Vinh danh làng nghề nước mắm Nam Ô, công bố Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô
Sáng 4/7, UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) tổ chức lễ đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia 'Nghề làm nước mắm Nam Ô' và công bố Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô.
Nghề làm nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) có từ lâu đời và gắn liền với tiến trình mở cõi về phương Nam của dân tộc. Trải qua bao thăng trầm, biến thiên, thay đổi của thời gian, đến nay, nghề làm nước mắm Nam Ô vẫn tồn tại và phát triển.
Theo ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), nhắc đến vùng đất Nam Ô, nhiều người nhớ ngay đến câu "Nước mắm Nam Ô/Cá rô Xuân Thiều". Điều này cho thấy, mắm Nam Ô đã đi sâu vào tiềm thức của người dân, đã từng là sản vật "tiến Vua".
Không chỉ mang lại giá trị vật chất, mắm Nam Ô còn là một sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của làng nghề truyền thống bao đời, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương. Không chỉ là món ăn, là gia vị mà còn là một phần của lịch sử, của văn hóa, hàm chứa những tri thức dân gian, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương vùng biển Liên Chiểu.
Ngày 27/8/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2974 công nhận Di sản phi vật thể quốc gia, trong đó có nghề làm nước mắm Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.
"Nghề làm nước mắm Nam Ô được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào lớn, là phần thưởng xứng đáng, ghi nhận những nỗ lực của chính quyền TP Đà Nẵng, của quận Liên Chiểu và đặc biệt là bà con làng chài vùng Nam Ô trong việc giữ gìn làng nghề có từ hàng trăm năm nay và là động lực mới để chúng ta tiếp tục phát huy giá trị làng nghề và đưa thương hiệu mắm Nam Ô đi xa hơn nữa", ông Nguyễn Đăng Huy cho biết.
Được biết, hiện nay có 92 hộ làm nước mắm, trong đó có 54 hộ tham gia vào Hội Làng nghề truyền thống, 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, 3 HTX và 1 doanh nghiệp.
Nước mắm Nam Ô đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp logo, nhãn hiệu tập thể. Nghề làm mắm đã tạo việc làm bền vững cho khoảng vài trăm lao động địa phương với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên cho biết: Việc Bộ VHTTDL đưa di sản văn hóa phi vật thể "Nghề làm nước mắm Nam Ô, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của di sản. Đồng thời, thể hiện sự ghi nhận công lao và tri ân sâu sắc đối với các nghệ nhân, bà con làng nghề đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa này.
"Đây là niềm vinh dự, tự hào của thành phố Đà Nẵng và đồng thời cũng là trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị Nghề làm nước mắm Nam Ô; xem đây là một nhiệm vụ góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam", ông Trần Văn Miên cho biết.
Đại diện cho bà con làng nghề, ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô chia sẻ: "Chúng tôi rất xúc động và tự hào khi "Nghề nước mắm Nam Ô, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng" được Bộ VHTTDL ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra cho chúng tôi trách nhiệm to lớn hơn đối với việc giữ gìn và phát huy di sản quý này. Chúng tôi xin cam kết sẽ nỗ lực phấn đấu, lao động sáng tạo hết mình; tích cực trong việc truyền nghề, dạy nghề để bảo vệ và phát huy giá trị di sản, để di sản này luôn là báu vật của chúng ta hôm nay và là tài sản thừa kế của con cháu chúng ta mai sau".
Ngoài lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Làng nghề có vị trí thuận lợi, lại gắn với các di chỉ văn hóa có lịch sử hình thành từ thời cha ông như: đền thờ bà Liễu Hạnh, dấu tích Huyền Trân công chúa, mộ cổ tiền hiền làng Nam Ô, lăng thờ cá Ông và các di chỉ, dấu tích Chăm…Đó là điều kiện thuận lợi và phù hợp để liên kết phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch.
Thấy được tiềm năng và thế mạnh phát triển khu vực xung quanh, ngày 2/3/2020, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định về Kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô, với tổng kinh phí đầu tư là 46,1 tỷ đồng. Đề án hình thành nhằm khai thác du lịch kết hợp bảo tồn các di sản văn hóa; giới thiệu các tập quán, sản phẩm làng chài và bảo tồn nghề mắm truyền thống của vùng Nam Ô đến với du khách. Tạo điều kiện cho cư dân địa phương tham gia làm du lịch.
Tiếp đến, ngày 31/3/2020, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án "Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch TP Đà Nẵng" với kinh phí gần 4,7 tỷ đồng với mục tiêu cụ thể như: đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho người làm nước mắm, xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch của thành phố; khai thác các tiềm năng di tích, phong cảnh cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương…
Tại buổi lễ, đại diện chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó TGĐ Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng cho biết: Đề án Du lịch cộng đồng chính ra đời và được xem là một trong những đề án trọng điểm của công ty trong việc phát triển Khu du lịch sinh thái Nam Ô. Với ngân sách đầu tư lên tới khoảng 35 tỷ đồng, công ty cam kết thực hiện việc giữ gìn cải tạo môi trường thiên nhiên, phát triển làng nghề, bảo tồn văn hóa truyền thống và luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết để tạo ra môi trường du lịch bền vững.
"Được sự phê duyệt của UBND TP. Đà Nẵng và với sự hỗ trợ, phối hợp của UBND Quận Liên Chiểu, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, Đề án Du lịch cộng đồng của chúng tôi đang từng bước được triển khai. Chúng tôi cũng cam kết sẽ tuân thủ sự chỉ đạo của các Sở ban ngành, và đồng hành cùng người dân Nam Ô để Đề án được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả. Và tôi tin rằng khi Đề án được khởi động, thì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, chúng ta sẽ nhìn thấy một diện mạo mới khang trang hơn, tươi đẹp hơn nhưng vẫn nguyên vẹn bản sắc Nam Ô, đưa Nam Ô trở thành một điểm sáng mới trên bản đồ du lịch Đà Nẵng", bà Tuyết cho biết.