Vietcombank cần đi đầu trong thực hiện các chủ trương của Chính phủ

Ngoài việc thực hiện tốt các mục tiêu về sản xuất kinh doanh, Vietcombank cũng cần căn cứ vào các định hướng của NHNN thực hiện tín dụng hướng đến các mục tiêu ưu tiên trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Ngân hàng cần đi đầu trong việc giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đây là ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017, triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2018 của Vietcombank ngày 12/1.

Lợi nhuận vượt mức 11 nghìn tỷ đồng
Theo ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, huy động vốn bám sát định hướng chỉ đạo, điều hành kinh doanh: Rút giảm huy động vốn lãi suất cạnh tranh. Ngân hàng cũng gia tăng tỷ trọng nguồn vốn không kỳ hạn và nguồn vốn ngoại tệ, chú trọng phát triển khách hàng bán buôn mới.

Cụ thể, huy động vốn đạt 889.724 tỷ đồng, tăng 38,7% so với năm 2016, thực hiện 118% kế hoạch 2017. Tín dụng Vietcombank tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo đúng định hướng: mở rộng tín dụng bán lẻ; giảm dư nợ bán buôn hiệu quả thấp; tăng tín dụng bán lẻ tại PGD và cải thiện số lượng khách hàng bán buôn tín dụng mới

Dư nợ tín dụng đạt 553.053 tỷ đồng, tăng 17,2% so với 2016, trong mức cho phép của NHNN, hoàn thành kế hoạch 2017. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo đúng định hướng: Gia tăng tỉ trọng tín dụng bán lẻ và giảm dần tín dụng bán buôn. Tỉ trọng tín dụng bán buôn/bán lẻ tương ứng là 59,2%/40,8%; trong khi 2016 cơ cấu là 66,9%/33,1%. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ; Đẩy mạnh công tác xử lý thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý dự phòng rủi ro

Dư nợ xấu nội bảng là 6.170 tỷ đồng, giảm 705 tỷ đồng so với 2016 (giảm 10,3%). Tỉ lệ nợ xấu: 1,11%, giảm 0,35 điểm % so với 2016.

Dự phòng rủi ro đã trích 6.187,5 tỷ đồng. Dư quỹ dự phòng rủi ro 8.190 tỷ đồng, bằng 132,7% tổng dư nợ xấu…Ngoài ra, các tỷ suất sinh lời cải thiện; Lợi nhuận trước thuế đạt kết quả cao; Vốn hóa lớn nhất so với các tổ chức tín dụng (TCTD) niêm yết. Lợi nhuận trước thuế đạt 11.018 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm 2016, thực hiện 116% kế hoạch 2017. Cổ phiếu Vietcombank (VCB) tiếp tục có mức giá cao nhất ngành, liên tục nằm trong top 3 doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất thị trường. Tổng Giám đốc Phạm Quang Dũng cũng cho biết, sang năm 2018 phương châm hành động “Chuyển đổi - Hiệu quả - Bền vững và quan điểm điều hành Đổi mới - Kỷ cương - Trách nhiệm”, toàn hệ thống Vietcombank sẽ nỗ lực đẩy mạnh các mảng hoạt động, thực hiện thắng lợi kế hoạch theo đúng định hướng của Chính phủ và NHNN.

Mục tiêu tổng tài sản Vietcombank sẽ tăng 14%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 17%, tín dụng tăng 16%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, lợi nhuận trước thuế đạt 12 nghìn tỷ đồng.

Trao bằng khen cho một số cá nhân có thành tích xuất sắc của Vietcombank. Ảnh:VGP/Huy Thắng

Trao bằng khen cho một số cá nhân có thành tích xuất sắc của Vietcombank. Ảnh:VGP/Huy Thắng

Tích cực đóng góp vào quá trình tái cơ cấu

Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng đánh giá cao các kết quả mà Vietcombank đã được, với nhiều điểm sáng tiêu biểu.Trong đó, bên cạnh việc đạt được nhiều kết quả khích lệ về tình hình sản xuất kinh doanh như, ngân hàng cũng thực hiện tốt việc xử lý nợ xấu, là ngân hàng đầu tiên xử lý toàn diện các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), đưa nợ xấu về dưới mức 1%. Đây là ngân hàng đi đầu xây dưng các đề án củng cố tăng cường năng lực hoạt động hệ thống theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Bên cạnh đó, điểm nổi bật nhất là Vietcombank luôn tiên phong đi đầu thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ lớn. Đây là ngân hàng tham gia tích cực vào cơ cấu lại các TCTD, hỗ trợ đắc lực NHNN triển khai các biện pháp tái cơ cấu các ngân hàng còn yếu kém. Ngoài việc kinh doanh, Ngân hàng này cũng tích cực làm công tác an sinh xã hội quan tâm địa bàn vùng sâu sa còn khó khăn giành nguồn lực lớn hỗ trợ an sinh xã hội, được Chính phủ các địa phương đánh giá cao.

Tại Hội nghị người đứng đầu ngành ngân hàng lưu ý, sở dĩ việc Vietcombank hay các ngân hàng đạt được kết quả tích cực có lí do quan trọng đến từ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển bền vững. Chính phủ nhất quán quan điểm giữ ổn định kinh tế vĩ mô,duy trì mức lạm phát thấp vừa phải, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, duy trì môi trường pháte triển ổn định trong dai hạn, tạo được lòng tin với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bối cảnh đó, NHNN đã thực hiện chính sách tiền tệ kiên định, kiểm soát lạm phát ở mức thấp (3,53% thấp hơn mức 4% dự kiến), năm 2017 không có biến động thanh khoản và tỉ giá, diễn biến lạm phát cơ bản từ giao động từ 1,4% đến 1,7% trong 2 năm, đến cuối 2017 làm phát cơ bản chỉ 1,41% dư đia lớn dư địa nhất định để điều chỉnh giá các mặt hàng dịch vụ, giáo dục, y tế

Năm 2017, lãi suất cho vay đã giảm thực chất, ở nhiều kỳ hạn đã giảm 0,5%-1%/năm, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đến thời điểm này, phàn nàn cũng ít đi, các doanh nghiệp phát triển ổn định, đều được tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp. Về tỉ giá và thị trường ngoại tệ thông suốt, với sự phát huy tác dụng của cơ chế tỉ giá trung tâm, cân đối cung và cầu ngoại tệ. Trong các năm 2016,2017, NHNN đã mua vào khoảng 22 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối nhà nước là đến lúc này lên 54,5 tỷ. Đây là con số kỷ lục gia tăng niềm tin, đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài. Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, đạt được các kết quả trên nhờ Chính phủ ngay từ đầu năm có kịch bản điều hành kinh tế xã hội năm 2017 rất chi tiết hợp lý, đồng thời từ chỉ đạo đó, NHNN đã triển khai các chính sách cụ thể, linh hoạt hiệu quả.

“Chúng ta phải cảm ơn Chính phủ, nếu không có môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát ổn định, hệ thống ngân hàng sẽ không được nhiều thuận lợi như thời gian qua.” Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh. Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng lưu ý Vietcombank vẫn có sai sót ở một số bộ phận dù nhỏ, còn sai sót trong quy trình tác nghiệp, một số vấn đề trong rủi ro hoạt động đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra, đây là những bài học để ngân hàng xây dựng định hướng năm 2018 và các năm iếp theo. Thống đốc cũng cho rằn, dù Vietcombank là ngân hàng Việt hàng đầu, nhưng so với quốc tế, tỉ lệ thu nhập từ các khoản phi tín dụng chưa tương xứng, tỷ lệ NIM (chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí phải trả cho nhà đầu tư của ngân hang) còn thấp, chưa thật sự đạt theo thông lệ quốc tế, vẫn còn một số hạn chế trong hệ thống công nghệ thông tin (CNTT). Đây là những điểm ban quản trị , lãnh đạo Vietcombank cần lưu tâm cải thiện trong thời gian tới. Vietcombank cũng như hệ thống ngân hàng bước vào năm 2018 với không khí lạc quan nhưng cần bình tĩnh, chủ động trong xây dựng kế hoạch, cần hiểu rõ năm 2018 bản lề giữa nhiệm kỳ góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội 5 năm của Chính phủ. Đây là năm có nhiều thách thức dù bối cảnh có thuận lợi nhưng còn nhiều khó khăn thách thức đan xen, do đó, các ngân hàng cần nhìn nhận thách thức đầy đủ, để chủ động linh hoạt đưa ra giải pháp chuẩn bị. Năm 2018, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,5-6,7% dù thấp hơn năm ngoái nhưng lạm phát dưới 4%, cũng là những thách thức không nhỏ, vì một số yếu tố thuận lợi không sẽ không còn. Toàn ngành ngân hàng trong đó có các ngân hàng thương mại, cần quán triệt cụ thể các nội dung Nghị quyết 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và có biện pháp triển khai nhất quán. Vietcombank cũng cần căn cứ vào các định hướng của NHNN thực hiện tín dụng hướng đến các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ. Đồng thời, Vietcombank cần đi đầu trong việc giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Vietcombank cũng cần khẩn trương triển khai đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đã được phê duyệt căn cứ theo các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, thực hiện tốt phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tối đa hóa lợi ích Nhà nước, thực hiện tăng vốn, nâng cao tiềm lực nhưng phải tuân thủ chặt chẽ quy trình, pháp luật. Dù được đánh giá là an toàn, nhưng Vietcombank cũng không được lơ là thực hiện nghiêm quy trình chính sách nội bộ, phát hiện các kẽ hở sai phạm từ đơn giản như gửi tiết kiệm đến các nghiệp vụ khác, giám sát chống tham nhũng chặt chẽ, hoặc bổ nhiệm người thân quen…

Vietcombank cũng phải thực hiện tốt Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, tăng tiếp cận vốn DN.

Cuối cùng, Thống đốc Lê Minh Hưng, Vietcombank cần đặc biệt quan tâm truyền thông. “Làm tốt nhưng phải nói được để DN hiểu được, các tình huống phát sinh phải chủ động để thông tin thị trường kịp thời, có giải pháp cụ thể, làm sao để dư luận xã hội thấy an toàn lành mạnh, bảo vệ lợi ích người gửi tiền”, Thống đốc lưu ý.

Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/vietcombank-can-di-dau-trong-thuc-hien-cac-chu-truong-cua-chinh-phu/327082.vgp