'Vingroup xe điện, Thaco ôtô, được trao cơ hội doanh nhân làm rất tốt'

Với sự quan tâm hơn từ Chính phủ, bà Phạm Chi Lan cho rằng các doanh nghiệp tư nhân cần tăng cường liên kết nâng cao năng lực cạnh tranh và 'tranh thủ' nguồn lực tại sân nhà.

Nhân dịp 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng thư ký và Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, đã có cuộc chia sẻ với Tri Thức - Znews về những đóng góp từ khu vực doanh nghiệp tư nhân đối với nền kinh tế thời kỳ đổi mới. Bà cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp này.

20 năm là cột mốc quan trọng

- Trong quá khứ, việc thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của khối doanh nghiệp tư nhân còn vướng nhiều nghi kỵ. Nhưng qua các thời kỳ và đặc biệt khi Việt Nam đặt mục tiêu phát triển theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã được thể hiện rõ nét hơn như thế nào, thưa bà?

- Có thể nói vai trò của kinh tế tư nhân thể hiện rất rõ qua các văn bản Luật theo từng giai đoạn.

Ở giai đoạn 1954-1975, Việt Nam còn thực hiện kế hoạch hóa tập trung, trong đó hệ thống chưa công nhận khối kinh tế tư nhân.

Tới giai đoạn đổi mới, tức năm 1986, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần mới ít nhiều thừa nhận vai trò của họ.

Nhưng cũng phải mất 5 năm sau, Quốc hội mới thông qua Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc Nhà nước chính thức công nhận doanh nghiệp tư nhân về mặt luật pháp dù vẫn còn nhiều trói buộc về phạm vi hoạt động, tiếp cận các nguồn lực tài chính. Những hạn chế khiến khối doanh nghiệp tư nhân vẫn còn phát triển khá èo uột, manh mún trong giai đoạn này.

Phải tới khi Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua năm 1999, tức 15 năm sau đổi mới, và chính thức có hiệu lực từ năm 2000 thì kinh tế tư nhân mới bắt đầu được hưởng quyền tự do kinh doanh.

Cơ quan quản lý cũng nhìn thấy sự phát triển nhanh chóng và vai trò đóng góp của khu vực tư nhân vì thế các nghị quyết, chính sách về sau đã dần cởi mở hơn đối với họ.

Tới năm 2004, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã đưa ra quyết định lựa chọn ngày 13/10 là ngày Doanh nhân Việt Nam, thừa nhận vai trò của doanh nhân, những người chủ, người vận hành doanh nghiệp.

Dấu mốc 13/10 cũng gợi nhớ lại hình ảnh ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công, thương gia để kêu gọi đóng góp tài chính và thừa nhận đây là một tầng lớp xây dựng nền kinh tế vững vàng, thịnh vượng cho nước nhà.

Tới Đại hội Đảng khóa XI với Nghị quyết 09 chúng ta tiếp tục thừa nhận “phát triển kinh tế tư nhân như một trong những bộ phận quan trọng của nền kinh tế”. Và đến Nghị quyết 41 của Đại hội XIII thì khẳng định “phát triển khu vực tư nhân như một động lực quan trọng của nền kinh tế của thời kỳ mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa”. Trong nghị quyết và các văn bản sau này thì đều nhấn mạnh đến vai trò của kinh tế tư nhân.

Chúng ta thực sự có khát khao rất lớn để trở thành nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đưa mục tiêu tới năm 2030 phải đạt được và khi đưa ra chủ trương cụ thể trong từng lĩnh vực thì luôn luôn nhắc đến vai trò của khu vực tư nhân.

- Tại sao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân cần được nhấn mạnh, thưa bà?

- Điều này là do các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn nhưng số lượng dần thu hẹp và chủ yếu tham gia vào các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế. Vì thế nhóm doanh nghiệp tư nhân dần có đóng góp tỷ trọng lớn trong phát triển, phải kể tới các lĩnh vực như dệt may, công nghiệp, giày dép, hàng tiêu dùng, nông nghiệp...

Ngoài đóng góp trực tiếp, tạo nên sự tăng trưởng ngoạn mục của các ngành kinh tế, khối doanh nghiệp tư nhân còn đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người lao động Việt Nam. Và những người đó lại nuôi sống gia đình, có điều kiện cho con cái học tập, tiếp cận công nghệ mới. Điều này tạo nên thế hệ lao động tiếp theo cho Việt Nam có khả năng học hỏi và thích ứng tốt hơn.

Đóng góp như vậy đã làm cho Nhà nước và xã hội ngày càng có niềm tin về sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.

 Doanh nghiệp tư nhân đang đóng góp trực tiếp, tạo nên sự tăng trưởng ngoạn mục của các ngành kinh tế. Ảnh: Nam Khánh.

Doanh nghiệp tư nhân đang đóng góp trực tiếp, tạo nên sự tăng trưởng ngoạn mục của các ngành kinh tế. Ảnh: Nam Khánh.

Doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều thiệt thòi

- Khu vực kinh tế tư nhân đã có bước tăng trưởng ngoạn mục trong hơn 2 thập kỷ qua, bà đánh giá các đóng góp của kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay đã tương xứng với nguồn lực, tiềm lực, cũng như kỳ vọng của Chính phủ hay chưa?

- Rõ ràng là chưa. Nền kinh tế của chúng ta trong những năm vừa qua tăng trưởng tương đối cao nhưng so với nguồn lực bỏ ra thì vẫn chưa tương xứng. Đáng lẽ chúng ta còn có thể đạt được những kết quả cao hơn nữa. Nguồn lực của khu vực tư nhân còn dồi dào, còn lớn lắm nhưng chưa thể bật xa được do vẫn còn những hạn chế nhất định.

Tôi lấy ví dụ, ưu tiên số một của chúng ta là dành cho doanh nghiệp Nhà nước; thứ hai là đầu tư nước ngoài (FDI) rồi mới đến khu vực tư nhân. Trong bối cảnh đất nước chưa giàu có, nguồn tài nguyên và tài chính còn có hạn thì dư địa phát triển cho khu vực tư nhân còn lại rất ít.

Ngay cả những chế độ ưu đãi cũng vậy. Riêng về thuế, phân bổ đất đai thì rất rõ là đầu tư nước ngoài trên một số dự án đang được hưởng điều kiện thuận lợi hơn các doanh nghiệp tư nhân của chúng ta. Hay nhiều lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân còn khó tham gia như viễn thông, khai khoáng, làm cao tốc…

Dù vậy, khi được trao cơ hội thì các doanh nghiệp tư nhân đã làm rất tốt. Chúng ta có những doanh nghiệp như Đèo Cả làm về xây dựng hạ tầng; Vingroup về xây dựng bộ mặt đô thị và xe điện; Lộc Trời trong xuất khẩu gạo; Vietjet của ngành hàng không, Trường Hải (Thaco) trong ngành ôtô hay Vinamilk trong ngành sữa…

- Bà có nhắc tới việc khu vực đầu tư nước ngoài đang nhận được nhiều sự ưu ái hơn “con nhà mình”?

- Đúng vậy. Tôi cho rằng những lĩnh vực nào doanh nghiệp trong nước có thể làm được thì nên hạn chế đầu tư nước ngoài. Mục đích là không để cho họ tạo thành lực lượng cạnh tranh quá mức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Trên thế giới, xu hướng bảo hộ doanh nghiệp nước nhà cũng đã được nâng cao từ rất lâu. Ở châu Âu, phương châm chung cũng là giảm rủi ro và trong đó có giảm rủi ro cạnh tranh từ bên ngoài vào.

Thực tiễn cho thấy Việt Nam đang lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài, có tới 73% xuất khẩu của Việt Nam hiện nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong công nghiệp hóa cũng vậy. Các ngành công nghiệp của Việt Nam hiện đã phát triển hơn và chúng ta đã có mặt trong những ngành thuộc nhánh công nghiệp cao. Thế nhưng phải nói tới hơn 50% tổng giá trị sản lượng công nghiệp của Việt Nam vẫn đang nằm trong tay đầu tư nước ngoài.

Nghe danh một chiếc ôtô thì rất to, nhưng phải đến 90% các nguyên liệu cấu thành nên là phải đi nhập từ bên ngoài vào. Ngay cả hàng may mặc cũng vậy, giá trị xuất khẩu lớn như vậy nhưng mà phần nhập khẩu đầu vào cũng chiếm tới 70-80%. Phần của mình chỉ còn tiền đất, tiền điện, tiền sức lao động mà thôi.

Và khi để đầu tư nước ngoài nắm quá nhiều thì thực chất nền kinh tế của chúng ta không còn lại bao nhiêu. Tới khi điều kiện thay đổi thì nguồn đầu tư nước ngoài sẽ bỏ đi.

Tình hình đó cho thấy chúng ta phải cố gắng hơn nữa trong việc thúc đẩy nội lực, tăng cường trao cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam. Điều này thể hiện rõ tại Đại hội XII của Đảng đã có một loạt các Nghị quyết liên quan đến vấn đề đầu tư nước ngoài, về sử dụng nguồn lực phân bổ, về khu vực kinh tế tư nhân.

Trên tinh thần là thu hút đầu tư nước ngoài theo cách có chọn lọc hơn; yêu cầu đầu tư nước ngoài cần đưa các ngành công nghệ cao, các ngành công nghệ mới đi kèm với chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam; phải gắn kết với các doanh nghiệp trong nước để sử dụng tối đa nguồn lực nội tại. Có như vậy thì các khối doanh nghiệp mới hỗ trợ nhau tốt hơn nữa.

 Những nguyên liệu đầu vào trong các ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều từ nước ngoài. Ảnh: Nam Khánh.

Những nguyên liệu đầu vào trong các ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều từ nước ngoài. Ảnh: Nam Khánh.

Liên kết doanh nghiệp tạo sức mạnh

- Ngoài sự hỗ trợ từ chính sách, bà nghĩ sao về việc các doanh nghiệp tư nhân cũng cần chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc tranh thủ nguồn lực "sân nhà", bởi mới đây Thủ tướng đã có cuộc gặp mặt với các “sếu đầu đàn”?

- Cuộc gặp vừa rồi của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nhân, doanh nghiệp lớn của Việt Nam là rất đáng mừng. Trong đó, lần đầu tiên Thủ tướng đưa ra lời chào mời cho các doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích họ tham gia vào các dự án lớn của quốc gia trong những năm tới.

Tôi đánh giá tiềm năng tham gia của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là rất lớn. Tất nhiên là riêng lẻ từng doanh nghiệp thì không được nhưng để họ hợp tác, đi cùng với nhau thì sẽ làm được.

Khi có cơ hội đóng góp thì chúng ta cũng nên tin tưởng và trao cho các doanh nghiệp tư nhân. Khi đó, Nhà nước sẽ đỡ phải lo nhiều về gánh nặng ngân sách, vấn đề xung quanh dự án hoặc tránh phải lệ thuộc vào bên ngoài.

Tôi mong là với chủ trương mới này sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân cũng như các chuyên gia trong nước và kể cả người Việt ở nước ngoài có thể cùng tham gia bàn bạc sâu hơn, thấu đáo hơn cho bài toán hiệu quả nhất của nền kinh tế.

Cách huy động nguồn lực hợp lý, đáng quý nhất chính là sự liên kết giữa các lực lượng với nhau. Doanh nghiệp tư nhân có thể hợp tác với các doanh nghiệp Nhà nước có năng lực hoặc kéo đầu tư nước ngoài vào những phần nhất định.

Bà Phạm Chi Lan cho biết từ những ví dụ như Vingroup, Thaco, Vietjet, Vinamilk... khi được trao cơ hội, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã làm rất tốt. Ảnh: Việt Linh.

Bà Phạm Chi Lan cho biết từ những ví dụ như Vingroup, Thaco, Vietjet, Vinamilk... khi được trao cơ hội, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã làm rất tốt. Ảnh: Việt Linh.

- Ngoài môi trường trong nước, bối cảnh hội nhập, mở rộng ra thị trường quốc tế cũng còn nhiều khó khăn, chúng ta cần làm gì để tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt?

- Rõ ràng là bức tranh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam so với nền kinh tế khác, đặc biệt là với những nền kinh tế chúng ta đang kết nối và có quan hệ chặt chẽ qua các FTA (hiệp định thương mại tự do - PV) hoặc đã chuyển sang hiệp định hợp tác toàn diện và chiến lược đang còn nhiều chênh lệch.

Họ đều là những đối tác rất lớn, có nền kinh tế tiên tiến hơn mình rất nhiều. Nếu nói về quy mô doanh nghiệp, thì họ lại càng lớn hơn. Ở các nền kinh tế đó, thì lực lượng tư nhân vô cùng lớn. Nhóm này lâu nay đã được cọ xát với thị trường nhiều, nên có sức để vươn lên mạnh mẽ.

Trong khi đó, con số điều tra hàng năm của Tổng cục Thống Kê vẫn cho thấy 98% doanh nghiệp Việt Nam ở khu vực tư nhân là nhỏ và vừa. Mà trong đó nhỏ là chính, lượng vừa rất ít.

Nhỏ về quy mô như vậy thì rõ ràng sẽ yếu về nhiều mặt bao gồm nguồn lực, năng lực quản trị, khả năng để nâng cấp doanh nghiệp, đầu tư mới hoặc là nâng cấp nguồn nhân lực. Những điều cấp thiết bây giờ như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thì doanh nghiệp nhỏ không dễ mà làm được.

Quy mô quá nhỏ cũng hạn chế sự hợp tác hay cộng tác của họ với các doanh nghiệp khác. Hơn nữa, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam với quy mô như vậy thì thiết bị công nghệ, vật liệu đầu vào sẽ tương đối lạc hậu. Điều này làm hạn chế khả năng nắm bắt thị trường vì không đảm bảo được chất lượng.

Một hạn chế khác là liên kết các doanh nghiệp của chúng ta còn yếu, ngay cả với các doanh nghiệp trong cùng ngành. Phải nâng cao mối liên kết, liên doanh mới có thể tạo thành sức mạnh.

Các doanh nghiệp tư nhân cần xây dựng lại và nâng cấp chiến lược phát triển của mình phù hợp với thời đại mới

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Tôi cho rằng các doanh nghiệp cần xây dựng lại và nâng cấp chiến lược phát triển của mình phù hợp với thời đại mới.

Trong bối cảnh của một thế giới VUCA - biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity), mơ hồ (Ambiguity), doanh nghiệp cần tạo lập cho mình một VUCA tích cực.

Đó là Tầm nhìn (Vision), Sự thấu hiểu (Understanding) để hiểu bối cảnh, xác định cơ hội và lợi thế cạnh tranh của mình ở đâu. Sáng tỏ (Clarity) - tập trung vào những điều then chốt nhất trong các mối quan hệ, quy trình và nguồn lực nhằm tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp. Và cuối cùng là Nhạy bén (Agility) để thích ứng, linh hoạt, phản hồi một cách hiệu quả đối với các thách thức hay vấn đề nảy sinh.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/ba-pham-chi-lan-tang-lien-ket-de-kinh-te-tu-nhan-vung-manh-post1503799.html