Vietnam Airlines tiếp tục đề xuất nâng trần giá vé và phụ thu nguyên liệu

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng giá trần vé máy bay từ 1-4 và cho phép hãng phụ thu nguyên liệu.

Các kiến nghị này được lãnh đạo Vietnam Airlines đưa ra trong bối cảnh hoạt động khai thác của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc tăng giá dầu trong thời gian qua.

Cụ thể, Vietnam Airlines nhận định mức giá trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không quy định tại Thông tư 17/2019 đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Giá dịch vụ vận chuyển khách nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, gồm dải giá với nhiều mức từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé và tình hình thị trường.

Vietnam Airlines thêm một lần nữa kiến nghị nâng trần giá vé. Ảnh minh họa: DNCC

Lãnh đạo hãng cho biết, từ năm 2015, ngành hàng không đã áp dụng giá trần vé máy bay, song sau khi giá xăng dầu giảm mạnh, Bộ GTVT đã điều chỉnh giảm giá trần vào năm 2019. Cụ thể, đường bay dài nhất từ 1.280 km trở lên có giá trần là 3,75 triệu đồng một vé, thấp nhất là đường bay dưới 850 km có mức giá là 2,2 triệu đồng mỗi vé.

Đến nay, khi giá nguyên liệu tăng, hãng cho rằng giá trần cũng cần điều chỉnh tăng. “Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hành khách không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, để một mặt có thể bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng, mặt khác có điều kiện cải thiện chất lượng dịch vụ”, hãng hàng không quốc gia lý giải.

Báo cáo các cơ quan thẩm quyền, Vietnam Airlines nêu sự sụt giảm hành khách nội địa và gần như “đóng băng” thị trường khách quốc tế của hàng không Việt Nam trong cả năm 2021. Dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn rủi ro rất cao với hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng không năm 2022.

Thêm vào đó là ảnh hưởng tăng giá dầu với hoạt động khai thác của doanh nghiệp này. Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 đô la/thùng cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỉ đồng và nếu lên khoảng 160 đô la/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỉ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến của hãng này trong năm 2022.

Trước tình hình trên, Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu máy bay trong năm 2022 (hiện đang áp dụng mức giảm 50%) để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hãng hàng không. Riêng Vietnam Airlines sẽ giảm được 600 tỉ đồng chi phí nhiên liệu trong năm 2022.

Hãng cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép các hãng bay triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa. Vietnam Airlines cho rằng theo thông lệ quốc tế, trước đây, khi giá nhiên liệu luôn biến động, các hãng hàng không đã tách phần phụ thu nhiên liệu ra khỏi giá vé để chủ động điều chỉnh giá bán nhằm bù đắp một phần chi phí nhiên liệu tăng cao. Đây là các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không trong bối cảnh giá nhiên liệu bay tăng mạnh.

Trước đó vào giữa năm 2021, Vietnam Airlines cũng đề xuất nâng trần giá vé máy bay. Hãng đề xuất giữ nguyên giá trần của các đường bay dưới 500 km, hiện là 1,6 – 1,7 triệu đồng. Với các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, hãng muốn nâng trần giá vé lên 2.250.000 đồng (tăng 50.000 đồng), các đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km tăng lên 2.890.000 đồng (tăng 100.000 đồng), các đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km lên 3.400.000 đồng (tăng 200.000 đồng) và các đường bay trên 1.280 km lên mức 4.000.000 đồng (tăng 250.000 đồng).

V.Dũng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vietnam-airlines-tiep-tuc-de-xuat-nang-tran-gia-ve-va-phu-thu-nguyen-lieu/