đơn vị có bề dày lịch sử, đặc biệt là đơn vị được Bác Hồ đặt tên, chúng tôi luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của lữ đoàn anh hùng. Chính niềm tự hào đó là nguồn động lực để cán bộ, chiến sĩ đơn vị nêu cao tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh thực hiện tốt hơn nữa các chương trình huấn luyện theo quy định, nhiệm vụ diễn tập các cấp...".

 Buổi huấn luyện của khẩu đội pháo 130-M46 của Đại đội 808, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Pháo binh 45. Ảnh: THÁI HƯNG

Buổi huấn luyện của khẩu đội pháo 130-M46 của Đại đội 808, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Pháo binh 45. Ảnh: THÁI HƯNG

Tìm hiểu được biết, đơn vị được thành lập ngày 22-8-1945 tại Chiến khu Lạc Quần (Xuân Trường, Nam Định), với phiên hiệu là Chi đội 19; sau đó phát triển thành Trung đoàn 33. Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu, góp phần đánh bại âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của địch. Với thành tích đó, đơn vị vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen và tặng danh hiệu "Trung đoàn Tất Thắng" vào tháng 1-1947. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại đội 806 của lữ đoàn là đơn vị bắn phát đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đơn vị có mặt ở hầu hết các chiến dịch lớn. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nằm trong đội hình Quân đoàn 1, lữ đoàn đã hành quân thần tốc từ Bắc vào Nam cùng các binh đoàn cơ động chiến lược phối hợp với nhân dân và các lực lượng quân sự địa phương tiến công nổi dậy và giành toàn thắng. Trải qua hàng nghìn trận chiến đấu, chiến công nối tiếp chiến công là minh chứng tiêu biểu cho tinh thần đã đi là đến, đã đánh là thắng, tiêu biểu cho ý chí "Tất Thắng"; trở thành phong cách chiến đấu và công tác mang đậm dấu ấn riêng của lữ đoàn. Đã có hàng trăm huân, huy chương, hàng trăm cờ các loại được trao tặng cho tập thể, hàng nghìn huân, huy chương trao tặng cho cá nhân. Lữ đoàn và 3 tập thể (Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 và Đại đội 806) vinh dự được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đại tá Nguyễn Công An, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy lữ đoàn, khẳng định: "Lữ đoàn sinh ra từ trong cao trào Cách mạng Tháng Tám và không ngừng phát triển lớn mạnh qua các thời kỳ. Truyền thống vẻ vang chính là tài sản, giá trị tinh thần cao quý, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị đề cao trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Phấn đấu phát huy những thành tích đạt được là trách nhiệm lớn lao của thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay".

Phát huy truyền thống anh hùng

Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, những năm gần đây, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn đã có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, phát huy truyền thống "Tất Thắng" trong điều kiện mới. Theo Thượng tá Trần Đình Mạnh, Phó bí thư Đảng ủy, Lữ đoàn trưởng: Đơn vị tập trung nâng cao chất lượng và sức mạnh tổng hợp, trong đó coi trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, tạo bước đột phá nâng cao trình độ, khả năng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy và quản lý kỷ luật tốt. Công tác huấn luyện được cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức; tổ chức huấn luyện toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Lữ đoàn cũng bám sát nội dung, tiêu chuẩn "Đơn vị pháo binh huấn luyện giỏi" và phương châm "cơ bản, thiết thực, vững chắc" để tổ chức huấn luyện đạt hiệu quả tốt. Nhờ đó, chất lượng huấn luyện, diễn tập của lữ đoàn không ngừng được nâng lên. Trong 5 năm (2014-2019), lữ đoàn luôn được công nhận ''Đơn vị huấn luyện giỏi''. Hàng chục lượt đại đội, tiểu đoàn đạt danh hiệu ''Đơn vị pháo binh huấn luyện giỏi''. Là đơn vị đi đầu trong Phong trào "Pháo thủ toàn năng", được các đơn vị pháo binh trong toàn quân học tập. Giai đoạn 1992-2020, đơn vị tổ chức 27 cuộc diễn tập có bắn đạn thật đạt giỏi và tuyệt đối an toàn; được Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh Pháo binh đánh giá cao.

"Quá trình xây dựng và trưởng thành, kinh nghiệm nào giúp đơn vị luôn giữ vững và phát huy tốt những thành tích đạt được?". Trả lời câu hỏi của chúng tôi, Đại tá Nguyễn Công An khẳng định: "Một phẩm chất tiêu biểu, một yêu cầu có tính nguyên tắc, đồng thời cũng là phương châm hành động của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, được kế thừa qua các thế hệ, đó là luôn đoàn kết thống nhất cao với tinh thần hiệp đồng, lập công tập thể, rèn luyện kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Đoàn kết thống nhất cao xây dựng toàn đơn vị một ý chí, như anh em một nhà, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ các bộ phận: Đài quan sát, trận địa, thông tin, trinh sát, kế toán, lái xe, pháo thủ, đoàn kết nội bộ. Đoàn kết chính là nhân tố quyết định chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của lữ đoàn những năm qua".

NGUYỄN THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/viet-tiep-truyen-thong-don-vi-tat-thang-632254