VietnamPlas 2024 đem đến giải pháp bền vững trong ngành công nghiệp nhựa và cao su

Những mối lo ngại về môi trường ngày càng tăng liên quan đến sự tích tụ chất thải nhựa trong môi trường tự nhiên, dẫn đến nhu cầu xây dựng chiến lược quản lý và tái chế các sản phẩm từ nhựa

Triển lãm Quốc tế lần thứ 22 về máy và thiết bị ngành công nghiệp Nhựa & Cao su (VietnamPlas 2024), sẽ được diễn ra từ ngày 16 - 19/10/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).

Với diện tích trưng bày rộng 23,000 mét vuông, sự kiện thu hút của hơn 1.100 gian hàng của 700 đơn vị tham gia trưng bày đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Ả Rập Saudi, Ấn Độ, Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Iran, Malaysia, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Úc, Vương Quốc Anh, Việt Nam và Ý.

Triển lãm VietnamPlas 2024 do Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại VINEXAD và kết hợp với Công ty TNHH Yorkers Trade & Marketing Service đồng tổ chức. VietnamPlas 2024 là một diễn đàn giao lưu, tiếp cận công nghệ hiện đại trong ngành công nghiệp nhựa, cao su, là cơ hội để các doanh nghiệp cải tiến và thay đổi công nghệ mới, góp phần phát triển sản xuất theo hướng tự động hóa, kỹ thuật số hóa và chuyển đổi xanh bền vững.

Hiện nay, những mối lo ngại về môi trường ngày càng tăng liên quan đến sự tích tụ chất thải nhựa trong môi trường tự nhiên đã dẫn đến nhu cầu xây dựng chiến lược quản lý và tái chế các sản phẩm từ nhựa. Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở và doanh nghiệp.

Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất nhựa tại khu vực, ngành công nghiệp nhựa trong nước sẽ hưởng lợi đáng kể từ xu hướng toàn cầu, và trở thành một nhân tố quan trọng trong nỗ lực cung cấp các giải pháp mới cho ngành sản xuất nhựa thân thiện với môi trường.

Theo tiến sĩ Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành tái chế của Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn chưa từng có để phát triển khi quy định EPR có hiệu lực thi hành bởi doanh nghiệp sẽ tiếp nhận được nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động tái chế. Vì vậy, những tiến bộ trong công nghệ tái chế nhựa và nhựa sinh học khẳng định cam kết trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường, cùng với nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm làm từ nhựa và tài nguyên từ chất thải nhựa.

Triển lãm VietnamPlas 2024 sẽ trưng bày không chỉ các giải pháp tái chế bền vững mà còn một loạt sản phẩm đa dạng, từ: máy ép phun tiên tiến, dây chuyền ép đùn hiện đại đến máy thổi màng cải tiến , máy làm túi cơ khí chính xác, máy trộn hiệu suất cao, máy cắt công nghiệp, máy nén, nguyên liệu chất lượng và phụ gia chuyên dụng. Những công nghệ này phù hợp với nhu cầu của Việt Nam về nâng cao khả năng sản xuất tiên tiến và thực hành bền vững trong ngành nhựa và cao su.

Triển lãm thu hút đông đảo các nhà triển lãm quốc tế tham gia và trưng bày những đổi mới tiên tiến từ khắp nơi trên thế giới. Các công ty hàng đầu như: BKS S.A. của Bỉ, Motan Holding GmbH, KraussMaffei (Lotus Greentech), Windmöller & Hölscher KG của Đức và Planet Asia của Singapore.

Và sự hiện diện của các công ty hàng đầu Việt Nam, gồm Công ty TNHH TM Máy Móc Thiết Bị Kim Minh, Công ty TNHH Công nghệ Topstar Quảng Đông, Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu mới Yong Ying và Công ty TNHH Tân Huy Thịnh, cũng rất được kỳ vọng.

Cũng tại sự kiện này, các hội thảo chuyên ngành sẽ tập trung vào những thách thức về môi trường mà ngành nhựa và cao su đang đối mặt trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Tuyết Anh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/vietnamplas-2024-dem-den-giai-phap-ben-vung-trong-nganh-cong-nghiep-nhua-va-cao-su-156765.html